Kẽ hở lớn trong các dự án du lịch tâm linh
Đời sống 06/11/2019 09:49
Thực tế vấn đề này trong những năm qua, nhiều dự án xây dựng Khu du lịch tâm linh phát triển tràn lan, giao đất không đúng quy định của pháp luật. Nhà nước bỏ vốn giải phóng mặt bằng và xây dựng hạ tầng để doanh nghiệp xây chùa và các công trình du lịch, nghỉ dưỡng, quản lí mọi nguồn thu. Tập đoàn Xuân Trường là một điển hình trong lĩnh vực này…
Gần 20 năm qua, Công ty Xây dựng Xuân Trường (Tập đoàn Xuân Trường) chủ yếu đầu tư xây dựng các Khu du lịch tâm linh ở phía bắc nước ta với những dự án được cho là hàng đầu thế giới tại Bái Đính-Tràng An (Ninh Bình), Tam Chúc-Ba Sao (Hà Nam), hồ Núi Cốc (Thái Nguyên), đảo Cái Tráp (Hải Phòng) và đang có dự định đầu tư Khu du lịch tâm linh Chùa Hương (Hà Nội). Ở dự án nào cũng được Nhà nước cấp hàng trăm, hàng nghìn héc-ta đất.
Chùa Bái Đính |
Những dự án du lịch tâm linh “hàng đầu thế giới”
Khu du lịch tâm linh chùa Bái Đính và quần thể Trung tâm Du lịch văn hóa Tràng An (Ninh Bình) có diện tích hơn 1.700 ha, vốn đầu tư 1.500 tỉ đồng được UBND tỉnh giao đất sử dụng 70 năm, không thu tiền sử dụng đất. Triển khai dự án từ năm 2003, tỉnh Ninh Bình sử dụng hàng nghìn tỉ đồng vào việc giải phóng mặt bằng và xây dựng hạ tầng còn doanh nghiệp chỉ xây dựng các hạng mục tâm linh (chùa, tháp, đúc tượng, trồng cây, xây các công trình dịch vụ…). Hơn 10 năm qua, chùa Bái Đính lập nhiều kỉ lục trong nước và quốc tế: Tượng Phật bằng đồng dát vàng (100 tấn) ở điện Pháp Chủ lớn nhất châu Á; tượng Phật Di Lặc ngoài trời bằng đồng lớn nhất Đông Nam Á (100 tấn); chuông đồng lớn nhất Việt Nam (36 tấn); Bảo Tháp cao nhất châu Á (100m với 13 tầng); khu chùa rộng nhất cả nước (539 ha); hành lang La Hán dài nhất châu Á (3 km) và có nhiều tượng La Hán nhất cả nước (500 tượng bằng đá xanh, mỗi tượng cao 2 m); khu chùa có Giếng Ngọc lớn nhất và có nhiều nhất cây Bồ đề ở Việt Nam (100 cây giống từ Ấn Độ), v.v…
Chùa Tam Chúc và Khu du lịch tổng hợp Tam Chúc-Ba Sao (Hà Nam) được UBND tỉnh giao 5.100 ha đất, vùng lõm 4.000 ha (lớn gấp 300 lần diện tích sân vận động Mỹ Đình); thời hạn sử dụng 70 năm và cũng không thu tiền sử dụng đất; Vốn đầu tư 11.000 tỉ đồng, mục đích xây chùa lớn nhất thế giới. Tại đây, các điện thờ rộng 3.000m2- 4.000m2, cao 30m-35m. Dự án du lịch tâm linh Tam Chúc-Ba Sao xây dựng 5 khu chức năng lớn: Trung tâm đón tiếp; Khu văn hóa tâm linh; Khu bảo tồn tôn tạo tự nhiên và hồ Tam Chúc; Khu nghỉ dưỡng chăm sóc sức khỏe và du lịch cộng đồng; khu sân gôn và hồ Ba Hang; Trung tâm dịch vụ hậu cần. Riêng khu chùa xây dựng trên diện tích 44 ha sau cổng Tam Quan, 3 tòa tháp cao (100m-150m), pho tượng Phật bằng đồng nặng 200 tấn, các tượng đồng khác nặng 85 tấn-150 tấn (lớn nhất Đông Nam Á), v.v…
