Kiểm toán Nhà nước chuyển 19 vụ có dấu hiệu sai phạm cho cơ quan điều tra
Sự kiện 03/06/2024 07:47
Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn vừa ký báo cáo gửi Quốc hội về một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa 15.
Trong 5 năm gần nhất (2019-2023), Kiểm toán Nhà nước đã kiểm toán và phát hành 1.345 báo cáo kiểm toán.
Qua đó, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị thu 331.367 tỉ đồng (gồm cả tăng thu ngân sách nhà nước 30.539 tỉ đồng, giảm chi ngân sách nhà nước 96.183 tỉ đồng, kiến nghị khác 204.644 tỉ đồng).
Kiểm toán Nhà nước cũng kiến nghị rà soát, sửa đổi, bổ sung 1.069 văn bản gồm 14 văn bản luật, 1 nghị quyết của Quốc hội, 16 quyết định, 42 nghị định, 124 thông tư và 872 văn bản khác. Đáng chú ý, 663 báo cáo kiểm toán có kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan.
Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn. |
Kiểm toán Nhà nước cũng đã chuyển 19 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật qua kiểm toán cho cơ quan cảnh sát điều tra các cấp để xem xét xử lý.
Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn cho biết thêm, các kiến nghị về xử lý tài chính, xử lý khác của Kiểm toán Nhà nước được thực hiện bình quân khoảng 75 - 80% cho năm liền kề năm kiểm toán và tiếp tục thực hiện trong các năm tiếp theo với tỉ lệ khoảng 15 - 20% số kiến nghị còn lại mỗi năm.
Việc thực hiện kiến nghị kiểm toán trong năm 2023 có nhiều chuyển biến tích cực. Cụ thể, đến tháng 12/2023, các đơn vị đã thực hiện kiến nghị xử lý tài chính về tăng thu, giảm chi ngân sách nhà nước hơn 31.719 tỉ đồng, đạt tỉ lệ 92%; kiến nghị khác hơn 30.566 tỉ đồng, đạt tỉ lệ 83%.
Đối với các kiến nghị kiểm toán trước năm 2022, trong năm 2023 các đơn vị được kiểm toán đã tiếp tục thực hiện thêm gần 10.303 tỉ đồng.
Số kiến nghị chưa thực hiện đến 31/12/2023 hơn 67.513 tỉ đồng. Trong đó, nguyên nhân chưa thực hiện từ đơn vị được kiểm toán gần 39.804 tỉ đồng (chiếm 59%); thuộc về trách nhiệm của Kiểm toán Nhà nước hơn 283 tỉ đồng; nhóm nguyên nhân thuộc về bên thứ 3 hơn 16.591 tỉ đồng (chiếm 24,6%); nhóm nguyên nhân khác gần 10.835 tỉ đồng (chiếm 16%).
Từ đó, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo kiểm điểm, xử lý nghiêm các trường hợp chậm, kéo dài nhiều năm việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị để xảy ra sai phạm.
Đồng thời kiến nghị chỉ đạo các bộ, cơ quan trung ương, địa phương rà soát, nghiên cứu, báo cáo cấp có thẩm quyền kịp thời tháo gỡ các vướng mắc trong quá trình thực hiện kiến nghị kiểm toán, tập trung vào một số nguyên nhân chưa thực hiện.
Cùng đó là nghiên cứu cơ chế xử lý chung đối với các kết luận thanh tra, kiến nghị kiểm toán thu hồi hoàn trả, giảm chi ngân sách trong các trường hợp cơ quan, đơn vị phá sản, giải thể hoặc cá nhân đã chết, mất năng lực hành vi dân sự...
Theo lịch trình, Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn bắt đầu trả lời chất vấn trước Quốc hội từ 9h sáng 5-6 đến 15h chiều cùng ngày. Tổng Kiểm toán Ngô Văn Tuấn sẽ trả lời về trách nhiệm và giải pháp khắc phục tình trạng các doanh nghiệp, dự án được kiểm toán nhưng vẫn xảy ra sai phạm. Việc thực hiện các kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước; công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động kiểm toán cũng như giải pháp khắc phục tình trạng chồng chéo trong thanh tra, kiểm toán. Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công an, Tổng Thanh tra Chính phủ sẽ "chia lửa" cùng Tổng Kiểm toán Ngô Văn Tuấn để giải trình về những vấn đề có liên quan. |