Giá hàng hóa tăng vọt sau khi Fed cắt giảm lãi suất
Quốc tế 25/09/2024 09:44
Theo hãng thông tấn Anadolu (Thổ Nhĩ Kỳ) ngày 23/9, thị trường hàng hóa toàn cầu đã chứng kiến một sự tăng giá mạnh mẽ sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) quyết định cắt giảm lãi suất 0,5 điểm phần trăm, một mức giảm mạnh hơn so với dự kiến của nhiều người, trong cuộc họp vào tháng 9 năm nay.
Đây là lần đầu tiên sau 4 năm, Fed thực hiện biện pháp này nhằm giảm áp lực lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Việc cắt giảm lãi suất không chỉ tác động đến thị trường tài chính mà còn kích thích đà tăng giá của nhiều loại hàng hóa, từ kim loại quý đến năng lượng và nông sản.
Khi lãi suất giảm, chi phí vay vốn giảm xuống, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư trong việc mở rộng sản xuất và tiêu dùng. Điều này dẫn đến sự gia tăng nhu cầu về nguyên liệu thô và hàng hóa trên thị trường toàn cầu. Bên cạnh đó, lãi suất thấp cũng làm giảm sức hấp dẫn của các tài sản sinh lãi cố định như trái phiếu, khiến nhà đầu tư chuyển sang các tài sản có tính rủi ro cao hơn như hàng hóa và kim loại quý.
Giá cả hàng hoá đã leo thang sau quyết định của Fed |
Chủ tịch Fed Jerome Powell đã nhấn mạnh rằng, mặc dù rủi ro lạm phát đã giảm bớt, rủi ro đối với thị trường lao động lại tăng lên. Trong khi đó, khả năng tránh được suy thoái kinh tế đã tạo động lực cho nhiều nhà đầu tư chấp nhận rủi ro nhiều hơn, đẩy giá hàng hóa tăng cao.
Có thể thấy, sau thông báo cắt giảm lãi suất, giá vàng đã đạt mức cao kỉ lục 2.658,8 USD một ounce, tăng 1,7% so với tuần trước đó. Việc lãi suất giảm làm giảm chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng, một tài sản không sinh lãi, khiến nhiều nhà đầu tư đổ xô vào kim loại quý này như một kênh trú ẩn an toàn. Nhiều chuyên gia dự báo rằng giá vàng có thể tiếp tục tăng lên mức 2.900 USD một ounce trong tương lai gần.
Tương tự, giá bạc cũng tăng 1,5%, nhờ vào sự phục hồi nhu cầu từ các ngành công nghiệp và nhà đầu tư. Tuy nhiên, không phải tất cả các kim loại quý đều chứng kiến mức tăng giá. Giá bạch kim giảm 2%, trong khi giá palađi giảm nhẹ 0,1%.
Đối với kim loại cơ bản, giá đồng tăng 2,7% do kì vọng nhu cầu tăng trưởng sau quyết định của Fed. Đồng là một trong những kim loại quan trọng trong sản xuất công nghiệp và xây dựng, do đó, bất kì dấu hiệu tăng trưởng nào của nền kinh tế đều có thể đẩy giá kim loại này lên cao.
Về giá dầu thô Brent tăng 3,2% do lo ngại về sự gián đoạn sản lượng dầu của Mỹ khi cơn bão Francine đổ bộ. Cùng lúc đó, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) báo cáo rằng, dự trữ dầu thô đã giảm 1,6 triệu thùng, vượt xa kì vọng của thị trường, càng làm tăng sức ép lên giá dầu.
Giá khí đốt tự nhiên cũng ghi nhận mức tăng 6,6%, phần lớn là do căng thẳng địa chính trị tại Trung Đông và các nước sản xuất lớn. Những yếu tố này không chỉ làm gián đoạn nguồn cung mà còn thúc đẩy lo ngại về khả năng đáp ứng nhu cầu năng lượng trong thời gian tới.
Trong nhóm hàng nông sản, giá đường tăng vọt 13,6% do hạn hán và đợt nắng nóng khắc nghiệt ở Brazil, quốc gia sản xuất đường lớn nhất thế giới. Ngoài ra, giá cà phê đạt mức cao nhất kể từ tháng 9/2011, nhưng sau đó giảm 3,4% vào cuối tuần qua do áp lực từ các nhà xuất khẩu.
Giá đậu nành cũng tăng 0,6% do lo ngại về thời tiết khô hạn ở Mỹ, trong khi giá gạo và ngô lần lượt tăng 0,6% và 2,8%. Giá lúa mì lại giảm 4,4% do hi vọng căng thẳng địa chính trị giữa Nga và Ukraine sẽ hạ nhiệt, giúp ổn định nguồn cung.
Tóm lại, việc Fed cắt giảm lãi suất 0,5 điểm phần trăm đã tạo ra những tác động rõ rệt lên thị trường hàng hóa, từ kim loại quý, năng lượng đến nông sản. Trong bối cảnh lãi suất thấp và khả năng tránh được suy thoái kinh tế, các nhà đầu tư đang tăng cường tìm kiếm cơ hội sinh lợi từ thị trường hàng hóa. Tuy nhiên, sự biến động vẫn còn đó, và những yếu tố như căng thẳng địa chính trị, thiên tai, và sự gián đoạn nguồn cung sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến giá cả trong thời gian tới.