Để “lúa ma” không có chốn dung thân
Trong mắt người già 06/07/2022 08:56
Lúa ma, hay còn gọi là lúa cỏ, lúa hoang, lúa trời có nguồn gốc từ Đồng bằng sông Cửu Long, thường có vào mùa nước nổi. Theo một cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam, nơi có hàng trăm héc-ta cấy phải “lúa ma”, không loại trừ có người mang hạt giống “lúa ma” theo máy gặt đập ra Bắc. Hiện có một số nhà khoa học, chuyên gia nông nghiệp cho rằng, có thể dùng zen cây lúa ma kết hợp lai tạo với giống lúa truyền thống, để cho ra một giống lúa mới, chống úng ngập, chua phèn tốt.
Tuy nhiên, cũng nhiều ý kiến phản bác, bởi nhiều nước trên thế giới đang tẩy chay sản phẩm từ giống có biến đổi zen.
Vậy là, bài toán về giống “lúa ma” vẫn còn nan giải! Lại nhớ, vài chục năm trước, người ta định đưa con ốc bươu vàng vào để nó ăn cỏ, thay cho dùng chất hóa học để diệt cỏ. Trái lại, ốc bươu vàng sinh sôi, nảy nở quá nhiều và ăn hết cả lúa. Bài học thời sự về nghịch cảnh trong ứng dụng khoa học vẫn còn đó!
Bộ Chính trị vừa ban hành Nghị quyết 19- NQ/TW về nông nghiệp, nông dân và nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết về tiếp tục đổi mới, phát triển nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới, nêu rõ: "Nông nghiệp, nông dân, nông thôn là ba thành tố có quan hệ mật thiết, gắn bó không thể tách rời...". Xác định: "Nông nghiệp là lợi thế Quốc gia, là trụ đỡ của nền kinh tế", "kinh tế tâp thể... cùng kinh tế Nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân".
Do đó, cần hỗ trợ nông dân nâng cao quản trị, phát triển sản xuất kinh doanh, tạo sinh kế, tiếp cận nguồn lực, tiến bộ khoa học-công nghệ, chuyển đổi số. Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan: Hiện nay, nông nghiệp nước ta đang phát triển theo hướng sản xuất "đa tầng", "đa giá trị". Chính vì vậy, cần tránh những phát sinh bất lợi có tính chất “nghịch tặc” trong khoa học; không có đất cho giống lúa ma, lúa cỏ, lúa hoang phát sinh, tồn tại.