Đôi điều về “Tứ bất tử” và tín ngưỡng thờ bách thần của dân tộc Việt
Nghiên cứu - Trao đổi 29/09/2022 09:56
Cần phải khẳng định rằng, tín ngưỡng thờ bách thần, trong đó có Tứ bất tử, chứng tỏ nét tâm linh rất độc đáo, một tư duy biểu kiến đã ăn sâu, bén rễ trong tâm thức người Việt và chỉ riêng có ở dân tộc Việt. Mọi người vẫn cho rằng, Tứ bất tử gồm: Tản Viên Sơn Thánh, Chử Đồng Tử, Thánh Gióng và Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Tuy nhiên, các thư tịch cổ ghi chép hoàn toàn không như vậy và trong chúng ta, không phải ai cũng biết Tứ bất tử từng có những vị khác, xuất hiện vào thời điểm Thánh Mẫu Liễu Hạnh chưa giáng sinh. Các vị đó là: Đức thánh Từ Đạo Hạnh, Đức thánh Nguyễn Minh Không.
Mặc nhiên, các thánh trước khi được dân phong thánh, đều là những vị có công với dân, với nước, dạy dân nghề nghiệp, canh cửi mưu sinh, hoặc giúp dân chống lại thiên tai, địch họa. Có vậy, dân mới phong thánh, lập đền thờ và trở thành chỗ dựa tinh thần, nét tâm linh không thể thiếu trong cuộc sống đầy rẫy rủi ro, thách thức và cả cơ hội lập thân. Trong 6 vị được dân xếp vào hàng “Tứ bất tử”, có 3 vị nhất quán từ đầu đến nay là: Tản Viên Sơn Thánh, Chử Đồng Tử và Thánh Gióng. Thánh Mẫu Liễu Hạnh giáng thế lần thứ nhất vào khoảng thế kỉ thứ XVI, đầu thời nhà Hậu Lê đến thời nhà Nguyễn, tất cả có 3 lần giáng thế. Vì vậy, trước đó “Tứ bất tử” ngoài 3 vị: Tản Viên Sơn Thánh, Chử Đồng Tử, Thánh Gióng, khi là Đức thánh Từ Đạo Hạnh, khi là Đức thánh Nguyễn Minh Không. Qua thời gian, cùng với sự xuất hiện những yếu tố mới mang tính thời đại về tư tưởng, triết lí, quan niệm, thì tín ngưỡng thờ “Tứ bất tử” có thay đổi cho phù hợp. Tất nhiên, cả 6 vị thánh này đều mang những truyền thuyết, câu chuyện để giải thích xuất xứ, phần lớn được thần thánh hóa.
Tượng Thánh Gióng đánh giặc xong bay về trời |
Về Tản Viên Sơn Thánh: Có truyền thuyết kể lại rằng, Tản Viên Sơn Thánh là con bà Đinh Thị Đen, người Mường, quê ở chân núi Thu Tinh, xã Yên Lương, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ. Bà Đen một lần ướm thử chân vào hòn đá, rồi về thụ thai và sinh ra một người con trai khôi ngô, tuấn tú. Sau này Tản Viên được một người phụ nữ họ Bùi nhận làm con nuôi, cho sang núi Tản tu học mà thành tài. Cũng có thuyết cho rằng, Tản Viên Sơn Thánh đi lên từ phía biển, rồi cai quản vùng núi Tản.
Cũng có thuyết nói rằng, Tản Viên Sơn Thánh là tên gọi của vị thần núi Tản. Tản Viên Sơn thuộc vùng núi Ba Vì, có 3 ngọn cao chót vót. Thực tế Tản Viên Sơn Thánh là 3 anh em, còn gọi là Tam vị Đại vương Quốc chúa Thượng đẳng thần, chia nhau cai quản, mỗi người quản một ngọn. Vì vậy, nói Sơn Tinh – Tản Viên Sơn Thánh là nói tới cả 3 anh em thần núi. Như vậy, nói đến một trong Tứ bất tử này, là nói tới 3 anh em thần núi Tản.
Truyền thuyết cũng kể câu chuyện kén rể của Hùng Vương, với voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao. Sơn Tinh (anh cả) đến sớm hơn và mang đủ lễ vật, nên lấy được công chúa Ngọc Hoa. Thủy Tinh đến muộn trượt mất cơ hội lấy công chúa, cả giận đem binh tôm, tướng cá tấn công Sơn Tinh. Sơn Tinh chống trả quyết liệt, nước dâng tới đâu, cho núi cao lên tới đó, nên Thủy Tinh thất bại, “cuộc chiến” này kéo dài đến tận ngày nay và sẽ còn mãi mãi. Đó là truyền thuyết dựa trên những hiện tượng thiên nhiên, nhằm tôn vinh công trạng của Tản Viên Sơn Thánh với dân, với nước. Thư tịch cũng ghi nhận Tản Viên Sơn Thánh từng giúp Hùng Vương dẹp yên, giữ gìn bờ cõi. Vì thế, Tản Viên được dân phong thánh và lập đền thờ phụng, trở thành một trong “Tứ bất tử”.
Chử Đồng Tử là nhân vật thần thoại. Truyền thuyết kể rằng, vào thời Hùng Vương thứ 18, Chử Đồng Tử sống cùng cha tại thôn Chử Xá, xã Văn Đức, nay thuộc huyện Gia Lâm, TP Hà Nội. Chẳng may nhà cháy mất hết của cải, hai cha con còn lại độc chiếc khố, phải thay nhau mà mặc. Khi cha lâm chung, Chử Đồng Tử liệm khố theo cha, còn mình chịu cảnh trần truồng, suốt ngày đầm mình dưới nước, bắt cá sống qua ngày. Hùng Vương khi đó có cô công chúa tên là Tiên Dung, đến tuổi cập kê nhưng không chịu lấy chồng, mà chỉ thích ngao du sơn thủy. Một lần công chúa Tiên Dung đến thăm vùng Chử Xá, Chử Đồng Tử thấy vậy vội vùi mình vào cát lẩn tránh. Tình cờ công chúa Tiên Dung sai người quây màn để tắm, đúng ngay vào chỗ Chử Đồng Tử vùi cát lên mình để trốn. Nước xối cát trôi đi, để lộ thân hình Chử Đồng Tử. Công chúa Tiên Dung kinh ngạc mới hỏi han sự tình, rồi sinh ý yêu thích, hai người nên duyên vợ chồng… Các nhà nghiên cứu cho rằng, cốt lõi huyền thoại này là câu chuyện mang tính chất Đạo giáo, vốn du nhập vào Việt Nam rất sớm. Chử Đồng Tử mang màu sắc tín ngưỡng dân gian thuần Việt.
Thánh Gióng: Hiệu là Phù Đổng Thiên Vương, hay Sóc Thiên Vương, là tượng trưng cho tinh thần chống ngoại xâm của dân tộc. Truyền thuyết rằng, tại làng Phù Đổng (hiện thuộc huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh) có gia đình phú ông hơn sáu mươi tuổi mới sinh được một người con trai, ba tuổi vẫn chưa biết nói. Năm đó giặc Ân xâm chiếm nước ta, sứ thần đi các nơi thông báo tìm nhân tài ra cứu nước. Nghe tiếng rao, cậu bé bật dậy lên tiếng bảo mẹ ra mời sứ thần vào. Cậu bé bảo sứ thần về tâu với vua rèn cho một con ngựa sắt, một bộ giáp sắt và thanh kiếm sắt. Từ đó, cậu bé ngày ăn hết mấy đấu cơm, lớn nhanh như thổi. Khi ngựa sắt, giáp sắt, kiếm sắt được mang tới, Phù Đổng vươn vai cao lớn hơn 10 trượng, rút kiếm nhảy lên ngựa phi ra trận tiền đánh giặc, một mình dẹp tan giặc Ân. Giặc tan, thần cưỡi ngựa đi đến đất Sóc Sơn và bay về trời, nhằm ngày mùng 9 tháng 4 Nhân dân lập miếu thờ và tôn là Phù Đổng Thiên Vương.
Đức thánh Từ Đạo Hạnh, sinh năm 1072, mất năm 1116, tục gọi là Đức thánh Láng, là thiền sư thời nhà Lý. Cuộc đời ông được ghi lại với nhiều màu sắc huyền thoại, trong đó truyền thuyết nổi tiếng nhất, chính là việc ông trút xác, hóa thân thành Lý Dương Hoán, con trai Sùng Hiền Hầu… Cùng Đức thánh Từ Đạo Hạnh có Đức thánh Nguyễn Minh Không, người sinh ra tại huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình, là thầy thuốc tài ba bậc nhất, còn là nhà sư tài cao đức trọng. Ông từng trực tiếp bốc thuốc chữa bệnh cho chúng sinh. Sự nghiệp tu hành của ông gắn liền với “cứu nhân độ thế”. Không chỉ là danh y nổi tiếng, ông còn được mệnh danh là ông tổ nghề đúc đồng. Hai vị Đức thánh Từ Đạo Hạnh và Đức thánh Nguyễn Minh Không đều để lại những câu chuyện đậm màu sắc Đạo giáo, đều hóa thân sau khi mất và đầu thai nhiều kiếp.
Thánh Mẫu Liễu Hạnh, theo truyền thuyết là con gái thứ hai của Ngọc Hoàng, từng 3 lần giáng trần, làm nhiều việc thiện, giúp dân làm nhiều công việc như: Đắp đê ngăn nước, cho làm 15 cây cầu đá, khơi ngòi dẫn nước tưới tiêu, chữa bệnh cho người, giúp đỡ người nghèo… Bà cũng để lại nhiều câu chuyện huyền bí, được dân phong thánh. Việc giáng thế của bà đáp ứng nhu cầu thỏa mãn tâm linh của xã hội, phù hợp với tâm thức dân gian Việt Nam. Bà cũng là người hòa đồng vào tín ngưỡng Tứ phủ, là một trong các Mẫu trong Đạo Mẫu riêng có của dân tộc Việt Nam.