Thủy điện sông Âm bao giờ về đích?
Kinh tế 06/12/2020 15:06
Dự án Thuỷ điện sông Âm nằm trên địa bàn các xã Yên Thắng, Tam Văn (thuộc huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa). Đây là dạng thuỷ điện bậc thang, không hồ chứa.
Ngày 3/10/2011, Bộ Trưởng Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 5046/QĐ-BCT phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch thuỷ điện nhỏ toàn quốc trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá đối với dự án thuỷ điện Sông Âm. Theo đó, dự án thuỷ điện Sông Âm được điều chỉnh từ 2MW lên 12MW.
Tháng 7/2010, chủ đầu tư là Công ty CP Đầu tư Năng lượng Việt Nam đã tiến hành khởi công dự án. Mặc dù UBND huyện Lang Chánh đã tiến hành giải phóng mặt bằng để hỗ trợ công tác thi công xây dựng nhưng dự án vẫn chưa thể triển khai theo đúng kế hoạch đề ra.
Ngày 23/9/2016, UBND tỉnh Thanh Hóa có Công văn số 10878/UBND – CN yêu cầu chủ đầu tư phải khởi công xây dựng công trình vào tháng 1/2017 và hoàn thành công trình vào tháng 1/2020. Tuy nhiên, đến nay, đã gần hết quý IV/2020 mà dự án vẫn chưa thể đi vào hoạt động.
Hơn một thập kỷ, dự án Thủy điện sông Âm vẫn chậm tiến độ. Ảnh minh họa |
Liên quan đến nguyên nhân dự án Thủy điện sông Âm bị chậm tiến độ, trả lời PV Ngày mới Online, đại diện truyền thông của Tập đoàn GFS cho biết: “Đến nay, dự án đã cơ bản hoàn thành việc chi trả, bồi thường cho các hộ dân nằm trong khu vực xây dựng rồi. Tuy nhiên, do trong dự án có 0,1 ha rừng tự nhiên nên còn đang chờ văn bản của các cấp có liên quan.”
Ngày 26/05/2020, UBND tỉnh Thanh Hóa có Văn bản số 6627/UBND – NN về việc Công ty CP Đầu tư Năng lượng Việt Nam xin chuyển đổi 0,1 ha rừng tự nhiên tại dự án Thủy điện sông Âm. Theo đó, UBND tỉnh đã báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Bộ NN&PTNT) tại Công văn số 6445/UBND – NN, Bộ NN&PTNT cũng đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận chủ trương chuyển mục đích rừng tự nhiên để thực hiện dự án nhưng đến nay, Thủ tướng Chính phủ vẫn đang xem xét, chưa có ý kiến chỉ đạo.
Tại Phiên thảo luận về phát triển kinh tế - xã hội ở Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV ngày 4/11, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, trong giai đoạn trước đây, nhiều dự án thủy điện chiếm đất rừng tự nhiên và ảnh hưởng đến rừng đầu nguồn, chức năng của rừng trong phòng, chống lũ, bão cũng như giảm thiểu tác động đến môi trường. Vì vậy, việc phát triển thủy điện nhận được sự quan tâm đặc biệt của Quốc hội, Chính phủ. Công tác về phát triển thủy điện nói chung và quản lý về an toàn đập, hồ thủy điện, sự vận hành của các công trình thủy điện đã được bảo đảm một mức mới và cụ thể.
“Thực hiện chỉ đạo của Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ về việc kiểm soát chặt chẽ phát triển thủy điện, không cho phép xâm dụng vào rừng tự nhiên, từ năm 2016, Bộ Công Thương phối hợp với các bộ, ngành tuyệt đối không bổ sung bất kỳ một dự án thủy điện nào nếu sử dụng đến diện tích đất rừng tự nhiên. Trên thực tế, từ năm 2016 đến nay, không có một dự án thủy điện nào sử dụng đến đất rừng tự nhiên”, Bộ trưởng Bộ Công Thương khẳng định.
Cũng tại phiên thảo luận, trả lời thắc mắc của các đại biểu về ảnh hưởng của thủy điện đến tình hình lũ bão, ngập lụt cũng như những nguy cơ sạt lở đất, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, qua khảo sát thực tế cũng như ghi nhận ý kiến của các chuyên gia, báo cáo của địa phương, việc sạt lở đất gây ra những tổn hại nghiêm trọng về người và tài sản vừa qua tại Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, Quảng Nam..., gắn chặt trực tiếp với yếu tố dị thường, cực đoan của thời tiết. Theo báo cáo của cơ quan chuyên môn và chức năng, lượng mưa tại các địa phương này lên đến hàng nghìn mét khối/giây. Đây là những nguy cơ rất lớn và tạo ra tác động đến cấu tạo địa chất cũng như điều kiện đất đai và thổ nhưỡng địa phương và gây ra sụt lở rất nghiêm trọng.
“Vấn đề mất rừng đầu nguồn, thảm thực vật, mất độ kết dính của đất… do tác động của con người thông qua các dự án thủy điện cũng như các dự án khác là vấn đề không thể phủ nhận trong một mức độ chừng mực nhất định”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh thừa nhận.
Thực tế cũng cho thấy, trong thời gian gần đây, trận lũ lụt lịch sử xảy ra ở miền Trung nước ta đã gây ra rất nhiều thiệt hại cho nền kinh tế và đời sống của người dân. Xét về nguyên nhân gây ra lũ lụt, ngoài sự ảnh hưởng của thiên tai thì cũng cần xét đến các yếu tố khác, trong đó có việc trồng và bảo vệ rừng. Bởi rừng là lá phổi xanh của trái đất, có vai trò điều hòa khí hậu và giữ đất, giữ nước vô cùng quan trọng.
Nếu chỉ quan tâm đến giá trị kinh tế trước mắt mà quên mất những lợi ích lâu dài thì chắc hẳn sẽ không tránh khỏi những hệ lụy xảy đến trong tương lai. Bởi vậy, trong quy hoạch phát triển thủy điện, đặc biệt là những thủy điện có diện tích đất rừng tự nhiên, rừng đặc dụng, thiết nghĩ, các cơ quan Nhà nước cần cẩn trọng để đưa ra những phương án hợp lý nhất.
Liên quan đến việc đánh giá hiệu quả của các dự án điện, nhất là thủy điện nhỏ và vừa, Bộ Công Thương đã phối hợp với các bộ, ngành, đưa 472 dự án ra khỏi quy hoạch thủy điện; đồng thời đưa ra khỏi quy hoạch 8 dự án thủy điện bậc thang các lưu vực sông. Bên cạnh đó, 213 điểm tiềm năng cho phát triển thủy điện cũng được đưa ra khỏi quy hoạch thủy điện theo yêu cầu của Quốc hội, bảo đảm yêu cầu mới cho phát triển. |
Chủ đầu tư thủy điện Thượng Nhật bị phạt 500 triệu đồng Với hành vi không tuân thủ theo lệnh điều hành vận hành hồ chứa, đập dâng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong ... |
Sẽ báo cáo thu hồi giấy phép hoạt động của nhà máy Thủy điện Thượng Nhật Ngày 18/11, sau khi nghiên cứu hồ sơ và làm việc với đại diện UBND huyện Nam Đông (tỉnh Thừa Thiên – Huế) và Công ... |
Thủ tướng yêu cầu khẩn trương khắc phục hậu quả sạt lở đất tại Rào Trăng 3 Ngày 16/10, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện 1404/CĐ-TTg về cứu nạn, khắc phục hậu quả sạt lở đất tại khu vực tiểu ... |