Huyện Lâm Bình nằm ở phía bắc của tỉnh Tuyên Quang, có diện tích tự nhiên 78.152,17 ha. Phía đông giáp huyện Nà Hang (Tuyên Quang); phía Đông bắc giáp huyện Bắc Mê (Hà Giang); phía Tây và Tây bắc giáp huyện Vị Xuyên và huyện Bắc Quang (Hà Giang); phía Nam giáp huyện Chiêm Hóa (Tuyên Quang). Huyện Lâm Bình cách TP Hà Nội khoảng 280km; cách TP Tuyên Quang khoảng 120km; cách cao nguyên đá Hà Giang khoảng 150km; cách hồ Ba Bể, huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn khoảng 130km và cách hồ Núi Cốc tỉnh Thái Nguyên 180km.
|
Hồ Lâm Bình Ảnh: Lưu Trọng Đạt |
Huyện có 8 đơn vị hành chính cấp xã, 76 thôn, bản; dân số trên 33 nghìn người với trên 12 dân tộc cùng chung sống, dân tộc thiểu số chiếm trên 95%. Trong đó: Dân tộc Tày chiếm 62%, Dao trên 25%, Mông 6%, Pà Thẻn 2% còn lại là các dân tộc khác. Đặc biệt, tại thôn Thượng Minh, xã Hồng Quang, huyện Lâm Bình có tộc Người Thủy hiện còn 54 hộ, 105 khẩu, là tộc người ở Việt Nam sinh sống duy nhất tại huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang. Hiện nay, Người Thủy có tiếng nói, trang phục, văn hóa tín ngưỡng, phong tục tập quán, nguồn gốc riêng biệt.
|
Trang phục của tộc người Thủy của huyện Lâm Bình |
Các dân tộc sinh sống trên địa bàn huyện cơ bản còn giữ nguyên vẹn được những nét văn hóa truyền thống, đa dạng, đậm đà bản sắc của mỗi dân tộc, như: tiếng nói, phong tục cưới, hỏi, ma chay; kiến trúc nhà ở (nhà sàn của người Tày, nhà đất của người Dao, Pà Thẻn, nhà trình tường của người Mông…); trang phục, lễ hội (Lễ hội Lồng Tông, xuống đồng của người Tày, lễ cấp sắc của người Dao, lễ hội Nhảy lửa của người Pà Thẻn); các làn điệu dân ca: hát Then, hát Páo dung, hát cọi, múa khèn,…Đây là điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch cộng đồng.
|
Đồng bào dân tộc Mông gìn giữ nghề truyền thống |
|
Nghi lễ Nhảy lửa huyền bí của dân tộc Pà Thẻn huyện Lâm Bình |
Ngoài ra, Lâm Bình còn được thiên nhiên ban tặng với nguồn tài nguyên thiên nhiên rất đa dạng và phong phú. Đặc điểm tự nhiên của huyện được hình thành bởi những đặc trưng tổng hợp của các yếu tố địa chất, chủ yếu là núi đá vôi, địa hình, khí hậu, lớp phủ thực vật và động vật. Trên địa bàn huyện có rất nhiều khu vực được các dãy núi đá vôi trùng điệp bao quanh những thung lũng rộng lớn, rất kỳ vĩ, như các vùng: xã Thổ Bình, xã Bình An, xã Lăng Can, xã Khuôn Hà, xã Thượng Lâm và xã Phúc Yên. Đặc biệt, huyện có hồ nước lớn với diện tích trên 8000 ha, quanh hồ là những dãy núi đá vôi xen kẽ rừng nguyên sinh, kết hợp với hệ thống hang động có “cảnh quan kỳ thú, nhú đá lung linh”, những thác nước cao và có nhiều động, thực vật quý hiếm sinh sống, như: Pơ Mu, Thông tre, Thông đỏ, Nghiến, Trai lý, Đinh, Sến, Dổi, các loài Lan Kim tuyến và một số loài dược liệu quý (cây một lá, Thất diệp nhất chi hoa,…); động vật có: Voọc đen má trắng, vượn, khỉ, hươu, lợn rừng, mèo rừng, cu li, sóc, cầy, nhím,…
|
Cọc vài phạ (Cọc buộc trâu trời) |
Trên địa bàn huyện có nhiều danh lam, thắng cảnh đẹp, trong đó phải kể đến: Danh thắng Quốc gia là 99 ngọn núi Thượng Lâm huyền thoại; phong cảnh, núi non Khuôn Hà, Lăng Can, Bình An, Thổ Bình, Hồng Quang, Xuân Lập, Phúc Yên; hòn Cọc Vài, Núi Đổ, Thác Nặm Me, Thác Khuổi Thâu (nước trong), Thác Khuổi Nhi, Thác Khuổi Súng, Thác Tát Ngà ở trên khu vực Hồ Lâm Bình; Thác Vằng Dân, Tát Trà, xã Lăng Can; Thác Khủng Cho, xã Hồng Quang; Đèo Ái Au, xã Thượng Lâm; đèo Kéo Nàng, xã Lăng Can; đèo Kéo Héc, xã Phúc Yên…Mỗi danh lam, thắng cảnh đều có vẻ đẹp tự nhiên, kỳ vĩ và chứa đựng những sự tích, huyện thoại.
|
Động Khuổi Pín ở xã Khuôn Hà |
Với những đặc điểm tự nhiên đặc trưng, riêng biệt trên, hiện nay, tỉnh Tuyên Quang đang lập hồ sơ để đề nghị Chính phủ công nhận Khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang - Lâm Bình là Danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt, trong đó có huyện Lâm Bình để bảo tồn và phát huy lợi thế để phát triển du lịch sinh thái bền vững.
|
Thác Khuổi Nhi ở xã Thượng Lâm |
Để phát triển kinh tế, xã hội, xóa đói, giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số trên nguyên tắc phát huy, bảo tồn và bền vững những giá trị thiên nhiên, bản sắc văn hóa dân tộc, chính quyền và Nhân dân các dân tộc huyện Lâm Bình luôn xác định những đặc điểm nổi bật trên là một lợi thế để phát triển du lịch và ưu tiên phát triển du lịch cộng đồng.
|
Ông Nguyễn Hồng Trang, Bí thư Huyện ủy Lâm Bình |
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Hồng Trang, Bí thư Huyện ủy Lâm Bình cho biết: Phát huy tiềm năng sẵn có, trong những năm tới đây, huyện Lâm Bình sẽ tạo điều kiện để thu hút đầu tư nhiều hơn trong lĩnh vực du lịch, góp phần phát triển kinh tế, giữ gìn và phát huy những nét đẹp, giá trị đặc sắc văn hóa của các dân tộc sinh sống tại huyện Lâm Bình. Lãnh đạo huyện cũng có chủ trương, kế hoạch xây dựng phát triển du lịch theo hướng bền vững, có bước đi vững chắc, phù hợp; từng bước xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ du lịch...Tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch để du khách trong và ngoài nước biết đến.
Với tinh thần phát huy các giá trị văn hóa truyền thống cùng những thành tựu đạt được, tiếp tục khơi dậy những tiềm năng, lợi thế, nhất là tiềm năng về phát triển du lịch, hy vọng trong thời gian tới, Lâm Bình sẽ có thêm điểm tựa để phát triển kinh tế - xã hội với tốc độ nhanh và bền vững, xứng đáng là nơi dừng chân lý tưởng cho mọi du khách trong và ngoài nước.
Thế Thực