Đẩy cao xung đột với Iran, ông Trump tự đưa mình vào thế kẹt
Quốc tế 19/09/2019 21:35
Vụ tấn công vào các cơ sở lọc dầu thuộc công ty dầu mỏ quốc doanh Aramco của Saudi Arabia ngày 14/9 là biến cố làm leo thang những gì đáng lẽ không nên xảy ra ở Vùng Vịnh. Khi điều không mong đợi đó xảy ra, nước Mỹ đã đặt chân vào một địa thế mới vô cùng nguy hiểm.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đổ lỗi cho Iran về sự cố, đồng thời ám chỉ sẽ có hành động trả đũa theo dạng nào đó. Tehran kiên quyết phủ nhận có liên can đến vụ tấn công, trong khi nhóm vũ trang nổi dậy Houthi ở Yemen hiên ngang đứng ra nhận trách nhiệm.
Ông Trump được cho đang bị mắc kẹt trong tình thế do chính mình tạo ra, khi tiếp tục đẩy cao căng thẳng hay xuống thang đều có vẻ không phải là lựa chọn tốt.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh TheFiscal Times |
Ngay từ đầu, biến cố dường như là hậu quả từ quyết định của chính quyền ông Trump nhằm bóp nghẹt Tehran thông qua cắt đứt khả năng xuất khẩu dầu mỏ. Đây giống như một hành động tuyên chiến về kinh tế. Và tình hình đang tiến triển theo hướng phần nào chứng minh tuyên bố của Tổng thống Iran Hassan Rouhani rằng, nếu nước này không được phép xuất khẩu dầu mỏ, những nước khác cũng sẽ gặp trở ngại.
Để nói chính xác bên nào có nhiều động lực làm căng hơn thực sự là một câu hỏi khó. Xét một cách công bằng, người Iran có thể nếu họ quyết tâm mạnh mẽ, sẵn sàng bắt Mỹ và nền kinh tế thế giới phải trả giá đắt. Mặc dù trong hơn một năm qua, Mỹ đã tạo sức ép vô cùng lớn đối với quốc gia Hồi giáo này.
Ngoại trưởng Mike Pompeo khẳng định, lệnh cấm vận sẽ không được dỡ bỏ cho đến khi một ủy ban nhiếp chính có sự ủng hộ của Mỹ được bổ nhiệm ở Tehran, đưa Cách mạng Hồi giáo đi theo những chỉ dẫn mới cho tới khi bối cảnh thay đổi và nền dân chủ Iran được khôi phục như trước đây.
Sự tương đồng giữa những yêu sách trong quá khứ với tối hậu thư của ông Pompeo hầu như không cho thấy một cuộc khủng hoảng giống năm 1914 trong hiện tại, nhưng thể hiện rõ sự cao ngạo của những quan chức chủ chiến ở Mỹ.
Chính sách của Mỹ đối với Saudi Arabia gần đây chủ yếu là vì bán vũ khí. Một số nhà phân tích chỉ ra rằng, những gì thúc đẩy các sự kiện trong thời gian qua là sự thèm khát của ngành công nghiệp quân sự Mỹ trong việc bán vũ khí công nghệ cao, với giá đắt đỏ cho những vị quốc vương thừa mứa tiền của. Việc Mỹ hỗ trợ và ủng hộ cuộc chiến của Saudi Arabia ở Yemen, do đó bị tố cáo không phải vì "chính nghĩa" mà chỉ vì sức hấp dẫn của các hợp đồng béo bở chuyển giao vũ khí.
Lãnh đạo Nhà Trắng lần này dường như đã vượt qua chính mình. Sa thải Cố vấn An ninh quốc gia John Bolton vì không thích các đề xuất hiếu chiến của chính khách này, nhưng ông Trump đã chấp thuận sự thay đổi rất lớn trong chính sách của Mỹ đối với vấn đề Iran do ông Bolton đề xuất.
Ông Trump từng cho rằng bản thân kiềm chế được sự leo thang xung đột. Nhưng khi ông tuyên bố ý định bóp nghẹt một quốc gia khác, ông đã hành động như tuyên chiến. Sự trả đũa từ phía bên kia đẩy ông vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Tổng thống Mỹ đe dọa trừng phạt, nhưng rõ ràng không muốn một cuộc chiến tranh quy mô lớn với Iran. Những người ủng hộ ông và công chúng Mỹ nhìn chung đều phản đối xung đột quân sự với Iran.
Liệu ông Trump có đang "sậpbẫy" của chính mình? Theo giới quan sát, vị tổng thống đương nhiệm Mỹ đang đối mặt với sức ép lớn phải làm gì đó để trừng phạt Iran, nhưng hành động đó có thể trầm trọng hóa cú sốc dầu mỏ khắp toàn cầu và gây hại cho chiến dịch tái tranh cử của ông. Ngược lại, nếu ông Trump từ bỏ cuộc chiến kinh tế chống Tehran, ông có thể hứng hàng tấn "gạch đá" từ cả hai phe trong Quốc hội.
Dư luận đang chờ xem ông Trump sẽ xoay xở thoát ra khỏi thế kẹt hiện nay như thế nào.