Tấm gương mẫu mực của ông Huỳnh Công Tứ

Hoạt động hội 29/04/2025 08:03
CCB Lê Xuân Tình: Mãi mãi không quên thời khắc nghe “tin chiến thắng”
![]() |
Cựu chiến binh Lê Xuân Tình |
50 năm đã qua đi nhưng ký ức về chiến tranh, về những năm tháng trên chiến trường B vẫn luôn in hằn trong tâm khảm người chiến sĩ năm nào. Đặc biệt, âm thanh của “bản tin chiến thắng” ngày 30/4/1975 là những âm thanh đẹp nhất, hào hùng nhất, xúc động nhất mà ông đã từng được nghe trong suốt quãng đời đã qua, không thể nào quên. Hòa bình đã được đổi bằng rất nhiều xương máu của đồng bào, đồng đội ông…
Ông Tình, sinh năm 1949. Nhập ngũ tháng 1/1971, thuộc biên chế C15 xăng dầu, Sư đoàn 921, đóng quân tại sân bay Vĩnh Phú. Nhiệm vụ hàng ngày của ông Tình là lái xe và tra dầu cho máy bay chiến đấu. Ông Tình cũng là một chiến sĩ trực xe dầu, tra dầu cho máy bay chiến đấu tháng 12/1972 - khi B52 ném bom thủ đô Hà Nội. Tháng 3/1974, ông bắt đầu đi chiến trường B. Nhiệm vụ của ông là cầm vô lăng chứ không trực tiếp cầm súng chiến đấu. Bộ binh đánh thắng đến đâu, đơn vị ông theo sau để tiếp quản các sân bay, thành lập các đơn vị mới tại chỗ và bàn giao rồi lại lên đường. Hành trình thầm lặng đó của đơn vị cũng đã góp phần vào chiến công vang dội 30/4/1975.
![]() |
Gian nhà cũ là nơi lưu giữ những kỷ vật, những kỷ niệm thời quân ngũ của người sinh ra ông Tình (cụ nguyên là Phó Chính ủy Sư đoàn 332 pháo cao xạ Quảng Bình), kỷ vật của ông Tình và những bằng khen, giấy khen của con trai ông Tình đang trong quân ngũ. |
Nhớ lại giờ phút nghe tin chiến thắng, ông Tình kể lại trong niềm xúc động: “Trưa 30/4/1975, tôi đang làm nhiệm vụ tại sân bay Biên Hòa. Đúng 11h 45’, giọng phát thanh viên Kim Cúc trên đài đọc tin chiến thắng: “Mời đồng bào nghe tin chiến thắng chúng tôi mới nhận được. Đúng 11h 30’, quân ta tiến vào Sài Gòn, đánh chiếm Dinh Độc Lập. Bộ tổng tham mưu ngụy Dương Văn Minh đầu hàng vô điều kiện. Cờ đỏ sao vàng phấp phới tung bay trên nóc Dinh Độc Lập. Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng!” Không gian như vỡ òa! Tất cả anh em chúng tôi đồng loạt reo hò, ôm nhau khóc. Và thời khắc xúc động nghẹn ngào ấy vẫn luôn trong tim tôi trong suốt 50 năm qua. Tôi chắc chắn rằng với đồng bào, đồng chí cả nước đã sống trong thời điểm lịch sử đó cũng có tâm trạng giống tôi.Hạnh phúc vô cùng, vui sướng vô cùng vì chiến thắng có nghĩa là chấm dứt chiến tranh, chấm dứt những hi sinh mất mát, chấm dứt việc đổ máu của đồng đội, đồng bào”.
