Dưỡng sinh tinh thần trong mùa Xuân
Sức khỏe 02/02/2021 10:46
Thời tiết bốn mùa không ngừng thay đổi khiến cho muôn loài phải thích nghi và phát triển thuận theo quy luật tự nhiên: mùa Xuân sinh ra, mùa Hè phát triển, mùa Thu thu lại, mùa Đông tiềm ẩn. Tùy theo từng mùa, ai cũng biết rằng phải chú ý ăn mặc và sinh hoạt cho phù hợp. Tuy nhiên, việc lưu tâm điều chỉnh đời sống tinh thần tình cảm thuận theo quy luật thời tiết khí hậu thì không phải ai cũng tường tận. Mùa Xuân đã đến, vậy phải thực hành vấn đề này như thế nào?
Theo quan niệm của y học phương Đông, ba tháng mùa Xuân gọi là phát trần, trời đất sinh sôi, vạn vật tươi tốt, thiên nhiên tràn trề sức sống, muôn vật phơi phới đi lên, dương khí trong con người cũng thuận theo tự nhiên mà bốc lên trên, tỏa ra bên ngoài. Vậy nên, điều dưỡng tinh thần về mùa Xuân phải thuận theo sức sống tràn trề của muôn loài mà đạt cho được sự vui vẻ thư thái về tinh thần, khoáng đạt cởi mở về tâm lí. Y học cổ truyền cho rằng, trong ngũ tạng, ngoài tạng Tâm chủ về thần chí, giữ địa vị thống soái về mọi hoạt động tinh thần ý thức và tư duy của con người, tạng Can cũng có vai trò hết sức quan trọng trong việc điều tiết tinh thần, ý chí và tình cảm thông qua chức năng điều hòa khí huyết, cái mà cổ nhân gọi là sơ tiết. Khí huyết là cơ sở vật chất của hoạt động tinh thần, khí huyết được lưu thông là tiền đề bảo đảm cho hoạt động tinh thần được bình thường. Y thư có câu: “Dục dưỡng tâm, tiên tĩnh khí”, ý nói muốn dưỡng tâm trước tiên phải tĩnh khí, mà muốn tĩnh khí phải chú ý bồi bổ tạng Can.
Theo sinh lí và giải phẫu học cổ truyền, tạng Can thích sởi lởi, ghét ức chế, cho nên việc điều dưỡng tinh thần mùa Xuân tuyệt nhiên không được kìm nén tình cảm. Sách Hồng lô điểm tuyết viết: “Khí ấy quý sự sởi lởi mà không quý sự ức chế, xởi lởi thì toàn thân thoải mái, ức chế thì trăm mạch không điều hoà”. Các nghiên cứu hiện đại đã chứng minh rằng, ý chí tinh thần bị ức chế lâu dài không những gây nên sự mất cân bằng về chức năng của các cơ quan nội tạng mà còn ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch cuả cơ thể thông qua hệ thống thần kinh và nội tiết, từ đó khiến cho sức đề kháng của cơ thể đối với mầm bệnh và các tế bào ung thư bị giảm sút. Thực tiễn lâm sàng cũng cho thấy, một trong những nguyên nhân quan trọng gây nên bệnh ung thư là do đời sống tinh thần có nhiều u uất, thất vọng, lo lắng, uất ức, phẫn nộ. Phương ngôn có câu: “Lo buồn nên đầu bạc”, “phiền não làm chóng già”, “uất ức sinh bách bệnh”...
