Đại tướng Phan Văn Giang giải trình, làm rõ một số vấn đề về dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp
Sự kiện 28/11/2023 18:37
Phát biểu tại phiên thảo luận, Đại tướng Phan Văn Giang đã tiếp thu ý kiến phát biểu tâm huyết, trách nhiệm góp phần hoàn thiện dự thảo luật, đồng thời làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.
Đại tướng Phan Văn Giang giải trình, làm rõ một số vấn đề về dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp. |
Đại tướng Phan Văn Giang cho biết, đối với quy định về giải thích từ ngữ, cơ quan soạn thảo sẽ phối hợp với cơ quan thẩm tra rà soát, sửa đổi, bổ sung đảm bảo thống nhất, chính xác, chi tiết.
Để giải quyết mối quan hệ giữa công nghiệp quốc phòng an ninh với động viên công nghiệp và một số chính sách cho công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, Đại tướng Phan Văn Giang nhấn mạnh, việc định đối tượng động viên công nghiệp là các doanh nghiệp ngoài lực lượng vũ trang như các đại biểu đề cập, trong đó xác định phát triển công nghiệp dân sinh phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội là chủ yếu.
Để bảo đảm sản xuất trong công nghiệp động viên công nghiệp cần phải có các quy định về chính sách đối với động viên công nghiệp để chuẩn bị và thực hiện ngay từ thời bình. Do vậy, dự thảo luật cũng đề ra chính sách mở rộng đối tượng phạm vi quy định điều kiện, phương thức, cơ chế để động viên; việc tham gia là trách nhiệm, nghĩa vụ của doanh nghiệp dân sinh đối với nhiệm vụ quốc phòng, đặc biệt khi đất nước có tình huống xảy ra.
Đại tướng Phan Văn Giang cũng tiếp thu, giải trình ý kiến của đại biểu liên quan đến cơ chế đặc thù của công nghiệp quốc phòng an ninh, chính sách thu hút và trọng dụng nhân tài, chính sách hậu phương quân đội, nguồn lực đảm bảo cho công nghiệp quốc phòng, chính sách về cơ sở quốc phòng nòng cốt, quy hoạch đất quốc phòng, an ninh…
Toàn cảnh Đại tướng Phan Văn Giang giải trình, làm rõ một số vấn đề về dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp. |
Điều hành nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, Dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp được trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 và dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 7.
Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, ngày 3/9/2023, Chính phủ đã có Tờ trình 428 về dự án luật này gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh có báo cáo thẩm tra sơ bộ, thẩm tra chính thức, Chính phủ đã có báo cáo tiếp thu, giải trình, trình Quốc hội xem xét cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6.
Chiều ngày 8/11, Quốc hội thảo luận tại Tổ về dự án luật với 88 luật ý kiến, Bộ Quốc phòng đã khẩn trương nghiên cứu và có báo cáo dự kiến một số nội dung tiếp thu, giải trình gửi đến các vị đại biểu Quốc hội.
Tại phiên thảo luận hôm nay, ngoài vấn đề quan tâm và bốn nhóm vấn đề gợi ý thảo luận nêu tại báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị các vị đại biểu cho ý kiến làm rõ thêm một số vấn đề về cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý và thực tiễn, tính thống nhất trong hệ thống pháp luật.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành nội dung thảo luận. |
Qua thảo luận, 43 ý kiến thống nhất với sự cần thiết ban hành luật, nhưng đề nghị làm rõ hơn cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý và thực tiễn. Có ý kiến đề nghị tiếp tục rà soát nghiên cứu để thể chế hóa đầy đủ, cụ thể hơn về quan điểm, đường lối của Đảng tại các nghị quyết có liên quan về xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng an ninh và động viên công nghiệp.
Nhiều ý kiến đề nghị tiếp tục rà soát các luật hiện hành, các dự án luật mà Quốc hội đang xem xét thông qua, để bảo đảm tính thống nhất, tránh chồng chéo, làm rõ hơn những nội dung của dự thảo luật với quy định trong các luật chuyên ngành.
Về tên gọi của dự thảo luật, nhiều ý kiến nhất trí với tên gọi của dự thảo luật do Chính phủ trình; cũng có ý kiến đề nghị đổi tên thành Luật Công nghiệp về quốc phòng và an ninh cho ngắn gọn, trong đó có một chương quy định về động viên công nghiệp. Có ý kiến đề nghị bổ sung cụm từ quốc phòng an ninh vào sau cụm từ động viên công nghiệp và có ý kiến đề nghị ban hành riêng Luật Động viên công nghiệp.
Về hồ sơ dự án Luật, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị đại biểu Quốc hội cho ý kiến về hồ sơ dự án luật theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là đánh giá tác động của các chính sách, nhất là các chính sách mới.
Toàn cảnh phiên thảo luận chiều ngày 28/11. |
Bố cục của dự thảo luật là gồm 7 chương với 73 điều, cần có những điều chỉnh gì, nhất là việc đề nghị bổ sung quy định chính sách của nhà nước về xây dựng phát triển công nghiệp quốc phòng và động viên công nghiệp và phương án chỉnh sửa về đặt hàng đấu thầu đối với các cơ sở dân sinh.
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị đại biểu cho ý kiến về một số nội dung cụ thể của dự thảo luật, như: Phạm vi điều chỉnh dự thảo luật, tính thống nhất trong hệ thống pháp luật; những cơ chế chính sách đột phá thật sự đặc thù để tập trung nguồn lực cho phát triển công nghiệp quốc phòng và động viên công nghiệp; về giải thích từ ngữ; về mối quan hệ giữa công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh và động viên công nghiệp; về hệ thống tổ chức công nghiệp quốc phòng an ninh; về chế độ chính sách trong công nghiệp quốc phòng an ninh…