Khách hàng cẩn trọng với thông tin rao bán “vịt trời” tại dự án Five Star Hà Đông
Kinh tế 15/01/2021 11:05
Cụ thể, tại website "gfs.com.vn", Tập đoàn GFS đã giới thiệu: "Dự án Five Star Hà Đông có quy mô trên diện tích nền gần 36.600 m2 với thiết kế là tổ hợp chung cư cao cấp, văn phòng, biệt thự liền kề, trường học tiêu chuẩn quốc tế. Dự án nằm tại số 4 Chu Văn An, Hà Đông, Hà Nội, ngay vị trí trung tâm khu phố cổ Hà Đông."
Dự án Five Star Hà Đông do Tập đoàn GFS quảng cáo vẫn chưa tồn tai. |
Trên một trang web khác có tên miền “nhadatxanhmienbac.com”, dự án Five Star Hà Đông cũng được quảng cáo do Tập đoàn GFS làm chủ đầu tư; vị trí dự án nằm tại số 4 Chu Văn An, Hà Đông, Hà Nội; diện tích xây dựng là 12.532 m2 với tổng mức đầu tư dự kiến là 2.500 tỷ.
Ngoài ra, một số website khác cũng khẳng định "chắc như đinh đóng cột" rằng Five Star Hà Đông là dự án trọng điểm của GFS Group tại khu vực Hà Đông. Đây là dự án với vị trí thuận lợi và thiết kế cao cấp, quy mô 2 tòa tháp cao 33 tầng, diện tích căn hộ: 58m2 – 114,2 m2, giá bán 25 triệu đồng/ m2.
Website được cho là của Đất Xanh Miền Bắc cũng dành nhiều lời có cánh cho dự án "vịt trời" Five Star Hà Đông. |
Tuy nhiên, theo ghi nhận thực tế của Ngày mới Online, tại địa chỉ số 4 Chu Văn An (quận Hà Đông, Hà Nội) hiện vẫn đang là trụ sở hoạt động của Công ty TNHH MTV Máy kéo và Máy nông nghiệp (TAMAC). Công ty này chính là một đơn vị thành viên thuộc Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) – Bộ Công Thương.
Hiện tại, nhà máy vẫn đang hoạt động bình thường, xung quanh không có biển, bảng hay bất cứ dấu hiệu nhận biết nào cho thấy khu đất số 4 Chu Văn An là địa điểm thực hiện dự án Five Star Hà Đông.
Bà Nguyễn Thị H. - một người dân địa phương chia sẻ: “Tôi chưa nghe có thông tin về dự án này, nếu có thi công thì chúng tôi sống ở gần đây sẽ biết. Hiện khu đất đó vẫn là nhà máy thôi”.
Cổ phần hóa vào năm 2005, từ một doanh nghiệp nhà nước (thành lập năm 1997), hiện nay, Tập đoàn GFS có 12 công ty thành viên, hoạt động trong 3 lĩnh vực đầu tư mũi nhọn: Tài chính, Xây dựng, Năng lượng. Khi lấn sân sang lĩnh vực bất động sản, với loạt dự án mang thương hiệu Five Star như: Five Star Garden, Five Star Mỹ Đình, Tập đoàn GFS cũng liên tục vướng phải những “lùm xùm” về xây dựng công trình sai phép, thi công làm nứt nhà dân, vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy,... |
Nhằm tìm hiểu thêm thông tin về việc rao bán “vịt trời” tại dự án Five Star Hà Đông, phóng viên đã liên hệ làm việc với Tập đoàn GFS – đơn vị được cho là chủ đầu tư dự án. Trả lời phóng viên Ngày mới Online, đại diện pháp chế của đơn vị này cho biết: “Chủ trương di dời nhà máy đã được thống nhất từ trên Tổng Công ty. Còn công ty TAMAC trước khi kết hợp với bên chị (tập đoàn GFS – PV) là họ đã phải có phương án về di dời rồi. Cái này đã được cơ quan chủ quản là Bộ Công thương và Tổng Công ty đồng ý. Còn thời hạn về việc di dời thì đó là chuyện nội bộ của công ty TAMAC”.
Tuy nhiên, khi được hỏi đến văn bản về việc hợp tác giữa công ty TAMAC và Tập đoàn GFS tại dự án Five Star Hà Đông thì vị này lại từ chối cung cấp thông tin.
Để rộng đường dư luận, chúng tôi tiếp tục có buổi làm việc với ông Nguyễn Khắc Huy, Chủ tịch UBND phường Yết Kiêu (quận Hà Đông, Hà Nội).
Ông Huy cho biết: “Khu đất tại số 4 Chu Văn An đang là trụ sở của Công ty Máy kéo và Máy nông nghiệp, chưa triển khai dự án nào. Hiện, UBND phường không nhận được bất kỳ văn bản chỉ đạo nào của thành phố về việc xây dự án tại khu vực này”.
Về thông tin chủ đầu tư dự án Five Star Hà Đông là Công ty TNHH Năm Sao Hà Nội (thành viên Tập đoàn GFS) cũng đặt trụ sở tại địa điểm số 4 Chu Văn An (Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội), Chủ tịch phường Yết Kiêu cũng cho biết không nắm được thông tin này bởi tính đến thời điểm hiện tại, hồ sơ pháp lý của dự án không có gì.
Qua lời khẳng định của lãnh đạo UBND phường Yết Kiêu, có thể thấy dự án Five Star Hà Đông đã được quảng cáo trên mạng internet nhưng trên thực tế vẫn chưa có dấu hiệu của việc thực hiện và hình thành dự án. Thực tế, đã có không ít trường hợp khách hàng mua những dự án kiểu “vịt trời” như thế này, sau đó vì nhiều lý do khiến dự án kéo dài, khó thực hiện dẫn đến tranh chấp, khiếu nại, không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và các tài sản khác gắn liền với đất,... Do đó, khách hàng và nhà đầu tư cần hết sức cảnh giác với các thông tin tư vấn, chào bán nhà đất tại dự án Five Star Hà Đông để tránh ngậm phải “trái đắng”.
Theo Điều 55, Luật Kinh doanh Bất động sản năm 2014 quy định: Điều kiện của bất động sản hình thành trong tương lai được đưa vào kinh doanh thì dự án đủ điều kiện kinh doanh phải có: Giấy tờ về quyền sử dụng đất, hồ sơ dự án, thiết kế bản vẽ thi công đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, Giấy phép xây dựng đối với trường hợp phải có giấy phép xây dựng, giấy tờ về nghiệm thu việc hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật tương ứng theo tiến độ dự án,… Trước khi bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai, chủ đầu tư phải có văn bản thông báo cho cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh về việc nhà ở đủ điều kiện được bán, cho thuê mua. Điểm a, Khoản 3, Điều 57, Nghị định 139/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định: Hành vi kinh doanh bất động sản mà bất động sản đó không đảm bảo đầy đủ các điều kiện theo quy định hoặc không được phép đưa vào kinh doanh theo quy định sẽ bị phạt tiền từ 250 triệu đồng - 300 triệu đồng. |
Bộ Công Thương đề nghị tạm dừng xây dựng thủy điện nhỏ đã có trong quy hoạch Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh vừa ký văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố đề nghị tạm dừng xây dựng các ... |
Thủy điện sông Âm bao giờ về đích? Dự kiến hoàn thành công trình vào quý I năm 2020, nhưng cho đến nay, quá trình thi công dự án Thủy điện sông Âm ... |