Giải pháp tiêu thụ nông sản cho nông dân
Xã hội 19/09/2021 09:08
Nỗ lực mở lại chợ đầu mối
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hiện vẫn còn lượng lớn nông sản đang chờ thu hoạch hoặc gặp khó khăn về đầu ra. Cụ thể, như tại tỉnh Bến Tre còn 35.000 tấn quả các loại, 300 triệu trái dừa cùng lượng lớn tôm, nghêu, sò đang chờ thu hoạch. Tỉnh Hậu Giang còn 6.000 tấn thủy sản… Trong khi đó, tại các doanh nghiệp phân phối lại xảy ra tình trạng thiếu hụt hàng.
Theo bà Trần Minh Nga, Giám đốc đối ngoại Công ty MM (Mega Market) Việt Nam, hệ thống siêu thị MM đang thiếu một số mặt hàng nông sản, thủy sản tươi lẫn chế biến đông lạnh, thực phẩm khô. Công ty đã kí hợp đồng thu mua hàng đông lạnh với các nhà máy chế biến thực phẩm ở ĐBSCL, nhưng vì thực hiện “3 tại chỗ”, “4 tại chỗ” nên năng suất giảm mạnh. Các nhà máy hoạt động dưới năng suất, chủ yếu đáp ứng các đơn hàng xuất khẩu tồn đọng, dẫn tới hàng thủy sản đông lạnh bị thiếu nguồn cung tại các siêu thị trong hệ thống. Về hàng tươi sống, hiện nay nông dân ĐBSCL có xu hướng sản xuất cầm chừng, không mạnh dạn đầu tư nuôi trồng nên lượng hàng về siêu thị ít. Mặt hàng thực phẩm khô, một nhà cung cấp lớn của MM tại ĐBSCL gặp sự cố, phải tạm ngừng sản xuất để chống dịch nên hàng hóa cung ứng bị gián đoạn.
Để sớm khôi phục lại sản xuất, ông Nguyễn Phước Thiện, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp đề xuất, cần có sự thống nhất quan điểm liên kết giữa các tỉnh để tạo điều kiện cho doanh nghiệp từ tỉnh này qua tỉnh khác thu hoạch, không phải mất thời gian xin phép lại từ đầu bởi nông sản chỉ cần thu hoạch chậm nửa ngày là chất lượng đã khác.
Ưu tiên hỗ trợ cho doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp |
Nhiều địa phương cũng đã lên phương án khôi phục lại sản xuất. Tại TP Cần Thơ, các sở, ngành tích cực hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất “3 tại chỗ” hoặc hướng dẫn mở “một con đường nhiều điểm đến thuộc vùng xanh”, mô hình “4 xanh”… Việc tiêm vắc xin cũng được các địa phương đẩy mạnh để sớm đưa doanh nghiệp quay lại sản xuất.
Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, thời gian tới, Bộ Công Thương triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ kết nối, tiêu thụ hàng hóa thông qua các hoạt động kết nối cung - cầu, xúc tiến thương mại, đa dạng hình thức phân phối… Trong đó, sẽ đưa vào vận hành sàn giao dịch ảo để tạo thêm kênh xúc tiến, bán hàng cho doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho rằng, thời gian tới cần tiếp tục triển khai kết nối với các hệ thống phân phối để có đánh giá, so sánh, tổng hợp nhu cầu thị trường, giá cả năng lực để kết nối thu mua. TP Hồ Chí Minh cũng cho phép sàn thương mại điện tử và doanh nghiệp kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử hoạt động trở lại. Sắp tới, shipper được hoạt động liên quận, tạo điều kiện để người dân tiếp cận hàng hóa, giải quyết đầu ra cho các sản phẩm. Việc bán hàng lưu động dưới hình thức combo, nếu địa phương tự tổ chức thu hoạch, đóng gói bao bì theo quy cách riêng… Sở Công Thương có thể phối hợp, kết nối thông tin, bán hàng đến từng tổ dân phố.