Khu du lịch hồ Núi Cốc (Thái Nguyên) có tổng diện tích 18.940 ha (gần gấp 4 lần Tam Chúc-Ba Sao), trong đó hồ rộng 2.500 ha, vốn đầu tư 15.000 tỉ đồng, khởi công tháng 2/2016, dự kiến hoàn thành năm 2035. Quy mô dự án triển khai trên địa bàn 3 địa phương: TP Thái Nguyên, thị xã Phổ Yên và huyện Đại Từ. Tại đây sẽ xây dựng Chùa Tháp cao 150m (nhất thế giới). Chỉ riêng nền móng Chùa Tháp rộng 10.000m2, đủ sức chứa 10.000 người cùng lúc; xung quanh là các khu đón tiếp; Khu vui chơi giải trí, khách sạn 5 sao, sân golf 36 lỗ; Khu bến thuyền; Khu làng văn hóa các dân tộc, v.v…Tỉnh đã đầu tư cả nghìn tỉ đồng cho công tác giải phóng mặt bằng.
Khu du lịch tổng hợp đảo Cái Tráp (Hải Phòng) có diện tích 450 ha, tổng vốn đầu tư 9.800 tỉ đồng, thực hiện trong 10 năm (2015-2025), riêng khu tâm linh 89 ha. Tại đó, Tập đoàn Xuân Trường xây dựng tượng Thích Ca Mâu Ni cao 150 m (nhất thế giới); Khu đón tiếp 108 ha; Khu du lịch-khách sạn 5 sao, Khu casino, sân golf 36 lỗ,v.v… Dự kiến hàng năm đón 6,5 triệu lượt khách.
Ngoài ra, Tập đoàn Xuân Trường chuẩn bị đầu tư xây dựng khu du lịch tâm linh Chùa Hương (Hà Nội) nếu được chấp thuận cũng sẽ là một dự án khổng lồ: Diện tích 1.000 ha (vốn đầu tư 15.000 tỉ đồng) nhằm tạo ra chuỗi du lịch tâm linh (Chùa Hương-Tam Chúc-Bái Đính) thông qua mở rộng tuyến đường bộ, nạo vét đường sông dài hơn 20 km chạy từ Mỹ Đức về Ninh Bình.
Dự án du lịch tâm linh không thuộc diện ưu đãi, nhưng…
Tập đoàn Xuân Trường làm chủ đầu tư đều được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Tuy nhiên, có thể khẳng định phát triển có xu hướng tràn lan, không theo quy hoạch tổng thể và được ưu đãi hơn nhiều so với các dự án giáo dục (xây trường học), y tế (xây bệnh viện). Luật Đất đai đã nhiều lần sửa đổi, bổ sung nhưng vẫn chưa quy định minh bạch đất làm du lịch tâm linh, đất nghĩa trang. Dự án về tâm linh xây chùa là chính nhưng phần lớn đất được Nhà nước giao lại mọc lên chuỗi nhà hàng, khách sạn, khu nghỉ dưỡng, khu vui chơi giải trí, sân golf, casino,v.v…
Chùa Tam Chúc (tỉnh Hà Nam)Việc giao hàng trăm, hàng nghìn héc-ta đất cho mỗi dự án đều không đấu giá, hầu hết không thu tiền sử dụng đất trong khi người dân thiếu đất ở, thiếu đất sản xuất như một số đại biểu Quốc hội từng nêu. Mặt khác, trong các dự án đầu tư đều mập mờ xen giữa vốn Nhà nước với vốn doanh nghiệp. Các địa phương chi hàng nghìn tỉ đồng để giải phóng mặt bằng và xây dựng hạ tầng, còn doanh nghiệp được làm nhà thầu các công trình có vốn ngân sách và chỉ xây chùa, đúc tượng, gắn kết công trình du lịch với công trình tâm linh. Như vậy, đất của toàn dân do Nhà nước quản lí bỗng vào tay tư nhân một cách dễ dàng. Để rồi, doanh nghiệp tư nhân khai thác, thu đủ thứ dịch vụ. Người dân đi tham quan, đến lễ Phật “bị móc túi”. Đó là cách người ta lách luật ngoạn mục.