Ở đời, thật khó tránh khỏi nhiều khi bị rơi vào nghịch cảnh. Người xưa đã từng nói: “Việc chẳng vừa lòng thường tám chín phần, việc được như ý chỉ một mà thôi”. Vấn đề là ở chỗ làm thế nào để giải toả được những tình cảm bất thường đó? Y học cổ truyền cho rằng: “Uất tắc phát” (uất ức sớm muộn gì cũng bột phát ra), bởi thế nếu có những điều uẩn khúc, uất ức trong lòng thì nên nói ra cho hết, tìm người dốc bầu tâm sự để cho tư tưởng được thanh sáng, tâm trạng được thuần khiết, từ đó giải toả hết mọi ưu phiền. Nhà tâm lí học phương Tây Becer đã đề ra một đơn thuốc độc đáo với tên gọi là “Bảng trạng thái tâm lí”, với nội dung chính là: Nhìn sự vật không đen thì trắng, luôn mất lòng tin đối với bản thân, cho rằng việc gì cũng không làm nổi, do có quá trình không được như ý, luôn cho rằng họa vô đơn chí, đeo cặp kính màu, chỉ nhìn thấy những mặt tiêu cực của sự vật nên nảy sinh tâm lí tự ti một cách không tự giác, luôn cho rằng bản thân mình chẳng ra gì, chưa qua kiểm chứng đã vội đoán rằng những người chung quanh coi thường mình, phóng đại những khuyết điểm của mình một cách thái quá, thu hẹp sự tự đánh giá về khả năng của mình, luôn có cảm giác rằng hình như mình đã làm việc gì đó rất tồi tệ, không thể đánh giá mình một cách chính xác... Do vậy, những người mắc chứng uất ức, một khi tâm tình không thoải mái hoặc khó bề tự kiềm chế thì trước hết nên ghi chép lại những tư tưởng tiêu cực của mình và tiêu diệt nó ngay trên giấy, đừng để nó tác oai tác quái trong đầu óc của mình. Sau đó, xem lại một lượt từ đầu chí cuối cái bảng trạng thái tâm lí đó, “mỗi ngày ba lần kiểm điểm bản thân”, đối chiếu lại với mình. Tiếp đó lại dùng tư tưởng tích cực vươn lên để thay cho những tư tưởng yếu đuối giả tạo. Bảng đó chỉ cần hằng ngày chịu khó đối chiếu thì tình cảm uất ức tự nhiên sẽ dần dần mất đi.
Kết quả nhiều nghiên cứu điều tra bí quyết trường thọ của các cụ từ 80 tuổi trở lên cho thấy, có tới 96% các vị cao thọ đều có tính cách lạc quan, phấn chấn. Phấn chấn có tác dụng cải thiện cực tốt đối với những người có tính cách hướng nội, tâm tình u uất. Ngoài ra cũng cần tạo ra một đời sống sinh hoạt có tính hài hước và dí dỏm, bởi hài hước dí dỏm sẽ tạo ra nụ cười, mà cười là một thang thuốc bồi bổ cho sức khoẻ con người. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, khi cười, vỏ não được nghỉ ngơi cao gấp 4 lần so với khi ngủ. Tuy nhiên, để xây dựng được tính cách phấn chấn hài hước cần phải có một quá trình lâu dài. Các nhà khoa học cho rằng, tuổi thơ là thời kì then chốt trong việc bồi dưỡng tính cách. Tục ngữ có câu: “Mạ tốt là nửa mùa màng”, ở vào giai đoạn sinh trưởng, phát dục, việc bồi dưỡng tính cách cho trẻ có ảnh hưởng hết sức quan trọng trong suốt cả cuộc đời của chúng.
Giận dữ là một loại tình cảm bột phát thô bạo của con người nảy sinh khi ý nguyện hoặc hoạt động gặp phải trắc trở. Đối với sức khoẻ con người, giận dữ là một loại tình cảm âm tính. Theo y học cổ truyền, “giận dữ thì khí bốc lên” làm hại cho Can và Thận, thậm chí có thể gây tử vong. Trong truyện Tam Quốc diễn nghĩa, Gia Cát Lượng ba lần chọc tức Chu Du, khiến Chu Du tức giận điên cuồng, vết thương cũ vỡ ra, hộc máu mà chết là một ví dụ điển hình. Trong sách Thiên kim phương, danh y Tôn Tư Mạo đã viết: “Trong y tế nhất thiết phải biết đến ba ngừa: Ngừa giận dữ, ngừa ham muốn quá đà, ngừa rượu say tuý luý... Vui mừng giận dữ vốn là chuyện thường tình, giận dữ ít, lòng thành ý thực, gạt lo âu phiền não ra ngoài, sửa mình theo lí lẽ, bỏ mọi ưu phiền”. Tào Đình Đống (đời Thanh, Trung Quốc) trong cuốn sách viết về dưỡng sinh Lão lão hằng ngôn cũng nói: “Người ta mượn khí để lấp đầy bản thân, cho nên thường ngày phải dưỡng thiện. Cái cần kiêng kị nhất là giận dữ. Khí tức bốc lên, tức khí sẽ nghịch mà không thuận, tắc nghẽn mà không lưu thông, làm thương tổn khí ta, tức cũng là làm thương tổn đến thân ta”. Nghiên cứu hiện đại đã chứng minh: Tức giận làm cho thần kinh giao cảm hưng phấn, tim đập nhanh hơn, huyết áp tăng cao. Những người mắc chứng cao huyết áp, bệnh tim mạch... khi tức giận, thường làm cho bệnh trầm trọng thêm, thậm chí có khi dẫn đến tử vong cái lợi nào. Vậy nên, điều dưỡng tinh thần về mùa Xuân cần phải chú ý tránh giận dữ bằng mọi biện pháp.
