Niềm say mê với cây thuốc Nam
Sức khỏe 24/02/2020 08:56
Lương y Trần Đình Niên chăm sóc vườn cây thuốc Nam.
Thuở nhỏ, nhà nghèo, cậu bé Niên phải đi ở cho các gia đình giàu có để kiếm sống. Số phận run rủi, cậu được một ông thầy thuốc Đông y người Hoa tại khu vực Túy Loan, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang nhận vào giúp việc trong cơ sở bốc thuốc của ông. Suốt 7 năm tại đây, Niên đã học được nhiều cách sao tẩm, bào chế thuốc Nam, đồng thời còn học cách viết và đọc chữ Hán Nôm. Thông minh, nhanh nhẹn, có trí nhớ tốt và nỗ lực tìm tòi, nghiên cứu, Niên ngày càng hiểu biết sâu hơn về kiến thức Đông y.
Sau năm 1975, ông Niên được Bệnh viện C Đà Nẵng tuyển dụng làm công tác bào chế thuốc Đông y. Ông tiếp tục học thêm các chương trình về y học cổ truyền và trở thành lương y, được cơ quan chức năng cấp Chứng chỉ hành nghề. Đồng thời, ông tích cực học tập, nghiên cứu chữ Hán Nôm và các kiến thức liên quan đến nghề thuốc. Ông đặc biệt say mê cách trồng và sử dụng cây thuốc Nam để chữa bệnh. Người đầu tiên mà ông đã chữa khỏi bệnh chính là thân mẫu của ông, từ đó, ông càng thêm trân trọng và say mê nghề thuốc.
Năm 1992, ông Niên đầu tư mở Phòng Chẩn trị Vạn Phát Đường tại số 380 Trương Nữ Vương (Đà Nẵng), thu hút ngày càng nhiều người đến khám/chữa bệnh và đã chữa được nhiều ca bệnh nặng. Tiếp đó, ông đầu tư trồng vườn cây thuốc Nam tại phường Hòa Xuân (Cẩm Lệ, Đà Nẵng) nhằm tạo nguồn nguyên liệu bào chế thuốc. Vườn cây thuốc Nam của ông Niên có nhiều cây thuốc quý như bố chính sâm, bồ công anh, thiên môn, mạch môn, hy thiêm, huyết dụ, hoắc hương, kim ngân hoa, xáo tam phân, bạch truật, thạch hộc, các căn, sâm Núi Giành… được chăm sóc theo hướng hữu cơ, tuyệt đối không sử dụng hóa chất. “Cây thuốc Nam dễ trồng, mau phát triển; không chỉ là cây dược liệu, thuốc Nam còn là cây ăn lá, cây ăn quả và cây cảnh quan”, ông Niên chia sẻ.
Phòng chẩn trị của ông Niên có 2 tầng, tầng trên dùng để bào chế thuốc Nam, tầng dưới để khám bệnh, kê đơn, bốc thuốc. Hằng tháng, ngoài số thuốc Nam tự trồng, ông Niên còn đặt mua cây thuốc Nam ở nhiều địa phương. Ông bào chế nhiều loại thuốc Nam để bày bán tại chỗ và bào chế theo đơn thuốc của bệnh nhân mang đến. Với mô hình liên hoàn từ trồng cây thuốc Nam, bào chế thuốc và khám/chữa bệnh, ông Niên tạo việc làm thường xuyên cho hơn 10 lao động.
Qua nhiều năm bào chế và điều trị bệnh bằng thuốc Nam, ông Niên đã đúc kết kinh nghiệm viết nhiều tài liệu về y học cổ truyền. Mới đây, tài liệu “Hiểu và điều trị bệnh sốt xuất huyết theo y học cổ truyền” của ông Niên được phổ biến trong Hội Đông y thành phố Đà Nẵng. Theo tài liệu này, bệnh sốt xuất huyết có đặc trưng sốt, xuất huyết, thoát huyết tương, giai đoạn nặng gây sốc, giảm thể tích tuần hoàn, rối loạn đông máu; nếu không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến tử vong. Theo ông Niên, sốt xuất huyết nằm trong phạm trù ôn bệnh của y học cổ truyền, có khả năng lây lan nhanh và cần phải điều trị khi bệnh mới khởi phát. Ông đã bào chế 2 bài thuốc Nam để điều trị bệnh sốt xuất huyết trong giai đoạn đầu tiên, đó là bài thuốc Ngân kiều tán và bài thuốc Lục nhất tán. Ngân kiều tán được làm từ 9 loại cây thuốc Nam (kim ngân hoa, liên kiều, cát cánh, bạc hà, trúc diệp, kinh giới, đâu xị, ngưu bàng tử và cam thảo). Lục nhất tán được bào chế từ bột cam thảo và bột hoạt thạch thủy phi. Đồng thời, ông Niên còn bào chế các bài thuốc Thanh nhiệt giải độc, Nghiệm phương tứ sinh thang để điều trị bệnh sốt xuất huyết ở giai đoạn 2 và giai đoạn 3. Vị lương y giàu tâm huyết nhấn mạnh: Khi bệnh sốt xuất huyết đã ở giai đoạn 4 (sốc sâu, mạch nhanh nhỏ, khó bắt mạch, không đo được huyết áp) thì nhất thiết phải điều trị bằng y học hiện đại…
Lương y Trần Đình Niên bốc thuốc Nam cho bệnh nhân.
Lương y Trần Đình Niên chữa bệnh bằng phương pháp y học cổ truyền.
Bên cạnh đó, ông Niên còn tận tâm hướng dẫn người dân cách nhận biết và kỹ thuật trồng cây thuốc Nam để chữa bệnh. Người thầy thuốc phúc hậu luôn nhiệt tình hỗ trợ cây giống và vận động mọi người trồng cây thuốc Nam. Nói về ông Niên, Chủ tịch Hội Đông y TP Đà Nẵng Nguyễn Minh Sơn khẳng định: Đó là một lương y dày dạn kinh nghiệm, suốt đời gắn bó với ngành Đông y, chăm lo giáo dục các con nối nghiệp trị bệnh cứu người, đã sưu tầm, biên soạn nhiều tài liệu về Đông y có giá trị cao, tích cực tham gia tuyên truyền, xây dựng và phát triển ngành y học cổ truyền.