Ông Tình nói mà hai khóe mắt rưng rưng. Trong câu chuyện, ông không kể nhiều về những khó khăn, vất vả, những mất mát hi sinh mà chỉ nói nhiều về “tin chiến thắng”. Với ông, những vất vả của bản thân mình chỉ là một điều vô cùng nhỏ bé vì ông không trực tiếp cầm súng chiến đấu, nhiệm vụ của ông so với đồng đội là rất “nhẹ nhàng”. Đồng đội đã ở phía trước, chiến đấu với mưa bom bão đạn để ông cùng đơn vị an toàn làm nhiệm vụ phía sau, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
CCB Trương Trọng Tiến: “Hòa bình là điều tuyệt vời nhất với người lính chiến”
![]() |
Hai khung ảnh của ông Tiến và vợ là bà Lê Thị Thành được treo trang trong trong nhà |
CCB Trương Trọng Tiến nay đã 71 tuổi. Ông Tiến nhập ngũ ngày 17/2/1975, vào Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 66, Sư đoàn 304, Quân đoàn 2. Sau 1 tháng huấn luyện, ông Tiến vào chiến trường B2 (từ Quảng Trị trở vào), tham gia các trận đánh tại căn cứ Nước Trong, khu Thượng Đức … rồi vào Sài Gòn. Là lính thông tin vô tuyến nên nhiệm vụ của ông Tiến không mang tính chất đặc biệt nguy hiểm như các chiến sĩ trực tiếp cầm súng chiến đấu. Có hai kỉ niệm mà ông Tiến không thể nào quên là trận đánh ác liệt tại căn cứ Nước Trong và thời khắc nghe “tin chiến thắng”. Tại trận Nước Trong: Đơn vị ông bị địch vây hãm hai ngày liền, thiếu lương thực, thiếu nước uống, một đồng chí tên Thường quê ở xã Tế Thắng (huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa) đã mang theo 08 bình tông mở đường máu ra hố bom lấy nước và anh dũng hi sinh. Hình ảnh người đồng chí, đồng hương tên Thường cứ khắc ghi trong tâm trí ông Tiến, không thể nào quên được.
Và trưa ngày 30/4/1975, đơn vị ông đã có mặt tại Sài Gòn. Khi “tin chiến thắng” phát trên đài, cả đơn vị đã đồng loạt reo hò, ông cùng đồng đội ôm nhau khóc. Giải phóng miền Nam rồi - sẽ không phải nghe tin đồng chí nào ngã xuống nữa, sẽ được sống trong hòa bình. Hòa bình thật tuyệt vời!
Sống trong hòa bình
Sau giải phóng, ông Tình tiếp tục phục vụ trong quân đội đến năm 1980 thì phục viên, về quê hương ở làng Văn Đôi, xã Hoàng Giang, huyện Nông Cống, sinh sống và tham gia công tác tại địa phương. Sau 10 năm làm cán bộ văn hóa xã, 20 năm trở lại đây, ông Tình giữ vai trò Chi hội trưởng Chi hội CCB làng Văn Đôi. Ông Tình luôn tích cực, nhiệt tình, trách nhiệm với mọi hoạt động, phong trào công tác; được các hội viên và nhân dân địa phương tin tưởng, tín nhiệm, được các cấp, các ngành nhiều lần khen thưởng.
Ông Tiến phục viên năm 1981, về thôn Kim Sơn, xã Hoàng Giang, huyện Nông Cống, tăng gia lao động sản xuất, chăm lo đời sống gia đình, nuôi dạy các con trưởng thành đến ngày nay. Đã tròn 50 năm sống trong hòa bình nhưng chưa bao giờ ông Tiến quên hình ảnh người đồng đội đã hi sinh năm nào, chưa bao giờ ông quên thời khắc nghe “tin chiến thắng”.
![]() |
CCB Lê Xuân Tình, Chi hội trưởng chi hội CCB làng Văn Đôi cùng vợ là bà Nguyễn Thị Lâm, Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong xã Hoàng Giang |
![]() |
CCB Trương Trọng Tiến và vợ là bà Lê Thị Thành, cựu thanh niên xung phong |
Và tại quê hương Hoàng Giang hiện nay, hai CCB Lê Xuân Tình và Trương Trọng Tiến đều có cuộc sống hạnh phúc, bình dị cùng vợ và con cháu. Điều đặc biệt là vợ của ông Tình là cựu thanh niên xung phong, vợ ông Tiến cũng là cựu thanh niên xung phong. Hai bà chính là những “chiến sĩ trên mặt trận đào mương, đắp đường” góp phần xây dựng, kiến thiết quê hương sau ngày giải phóng.
Tuy nhập ngũ ở hai thời điểm khác nhau, vào hai đơn vị khác nhau, nhưng hai ông đã cùng lên đường theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, vì một mục tiêu chung: Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Và vào thời khắc được nghe “tin chiến thắng”, dù ở hai địa điểm khác nhau nhưng cả ông Tình và ông Tiến đều có chung một niềm xúc động cùng đồng bào, chiến sĩ cả nước - niềm xúc động mang tên Hòa Bình!