Trước tiên là tăng cường tu dưỡng đạo đức và rèn luyện về ý chí, bồi dưỡng những tính cách tốt. Thường ngày tu dưỡng về tính tình, rèn luyện về tình cảm đạo đức, gặp việc tự nhiên sẽ không dễ tức giận.
Thứ hai là kìm nén bằng lí trí, tự khống chế mình bằng ý thức, gặp việc đáng giận dữ, trước hết hãy suy nghĩ từ đạo lí lớn là dưỡng sinh, nghĩ tới cái nguy hại về giận dữ đối với cơ thể mình, sau đó gạt bỏ đi một cách tự giác. Dùng lí trí khắc phục sự bừng bừng nóng nảy trong lòng, khiến tình cảm không lâm vào trạng thái quá khích. Trong phim Lâm Tắc Từ, Lâm Tắc Từ đã viết hai chữ “nén giận” trên một tờ giấy to dán lên tường, đó tức là ông ta đã mượn thứ văn tự không có tiếng nói để nén nỗi tức giận trong lòng mình. Trong cuộc sống hằng ngày, nhiều người đã dán lên bàn hoặc đầu giường của mình những câu cảnh báo đại loại như “nén giận”, “bớt giận”, “gặp việc không cáu giận”... và coi đó là những đức tin trong cuộc sống của mình.
Thứ ba là phải tìm cách giải tỏa những nỗi niềm uất ức trong lòng, khôi phục lại trạng thái tâm lí bình thường. Những hành vi như nổi nóng, chửi bới, đập phá đồ vật... cũng là cách để trút giận, nhưng trút giận như thế chẳng những không giải quyết được vấn đề mà còn làm phương hại đến tình cảm của người khác, gây tổn thất của cải. Hiện nay, một số quốc gia đã thiết kế ra phương pháp xả giận hiệu nghiệm gọi là liệu pháp kêu gào. Phương pháp này thông qua sự kêu gào cấp thiết, cuồng loạn, mạnh mẽ khiến cho những phẫn nộ trong lòng được xả ra làm con người như thể được sống trở lại với tuổi thơ, được hưởng cái hạnh phúc tự do của những năm tháng vô ưu vô tư, từ đó đưa trạng thái tinh thần tâm lí được bình ổn trở lại. Ông Matsuka Saiwashitasu (Nhật Bản) đã cho thiết kế một người nộm cao su “Matsuka Sai washitasu” ngay tại công ty của ông, bên cạnh đó đặt sẵn roi da và gậy gỗ để công nhân một khi có điều gì bất mãn, tức giận, uất ức... có thể dùng roi da hoặc gậy gỗ mà nện vào người nộm thật lực. Ngoài ra, cũng có thể xả giận bằng lời nói. Mỗi khi lâm vào trạng thái tức giận, trước hết cần bình tĩnh, kìm nén tình cảm của mình, sau đó tìm cách thổ lộ tất cả với những người thân cuả mình (nói trực tiếp hoặc thông qua thư tín) để nhận được những lời khuyên giải hoặc an ủi làm cho tình cảm được cân bằng trở lại. Vậy nên, việc mở rộng quan hệ xã hội, kết giao rộng rãi với bạn bè là biện pháp hữu hiệu để giải tỏa nỗi niềm tức giận trong lòng.