Ở các dự án du lịch tâm linh, Nhà nước cấp đất sử dụng 70 năm nhưng không tổ chức đấu giá, không thu tiền sử dụng đất, còn đầu tư vốn ngân sách rất lớn nhưng toàn bộ các nguồn thu lại do chủ đầu tư nắm. (Riêng ở Tràng An - Ninh Bình, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch quản lí nhưng phải kí hợp đồng khai thác với Tập đoàn Xuân Trường, cùng chia lợi nhuận). Dự án nào cũng vừa thi công vừa khai thác, công trường bề bộn đã đón tiếp khách tham quan, thu dịch vụ đủ thứ.
Tại chùa Bái Đính, khách vào cổng phải nộp 40.000 đồng tiền gửi xe, để ngồi xe điện vào tham quan, lễ Phật lại mất 60.000 đồng nữa (vào, ra). Chùa có tới 250 xe điện, mỗi xe chở 15 khách, mỗi ngày thu 300 triệu đến 500 triệu đồng (vé xe điện). Nếu muốn lên Bảo Tháp phải mua vé 50.000 đồng/lượt. Hòm công đức đặt la liệt khắp nơi. Đoàn tham quan cần hướng dẫn viên thuyết minh phải chi 500.000 đồng, đi vệ sinh phải nộp 2.000 đồng/người. Riêng tiền công đức ai đến chùa cũng tự nguyện đóng góp, mỗi ngày Ban quản lí thu không dưới một tỉ đồng. Ngày lễ, tết còn bội thu hơn. Vậy mà, hàng vạn người hành hương chiêm bái không được một cốc nước uống miễn phí.
Chùa Tam Chúc cũng thế! Công trình còn ngổn ngang, các hạng mục chưa hoàn thiện đã đón nườm nượp khách. Mọi dịch vụ thu tiền y trang như chùa Bái Đính. Toàn bộ các khoản thu đều do chủ đầu tư thu vén mà không có sự giám sát, cũng không phải nộp thuế. Nhà nước cũng chưa quy định các loại thuế liên quan đến chùa chiền, nhất là tiền công đức. Rõ ràng, nhiều kẽ hở của pháp luật được doanh nghiệp lợi dụng, biến tướng yếu tố tâm linh thương mại “móc túi người dân”, làm mai một giá trị truyền thống và bản sắc văn hóa dân tộc.
Vậy, những dự án du lịch tâm linh khổng lồ này ai được lợi, có nhóm lợi ích không? Có thể trả lời không ai khác là doanh nghiệp (chủ đầu tư) hưởng lợi khổng lồ từ A đến Z, cũng không loại trừ khả năng có “nhóm lợi ích” chi phối? Nhà nước cấp đất miễn thu tiền sử dụng đất, lại chi ngân sách hàng nghìn tỉ đồng, không thu được thuế các dịch vụ. Còn người dân thì bị “móc túi” một cách tự nguyện!
Nghị quyết của Quốc hội là vậy, nhưng đến nay vẫn chưa thấy các cấp chính quyền và các cơ quan chức năng từ Trung ương đến địa phương “rà soát” những dự án được cấp đất 70 năm để làm du lịch tâm linh, cũng như chưa thấy giám sát nguồn thu tại các khu chùa “hàng đầu thế giới”.
Dư luận xã hội đang bức xúc. Nhiều đại biểu Quốc hội đã lên tiếng trong kì họp trước. Có lẽ cần một cuộc “đại phẫu” bằng giải pháp tổ chức thanh tra, giám sát toàn diện các dự án du lịch tâm linh để từ đó có các quy định pháp luật minh bạch đối với loại hình kinh doanh này.