Kì vọng sự ổn định của giá vàng thế giới
Quốc tế 17/05/2024 21:35
Theo hãng tin Reuters, trong phiên giao dịch 13/5, giá vàng thế giới đang ở mức 2.336,76 USD/ounce. Báo cáo của Gold Bullion cho thấy, kể từ đầu tháng 5, giá vàng đã tăng 3,3%. Giới đầu tư nhận định, giá vàng tăng mạnh chủ yếu sức ép từ số lượng đơn xin trợ cấp thất nghiệp mới nhất từ Mỹ ngày càng cao, làm dấy lên hi vọng lực lượng lao động suy giảm có khả năng làm thay đổi mốc thời gian cắt giảm lãi suất dự kiến của Cục Dự trữ Liên bang (Fed).
Ông David Meger, Giám đốc giao dịch và đầu tư tại công ty môi giới High Ridge Futures, nhận định: “Những gì chúng ta đang thấy là tác động tiếp diễn từ những kì vọng về việc cắt giảm lãi suất của Fed hoặc thời điểm việc cắt giảm lãi suất đó có thể xảy ra”. Theo ông Meger, dữ liệu mới nhất cho thấy, thị trường việc làm đang suy yếu nhẹ, củng cố kì vọng rằng việc cắt giảm lãi suất của Fed có thể xảy ra sớm hơn dự kiến trước đây. Điều này hỗ trợ các thị trường kim loại quý như vàng và bạc.
Người dân chọn mua vàng trang sức tại Bhopal, Ấn Độ. |
Giá vàng thường có xu hướng ngược chiều với lãi suất. Lãi suất thấp hơn làm giảm chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng. Theo Công cụ FedWatch của CME, các nhà giao dịch hiện đang kì vọng tới 67% khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 9 và xác suất này tăng lên 75% vào tháng 11.
Về phần mình, các ngân hàng trung ương khác đang đưa ra những dấu hiệu đáng khích lệ về việc giảm chi phí đi vay. Ngân hàng Anh (BoE) giữ lãi suất ổn định song cho biết họ đang tiến gần hơn đến việc hạ lãi suất và ngân hàng trung ương Thụy Điển cũng đã thực hiện cắt giảm lãi suất lần đầu tiên kể từ năm 2016.
Bên cạnh những kì vọng vào chính sách lãi suất của Mỹ, xu hướng các chính phủ và các ngân hàng trung ương ồ ạt dự trữ vàng cũng góp phần khiến giá vàng tăng cao. Vàng vẫn luôn là một tài sản “trú ngụ an toàn” trong bối cảnh thế giới đối mặt với nhiều biến động kéo theo từ các yếu tố như căng thẳng thương mại, xung đột tài chính giữa các cường quốc kinh tế toàn cầu, tỉ lệ lãi suất cao kỉ lục và giao tranh xảy ra liên miên.
Đối với các ngân hàng trung ương, vàng đóng vai trò như một công cụ để đa dạng hóa danh mục dự trữ, nhằm giảm sự phụ thuộc vào sự thống trị của đồng USD. Nhiều chính phủ lo ngại sức mạnh của đồng USD ngày càng suy yếu do thâm hụt ngân sách của chính phủ Mỹ và các khoản nợ công ngày càng lớn.
Trong cuộc khảo sát vàng hàng tuần do Kitco News thực hiện công bố ngày 11/5, các chuyên gia ngành đều tiếp tục bày tỏ sự lạc quan về kim loại quý này. James Stanley - chiến lược gia thị trường cấp cao tại Forex.com - nhìn ra bức tranh thuận lợi trong ngắn hạn cho vàng. Trong khi đó, ông Adrian Day - Chủ tịch Công ty Quản lí Tài sản Adrian Day, nhận thấy tình hình khá cân bằng trong tuần tới.
Tuy nhiên, một số chuyên gia kinh tế cũng cảnh báo về khả năng nếu giá vàng có tăng, điều đó cũng sẽ chỉ diễn ra trong ngắn hạn. Theo ông ông Naeem Aslam - Trưởng bộ phận chiến lược đầu tư tại Zaye Capital Markets, các nhà đầu tư hiện đang chưa đón nhận được tín hiệu rõ ràng từ Fed liên quan đến chính sách tiền tệ.
Hiện tại, sự chú ý của các nhà đầu tư sẽ chuyển hướng sang bài phát biểu về tình hình kinh tế Mỹ của Chủ tịch Fed Jerome Powell trong ngày 15/5 và Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ công bố vào cuối tuần. Trong 4 tháng đầu năm, sau mỗi lần Mỹ công bố báo cáo lạm phát, dữ liệu chỉ ra giá vàng đều tăng, dao động từ 0,6% đến dưới 2%.
Đề cập tới chỉ số CPI, ông Colin Cieszynski - Giám đốc chiến lược thị trường tại SIA Wealth Management, duy trì niềm tin vào giá vàng trong thời gian này. Theo ông Colin, vàng sẽ được coi là công cụ phòng ngừa lạm phát trong trường hợp CPI của Mỹ tăng. Còn nếu CPI của Mỹ giảm, hoạt động cắt giảm lãi suất có thể gia tăng và làm giảm giá đồng USD, đem lại cơ hội tốt cho vàng…