Thứ tư là sử dụng phương thức chuyển đổi, nghĩa là tìm cách chuyển vùng hưng phấn khi tức giận trên não bộ bằng một vùng hưng phấn mạnh mẽ khác. Chẳng hạn, khi sắp nổi giận có thể cố ép mình đi làm một việc gì đó mà thường ngày mình cảm thấy rất hứng thú như nghe ca hát, nghe nhạc, thưởng thức danh họa hoặc đi dạo gót ở những nơi có lợi cho sự thư giãn tinh thần. Trẻ nhỏ ngây thơ hoạt bát thường dễ làm cho người ta trở lại với trạng thái bình tĩnh, do vậy, chơi đùa với trẻ cũng là một biện pháp hữu hiệu cho việc xả cơn tức giận.
Nói tóm lại, trong cuộc sống, những tình cảm giận dữ thường khó tránh khỏi, song chỉ cần xử trí một cách có lí trí, tự tìm ra một phương pháp xả giận thích hợp với bản thân mình thì những giận dữ có hại vẫn có thể tránh được.
Duy trì sự vui vẻ thoải mái về tinh thần còn cần phải có tư tưởng thoả mãn niềm vui. Nhiều điều phiền muộn, âu lo đều do sự hưởng thụ không đầy đủ cũng như lòng tham vô đáy gây ra. Tham lam hoặc không thoả mãn thì thường muốn tranh cướp, hao tâm tổn tứ, song kết quả thường không đạt được như ý muốn thì lại càng thêm phiền não, hại thân mình và đâm ra tổn thọ. Mà những người thoả mãn không nên ước vọng quá cao, luôn cảm thấy rất thoả mãn bất kể ở vào địa vị thế nào và được đãi ngộ như thế nào, gặp sao cũng được, tư tưởng thoải mái, trong lòng điềm tĩnh, vô lo vô nghĩ, tinh thần luôn ở vào trạng thái cân bằng. Lý Đông Viên, một trong bốn danh y thời Kim Nguyên (Trung Quốc) đã từng nói: “Mọi việc tuân theo lẽ tự nhiên, không tham lam, không nóng vội, không ngông cuồng”, tức là nói phàm gặp việc không được nôn nóng, luôn tin rằng “trăng đến rằm trăng tròn”, “quả chín khắc rụng”, kiên nhẫn chờ đợi thời cơ chín muồi là có thể hi vọng đạt được ước vọng.
Bồi dưỡng những niềm say mê ham thích nhất định làm cho cuộc sống thường ngày phong phú đa dạng, có thể tích cực chủ động giữ cho trạng thái tinh thần luôn luôn vui vẻ thoải mái, cầm kì thi hoạ, hưởng lãm hoa cỏ, du lịch núi sông... đều là những biện pháp vui chơi sảng khoái hằng ngày. Sách Thọ thân dưỡng lão tân thư của Trâu Huyễn đời Nguyên có nói đến “mười thú” mang đặc điểm văn hoá của Trung Hoa: Đọc sách hiểu nghĩa lí, học phép tô chữ, lắng lòng tĩnh tọa, tâm sự với bạn tốt, uống ít say vừa, tưới hoa trồng trúc, nghe đàn dỡn hạc, thắp nhang pha trà, leo thành ngắm núi, ngụ ý trong ván cờ... đều là những đạo lí và phương pháp thực dụng để tu dưỡng tinh thần thể xác làm cho tâm hồn điềm tĩnh thoải mái.
Nói tóm lại,dưỡng sinh mùa Xuân thể hiện trên mặt tinh thần, thì phải làm cho ý chí nảy sinh, phải làm cho tinh thần sảng khoái, khí huyết điều hoà, không nên đè nén tình cảm, đồng thời cũng phải kìm nén sự giận dữ. Làm cho dương khí trong con người phát triển tràn trề phù hợp với quy luật tự nhiên của dương khí mùa Xuân, vạn vật sinh sôi nảy nở, cũng thuận theo can khí thăng phát mà làm cho thân thể được khoẻ mạnh.