Kinh tế... đêm!
Trong mắt người già 28/11/2023 11:44
Còn theo tính toán của các doanh nghiệp lữ hành, chi tiêu của du khách vào ban đêm chiếm khoảng 70% mức chi tiêu toàn bộ hành trình. Nhưng nhiều nơi ở ta lại thiếu vắng hoạt động văn hóa - nghệ thuật, sân khấu, ca nhạc, lễ hội, sự kiện… nên bỏ qua “mỏ vàng” lớn này.
Việt Nam có thiên nhiên tươi đẹp, di sản văn hóa phong phú nhưng chừng ấy chưa đủ để trở thành điểm "phải đến" của du khách quốc tế. Tuy được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn, nhưng, du lịch Việt Nam chưa thực sự thu hút du khách, đặc biệt là khách quốc tế.
Phố Bùi Viện, quận 1, điểm du lịch ban đêm nổi tiếng tại TP. Hồ Chí Minh. |
Hạn chế rõ nhất là công tác kết nối, khai thác các thị trường mới, thị trường du lịch tiềm năng còn chậm. Công tác quản lí điểm đến còn yếu, chưa kịp thời xử lí các vấn đề về ô nhiễm môi trường, tình trạng "chặt, chém" du khách vẫn còn, làm ảnh hưởng đến hình ảnh, thương hiệu du lịch Việt Nam.
Để du lịch Việt phát triển, cần phải đổi mới, sáng tạo, kiến tạo những điểm đến vừa mang bản sắc Việt, vừa có tính quốc tế cao, phù hợp với xu hướng toàn cầu hóa của ngành du lịch. Trước hết, cần nghiên cứu đề xuất miễn thị thực ngắn hạn cho khách du lịch từ một số thị trường tiềm năng, quy mô lớn như Trung Quốc, Ấn Độ... Mở rộng miễn thị thực đơn phương cho công dân các nước có trình độ phát triển cao hơn Việt Nam, chi tiêu du lịch lớn như Australia, Canada, Mỹ, các nước trong Liên minh châu Âu... Duy trì chính sách giá vé máy bay linh hoạt, bình ổn; đa dạng trong cung ứng dịch vụ và chính sách giá linh hoạt, phù hợp, để hợp tác tạo ra các chương trình, gói sản phẩm du lịch hấp dẫn, cạnh tranh. Mở rộng danh sách các thành phố thực hiện thí điểm phát triển kinh tế đêm. Đồng thời nghiên cứu, quy hoạch phát triển kinh tế ban đêm tại các khu vực có tiềm năng. Đề xuất các chính sách hỗ trợ phát triển du lịch đêm, du lịch nông nghiệp nông thôn, du lịch cộng đồng, du lịch bền vững, du lịch MICE (du lịch kết hợp giữa nghỉ dưỡng với tổ chức sự kiện, hội nghị, hội thảo, khen thưởng…).
Theo đó, xây dựng kế hoạch hành động du lịch xanh - bền vững quốc gia và hành động để đạt được các tiêu chuẩn toàn cầu của Hội đồng Du lịch bền vững toàn cầu (GSTC) cho các cơ sở du lịch, khách sạn... Ngoài ra, tạo điều kiện để hàng không thu hút nhanh nhất khách du lịch, giao thương, đầu tư quốc tế đến Việt Nam, đến tất cả các sân bay quốc tế của Việt Nam. Giảm phí cho các đường bay quốc tế mới; giảm lãi suất cho hàng không, khách sạn, du lịch. Có như thế, du khách quốc tế mới có thời gian lưu trú dài ngày hơn, chi tiêu nhiều hơn, quay trở lại Việt Nam nhiều lần và mở ra những cơ hội đầu tư lớn.