TP Hồ Chí Minh cũng nỗ lực tổ chức lại hệ thống phân phối truyền thống. Sau một tuần thí điểm tại chợ đầu mối Bình Điền cho thấy lượng hàng tăng lên từng ngày, đến đêm 13/9 đã đạt hơn 100 tấn. Với kinh nghiệm bước đầu thành công ở chợ Bình Điền, có thể TP Hồ Chí Minh sẽ từ từ mở lại điểm tập kết này.
Xoài đạt chuẩn VietGAP được liên kết tiêu thụ. |
Tháo gỡ khó khăn
Nhằm kịp thời hỗ trợ nông dân kết nối và tiêu thụ nông sản trong lúc khó khăn, Sở NN&PTNT tỉnh An Giang thành lập Tổ Xúc tiến thương mại và tiêu thụ nông sản. Qua hơn 1 tháng thành lập, Tổ kết nối thành công hàng chục lượt mua bán với 17.890 tấn lúa, nếp; 595 tấn rau, màu; 164 tấn trái cây; 1.534 tấn thủy sản; 316.000 trứng gia cầm.
Qua hỗ trợ kết nối với Tổ công tác 970, tỉnh phối hợp cung ứng 4.000 combo nông sản (gồm cam, củ cải trắng, bắp, đu đủ, dưa leo) kết nối với Big C; hỗ trợ 13 hợp tác xã và 5 đơn vị đăng kí 19 combo nông sản kết nối cung ứng đến TP Hồ Chí Minh; hỗ trợ thiết kế 4 poster combo cho Trung tâm Giống Thủy sản và Hội Nông dân huyện Chợ Mới; gửi báo giá sản phẩm rau, củ về Tổ công tác 970 kết nối đơn vị thu mua.
Hiện nay nhiều địa bàn ở tỉnh An Giang đang áp dụng Chỉ thị 15-CT/TTg của Thủ tướng Chính phủ nên việc tiêu thụ một số sản phẩm rau màu, cây ăn trái tốt hơn trước. Tỉnh thường xuyên cập nhật tình hình tiêu thụ lúa, rau màu và cây ăn trái để kịp thời phối hợp tháo gỡ khó khăn trong tiêu thụ nông sản, tiếp tục phối hợp các đơn vị liên quan liên hệ nhiều kênh tiêu thụ nông sản, cơ bản giải quyết phần nào khó khăn cho nông dân, trong đó có nhiều NCT.
Tại các địa bàn này, Hội NCT các cấp cũng tích cực phối hợp với chính quyền và các tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp làm tốt việc kết nối, hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho nông dân và các hội viên NCT. Đến nay, tổng diện tích liên kết sản xuất cây ăn trái các loại hơn 600ha, trong đó, xoài 580ha, thanh long 0,6ha và chuối 20ha. Thời gian thu hoạch rộ từ tháng 9 đến tháng 12, xoài khoảng 76.000 tấn, chuối 4.000 tấn và cam, quýt trên 2.000 tấn. Trong đó, xoài được liên kết tiêu thụ khoảng 10.335 tấn, chiếm 12,26% sản lượng, gồm: Công ty TNHH Nông nghiệp Hoàng Phan thu mua khoảng 5.000 tấn, Công ty XNK trái cây Chánh Thu 2.000 tấn, Công ty TNHH Lefarm 300 tấn, Công ty TNHH Hoàng Phát Fruit 1.000 tấn, Công ty Ánh Dương Sao 35 tấn xoài Thái và Công ty TNHH TMDV XNK Vina T&T 2.000 tấn.
Có thể nói, đây là những tín hiệu vui cho người nông dân, trong đó có nhiều NCT ở các tỉnh ĐBSCL. Điều quan trọng bây giờ là lãnh đạo, chính quyền các địa phương phải quyết liệt đẩy mạnh công tác phòng chống dịch Covid-19, nhanh chóng thu hẹp “vùng đỏ, vùng cam”, mở rộng và giữ vững “vùng xanh”, để các giải pháp hỗ trợ tiêu thụ nông sản được triển khai thuận lợi, hiệu quả