Đào tạo đội ngũ lương y kế cận
Y tế 10/03/2021 07:55
Hướng dẫn học viên phương pháp sao chế thuốc Nam tại Trung tâm Kế thừa và Ứng dụng Y học cổ truyền thành phố Đà Nẵng. |
Lớp thứ nhất học từ năm 2019, hiện đang thực tập cuối khóa và chuẩn bị thi tốt nghiệp. Lớp thứ hai mới khai giảng đầu năm 2021. Cả hai lớp đều học vào thứ Bảy và Chủ nhật hằng tuần, tại cơ quan Hội Đông y thành phố (160 Nguyễn Chí Thanh, TP Đà Nẵng).
Hai lớp học với gần 100 học viên, gồm nhiều thành phần, độ tuổi khác nhau và cùng chung niềm đam mê Y học cổ truyền. Ngoài số học viên ở Đà Nẵng, nhiều người từ các tỉnh khác và có cả những chức sắc tôn giáo cũng tham gia chương trình đào tạo y sĩ Y học cổ truyền. Đơn cử như ông Lê Văn Dũng ở xã Hải Phù (Hải Lăng, Quảng Trị), Phó ban Hướng dẫn Phật tử tỉnh Quảng Trị, cứ chiều thứ 6 hằng tuần là đến Đà Nẵng để học vào hai ngày cuối tuần, suốt hai năm qua chưa vắng buổi học nào. Trong khi đó, ông Đinh Văn Mến ở phường Cẩm Thanh (TP Hội An, tỉnh Quảng Nam) vào sáng thứ Bảy và Chủ nhật hằng tuần, đi học từ mờ sáng, buổi trưa nghỉ tại lớp để tiếp tục học buổi chiều, môn học nào cũng đạt điểm khá, giỏi... Thầy thuốc ưu tú, Bác sĩ Nguyễn Minh Sơn, Chủ tịch Hội Đông y thành phố Đà Nẵng, chia sẻ: Tổ chức các lớp đào tạo y sĩ Y học cổ truyền nhằm thực hiện chủ trương của Trung ương Hội Đông y Việt Nam và Thành ủy Đà Nẵng về việc đào tạo đội ngũ lương y kế cận. “Hội tích cực tổ chức các hoạt động đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng, hội thảo nhằm nâng cao khả năng khám, chữa bệnh của đội ngũ lương y, qua đó, tăng cường sự phối hợp giữa Tây y với Đông y trong sự nghiệp chăm sóc sức khỏe cho nhân dân”, Bác sĩ Nguyễn Minh Sơn nhấn mạnh.
Chương trình đào tạo y sĩ Y học cổ truyền có 24 môn với 4 học kỳ trong thời gian 2 năm. Trường Trung cấp Tây Sài Gòn và các giáo viên ngành y tế Đà Nẵng đảm nhiệm giảng dạy. Lớp học được trang bị nhiều dụng cụ hiện đại phục vụ cho việc giảng dạy và học tập, đồng thời được các cơ quan chức năng hết sức quan tâm hỗ trợ. Tại nơi học có vườn cây thuốc Nam, có hệ thống bào chế thuốc Y học cổ truyền và cũng là địa điểm hoạt động của Trung tâm Kế thừa và Ứng dụng Y học cổ truyền thành phố Đà Nẵng. Từ đó, học viên thường xuyên được học lý thuyết kết hợp với thực hành. Học viên cũng thường được thực tập tại các trạm y tế phường, xã và các bệnh viện trên địa bàn thành phố. Qua thực tế cho thấy, nhờ học lý thuyết gắn liền với thực hành trong từng bài học, nên học viên dễ hiểu, dễ nhớ, càng học càng thấy ham thích. Ông Nguyễn Hữu Quát, 78 tuổi (học viên cao tuổi nhất), quê Gia Lai, đang hành nghề xoa bóp bấm huyệt tại quận Sơn Trà (Đà Nẵng), hào hứng bộc bạch: Tôi làm nghề theo kinh nghiệm gia truyền, thường xuyên có khách gọi chăm sóc sức khỏe tại nhà, nay tôi quyết tâm học lấy Bằng tốt nghiệp Y sĩ Y học cổ truyền để có đủ điều kiện mở phòng chẩn trị Đông y. Phó Chủ tịch Thường trực Hội Đông y thành phố Đà Nẵng Bùi Thị Hoa cho biết thêm: Trường Trung cấp Tây Sài Gòn chuyên đào tạo y sĩ Y học cổ truyền, Hiệu trưởng nhà trường là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Hội Đông y Việt Nam, đã tổ chức nhiều lớp đào tạo y sĩ Y học cổ truyền ở các tỉnh phía Nam và miền Trung.
Đặc biệt, nhiều học viên hiện đang làm việc tại các cơ quan, bệnh viện, trường học, tranh thủ những ngày nghỉ cuối tuần tham gia chương trình đào tạo y sĩ Y học cổ truyền hầu mong có kiến thức chăm sóc sức khỏe theo phương châm Nam dược trị Nam nhân. Chị Phan Thị Thu Uyên ở phường Hòa Xuân (quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng), cán bộ Công ty CP Dịch vụ Hàng không Taseco, bộc bạch: "Gia đình tôi đã nhiều đời hành nghề Y học cổ truyền, vì vậy, dẫu công tác bận rộn, tôi vẫn tham gia lớp đào tạo y sĩ Y học cổ truyền khóa II nhằm kết hợp y học truyền thống với y học hiện đại trong việc trị bệnh cứu người và phát huy kiến thức nghề thuốc Nam cao quý của cha ông".
Báo cáo số 250-BC/TT của Thành ủy Đà Nẵng về Tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 24-CT/TU của Ban Bí thư về việc “Phát triển nền Đông y Việt Nam và Hội Đông y Việt Nam trong tình hình mới” đã xác định: “Phát huy vai trò nòng cốt của Hội Đông y thành phố trong việc phát triển nền Đồng y, đẩy mạnh công tác đào tạo, xây dựng đội ngũ thầy thuốc Đông y đông về số lượng, giỏi về chuyên môn và trong sáng về y đức”.
Y sĩ Lê Công Minh, cán bộ Hội Đông y thành phố Đà Nẵng (bìa phải) hướng dẫn học viên về cách nhận biết các loại thuốc Nam. |
Chụp ảnh lưu niệm tại Lễ khai giảng lớp y sĩ Y học cổ truyền khóa II. |