Kì vọng và thất vọng
Trong mắt người già 22/03/2022 10:55
Nhà máy có công suất giai đoạn 1 là 200.000 thùng dầu thô/ngày, tương đương 10 triệu tấn dầu thô/năm được kì vọng sẽ giúp Việt Nam chủ động được nguồn cung xăng dầu, người dân sẽ được dùng xăng dầu giá rẻ và làm thay đổi bộ mặt kinh tế đất nước.
Tuy nhiên, đến nay Nhà máy này mang lại thất vọng lớn khi có nguy cơ phải bù lỗ khoảng 3.500 tỉ đồng/năm trong 10 năm đầu và chất lượng đầu ra không đạt tiêu chuẩn Việt Nam. Theo báo cáo của PVN, năm 2018, Công ty Lọc hóa dầu Nghi Sơn (NSRP) lỗ kế hoạch 1.379 tỉ đồng, doanh thu 29.323 tỉ đồng, đạt 18% kế hoạch năm.
Bộ Công Thương cũng cho biết, lỗ lũy kế của NSRP là 3,3 tỉ USD trong 3 năm, nợ nguyên liệu 2,8 tỉ USD. Điều đó khiến Nhà máy hoạt động chỉ đạt 45 - 80% công suất, góp phần làm cho giá xăng dầu trong nước tăng vọt trong thời gian qua.
Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn |
Về vấn đề này, nhiều người cho rằng cần phải "nhìn thẳng, nói thật" từ gốc. Thứ nhất, trong khi Việt Nam xuất khẩu dầu thô thì Nhà máy phải nhập dầu từ Kuwait vì chỉ nguồn dầu này mới phù hợp với thiết kế. Thứ hai, giá bán thả nổi theo giá quốc tế. Thứ ba, Nhà máy cung cấp đến 35% thị phần thị trường xăng dầu trong nước, nhưng công tác quản trị do phía nước ngoài điều hành nên khi nguồn cung và giá cả xăng dầu quốc tế biến động bất lợi thì họ có thể cắt giảm công suất, thậm chí dừng sản xuất vì… lí do kĩ thuật, hoặc do… bị lỗ(!?) gây ảnh hưởng lớn đến an ninh năng lượng.
Trước việc Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn "càng làm, càng lỗ", ngay từ Kì họp thứ 10, Quốc hội Khóa XIV, các đại biểu Quốc hội đã chỉ ra nhiều nguyên nhân, trong đó, bất cập lớn nhất nằm trong cam kết Bảo lãnh Chính phủ (GGU) với nhà đầu tư. Cụ thể, 3 nội dung ưu đãi “trái quy luật thị trường” khiến Nhà máy có thể làm "không cần quan tâm lời lãi" gồm: Áp dụng thuế suất 10% thuế thu nhập doanh nghiệp cho toàn bộ đời của dự án; cán bộ, công nhân viên làm việc trong khu kinh tế Nghi Sơn được giảm 50% nghĩa vụ thuế thu nhập cá nhân; trong bất cứ tình hình thị trường quan hệ cung cầu ra sao thì Việt Nam vẫn phải chịu trách nhiệm tiêu thụ 100% lượng xăng, dầu do Nhà máy sản xuất ra ngay tại cổng Nhà máy.
“Sai lầm” này khiến Nhà nước phải gồng mình bù lỗ, còn phía đối tác thì sẵn sàng “làm mình, làm mẩy”, nhưng muốn thay đổi thì cũng tốn nhiều công sức để đàm phán. Phải chăng đó chính là căn nguyên khiến Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên trong phiên trả lời chất vấn trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 16/3 cho rằng: Vai trò của nhà máy lọc dầu trong nước hiện nay là “một ẩn số trong phương trình giải bài toán nguồn cung trong nước”.
Kì vọng nhà máy lọc hóa dầu thứ 3 sắp được xây dựng tại Vũng Tàu sẽ tránh được “vết xe” của Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn.