Di sản kiến trúc Pháp tại Đà Lạt
Văn hóa - Thể thao 11/04/2024 10:32
Nó là một phần lịch sử của Đà Lạt. Phần lịch sử ấy, cộng thêm yếu tố tự nhiên đặc trưng, chính là nền móng để tạo nên sắc diện riêng rất Tây của Đà Lạt, từ phương pháp tư duy quy hoạch không gian đô thị đến giải pháp thực hiện đều mang đặc trưng Pháp, từ những đồ án quy hoạch đến các công trình kiến trúc đều in đậm phong cách kiến trúc cổ điển Pháp: Sang trọng, tinh tế, lãng mạn, cảm xúc, mực thước, nghiêm ngắn. Quỹ không gian di sản với khoảng 1.500 công trình kiến trúc độc đáo bao gồm biệt thự, dinh thự, công sở, trường học, thánh đường, nhà ga... do người Pháp xây dựng tại đây là minh chứng rõ nét cho cách tổ chức một đô thị duy lí kiểu châu Âu.
Vẻ đẹp của các biệt thự mang phong cách kiến trúc Pháp tại Đà Lạt đã trở thành nguồn cảm hứng để họa sĩ Vi Quốc Hiệp sáng tác hàng ngàn bức tranh về chủ đề trên. |
Trong quy hoạch tổng thể, người Pháp đã rất tinh tế khi lấy suối Cam Ly - hồ Xuân Hương làm ranh giới tự nhiên, chia Đà Lạt thành hai nửa Đông - Tây, rồi xác lập không gian trung tâm, phân định rõ các khu chức năng. Trong cách tổ chức thực hiện, người Pháp cũng rất tôn trọng yếu tố địa hình Đà Lạt, tuân thủ nghiêm quy định “công trình kiến trúc không cao quá ngọn thông” để giữ vẻ đẹp đặc thù của không gian cao nguyên. Cụ thể, các công trình kiến trúc dân sinh ở đây thường cao phổ biến không quá 2 tầng, bảo đảm phối cảnh hài hòa với điều kiện tự nhiên, nhẹ nhàng nương mình vào cảnh quan thiên nhiên, làm một phần của tự nhiên. Tương tự, các công trình kiến trúc công cộng có khối tích lớn cũng được người Pháp thiết kế lùi sâu trong rừng thông, tạo không gian thoáng đãng, rộng mát. Phần kiến trúc cao quá ngọn thông chiếm tỉ lệ rất nhỏ, chỉ là điểm nhấn của công trình kiến trúc, ví như tháp chuông nhà thờ, tháp bút trường học, mái chóp nhà ga...
Thêm nữa, những công trình kiến trúc thời thuộc Pháp đều nằm ở các vị trí rất đẹp, trên những ngọn đồi thoai thoải, mặt tiền hướng về phía hồ nước hoặc nhìn ra đồi thông. Tất cả các công trình kiến trúc nơi đây đều bố cục tổng thể theo phương nằm ngang lộ thiên, giật cấp nhiều lần nếu gặp địa hình dốc, hạn chế những tác động không thật sự cần thiết đến cảnh quan xung quanh, không làm thay đổi địa hình, địa thế. Tính độc đáo của những công trình kiến trúc thời thuộc Pháp còn ở nét tinh tế trong các chi tiết trang trí trên mỗi khung cửa, sự trang nhã trong những đường chạy uốn cong, vẻ uy nghi trên các mái nhà cổ kính, cùng kiểu dáng đa dạng trên những ống khói lò sưởi... Phần nội thất các ngôi biệt thự thì tiện nghi, trau chuốt từng chi tiết, đầy tính nghệ thuật, tương xứng với vị thế chủ nhân. Bên cạnh đó, những công trình kiến trúc Pháp tại Đà Lạt cũng nổi trội về sự đa dạng trong phong cách kiến trúc của mình.
Trong số hơn 1.500 công trình kiến trúc hiện có nơi đây, nhiều người nói rằng, cái này mang phong cách kiến trúc Normandie (phía Bắc nước Pháp), cái kia mang phong cách kiến trúc vùng Provence (phía Nam nước Pháp), cái nọ mang phong cách kiến trúc vùng Bretagne (phía Tây nước Pháp), cái đó mang phong cách kiến trúc vùng Savoie (phía Đông nước Pháp), cái khác mang phong cách kiến trúc vùng Basque (phía Tây Nam nước Pháp)..., nhưng chúng đặc biệt ở chỗ mỗi biệt thự một vẻ đẹp riêng, chẳng ngôi biệt thự nào trùng lắp ngôi biệt thự nào, kể cả tiểu tiết lò sưởi của các ngôi biệt thự cũng không hề giống nhau. Ngôn ngữ kiến trúc cũng vậy, cái thì theo phong cách cổ điển, cái thì theo phong cách địa phương Pháp, cái thì mang hơi hướng bản địa Đà Lạt, cái thì theo phong cách cận hiện đại, cái lại theo phong cách Art Décor...
Chính sự đa dạng trong phong cách kiến trúc, cùng ngôn ngữ kiến trúc, những công trình kiến trúc Pháp tại Đà Lạt đã được xem là những hình mẫu kiến trúc tiêu biểu của nền kiến trúc Pháp thế kỷ XIX. Chúng không chỉ có giá trị về mặt kĩ thuật xây dựng, kiến trúc, còn mang giá trị văn hóa, mĩ thuật và là minh chứng lịch sử của Đà Lạt thời thuộc Pháp. Tất nhiên, trên diễn trình ghi dấu ấn kiến trúc Pháp tại Đà Lạt, không thể không nhắc đến yếu tố địa phương, vì bản thân kiến trúc Pháp buộc phải biến đổi để trở nên phù hợp với khí hậu ẩm lạnh, mưa nhiều, cũng như cảnh quan nơi đây. Mà việc người Pháp xây tường rất dày (30 - 40 cm) để vừa chịu lực, vừa cách âm và giữ nhiệt; hay việc sáng tạo nên cửa sổ hai lớp (trong kính ngoài chớp) để ngăn mưa hắt vào bên trong, đồng thời không khí vẫn thoát ra ngoài dễ dàng là những ví dụ điển hình cho việc tiếp biến yếu tố bản địa của người Pháp.