Du lịch... vườn!
Trong mắt người già 15/12/2022 10:08
Cây hồng ở Nam Anh nổi tiếng Nghệ An từ lâu, nhưng lại mới bước chân vào “làng du lịch” vài năm nay. Trước đây khi hồng chín đến đâu, các chủ vườn thu hoạch xong đến đó, nay họ để quả trên cây thêm một thời gian nhằm phục vụ khách du lịch đến tham quan. Theo đó, ai vào vườn hồng dạo chơi, chụp ảnh đều phải trả một mức phí nhất định cho chủ vườn hồng. Cách làm này giúp các hộ có thêm khoản thu nhập ngoài việc bán quả hồng.
Vườn hồng ở miền quê Bác Hồ tham gia vào tua du lịch tuy là việc làm không mới, bởi trước đó nhiều tỉnh miền Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long đã từng làm.
Ở phía Bắc có Sơn La, Hà Giang… cũng đã thành công với mô hình du lịch dân dã này. Còn nhớ, những vườn xoài ở Sơn La, vườn hoa tam giác mạch ở Hà Giang từng níu chân du khách, trở thành những điểm nhấn của du lịch nông nghiệp, hay còn gọi là du lịch vườn. Ngoài thu phí chụp ảnh, nông dân các địa phương trên còn bán sản phẩm để du khách thưởng thức tại chỗ hoặc mang về làm quà. Hình ảnh những vị khách trong và ngoài nước được tận mắt thấy người dân bản địa chế biến hạt tam giác mạch làm lương thực, ủ men nấu rượu, làm bánh, làm dầu, hoặc làm thuốc Đông y... khiến chúng ta cảm động.
Ước gì những cây hồng ở xã Nam Anh, cây cam Xã Đoài (Nghệ An); cây bưởi Phúc Trạch, cam Khe Mây (Hà Tĩnh), vườn bưởi da xanh, bưởi năm roi và những loại cây đặc trưng khác ở Bến Tre, Tiền Giang, Hậu Giang, Cần Thơ và nhiều tỉnh thành trong cả nước cũng khai thác theo hướng làm tăng thêm giá trị trong mỗi tua du lịch. Được như thế, các hộ nông dân và nhiều người tham gia vào chuỗi dịch vụ cũng sẽ tăng thêm thu nhập. Cây ăn quả vốn là thế mạnh của Việt Nam nhưng nếu gắn với khai thác du lịch sẽ đem lại giá trị cao hơn rất nhiều, góp phần làm giàu văn hoá ở nông thôn.
Có câu nói rất hay rằng, ngày mai bắt đầu từ hôm nay. Vâng, hôm nay là quả hồng ở Nghệ An, ngày mai còn nhiều thứ quả giá trị khác trên dọc dài đất nước tham gia vào chuỗi giá trị du lịch. Tuy nhiên, người dân mong muốn, chính quyền các cấp đừng để chủ vườn “tự biên, tự diễn” mà cần có những cái “bắt tay” thật chặt. Sự liên hệ chặt chẽ, mật thiết giữa chính quyền, cơ quan chức năng các cấp, nhất là cấp phường, xã với các hộ dân trồng cây ăn quả, cây nguyên liệu, cây dược liệu… chắc chắn sẽ góp phần mở ra một triển vọng mới cho nông nghiệp phát triển, cho du lịch và cho xây dựng nông thôn mới!.