Đặc sản sông Hàn
Đời sống 12/12/2019 10:01
Có tiền mới được ăn… tép.
Mỗi cân chíp chíp có giá bán từ 60 đến 80 nghìn đồng tùy vào loại, nhỏ thì rẻ, lớn thì đắt tiền. Nguyên nhân của chuyện lên giá từng năm đối với món “hàu” cửa sông, là do được đưa vào các nhà hàng hải sản ven biển, trong phố. Với tên gọi chíp chíp, gây nên sự lạ, món lạ nên khách hàng đặt ăn. Theo đó, món chíp chíp không thể thiếu trong thực đơn của các nhà hàng về món ăn độc đáo xuất xứ sông Hàn. Một loại nhuyễn thể sống ở vùng nước mặn pha ngọt.
Khai thác chíp chíp trên sông Hàn phải kể đến người dân ở phường Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà), phường Thuận Phước (quận Hải Châu) và nay có thêm người Quảng Nam, người Huế. Ông Liên - một người cào chíp chíp, ngụ tại phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà cho hay: “Trước kia, nó cũng rẻ như… hến. Đãi về cũng chỉ bán cho người dân nghèo nấu canh, nấu miến, xào bún, hấp xả… ăn chơi”. Câu chuyện của ông Liên về con chíp chíp, về hành trình “mò cua, bắt ốc” mấy năm nay có sự biến đổi khác trước, từ rẻ bèo lại chuyển sang đắt đỏ, từ sẵn có bao la nay khai thác cạn kiệt, thành của hiếm. Ông Liên ví dụ: “Ở phố tôi có cụ bà sống bằng lương hưu. Khi có tiền mặt, cụ mới có… tép ăn”. Thế khi không có tiền, cụ ăn muối trắng ư? Chúng tôi đặt câu hỏi, ông Liên cười phá, đáp: “Khi hết tiền, cụ ăn thịt, ăn cá khúc to tướng. Lí do, các thứ này họ đều bán thiếu, bán chịu. Mua bao nhiêu cũng được”.
Mò, cào chíp chíp sông Hàn. |
Câu chuyện của ông Liên hài hước. Bì bõm lội sông theo ông, chúng tôi không nhịn được cười. Ông Liên vẫn cào đãi chíp chíp, vẫn chuyện: “Có thương lái mua gom chíp chíp, còn đưa tiền trước cho tui đó. Bán thứ này có quyền lắm. Quyền hơn bán… vàng”. Quả tình, gặp ông Liên, gặp được người vất vả nhưng lạc quan. Thời đại: “Mua vàng thì dễ, mua hải sản cửa bể khó vô cùng”- bà Lượng mò chíp chíp thêm lời.
Bà Lượng ngụ phường Thuận Phước, mò chíp chíp mỗi chiều. Bà kể câu chuyện miền quê trước đây. Các món nấu từ lươn, trạch, cua đồng, cáy nước mặn đồng chua, không nằm trong món ăn đãi khách. Khách quý qua nhà chơi, phải thịt heo, trứng chiên, cá cắt khúc. Nay, cuộc sống đổi thay theo chiều hướng khác, người ta lại thèm bữa ăn với món thân thuộc ngày xưa. Ông Liên nói: “Bắt đầu từ năm 2015, con chíp chíp mới được giá. Năm đó chúng tôi bắt được nhiều, bán được 25 nghìn đồng một cân. Vậy đã mừng rồi”.
Món ăn bình dân lên bàn tiệc
Tại một bữa tiệc chiêu đãi ở nhà hàng T.G bên bờ biển đường Võ Nguyên Giáp, có một món hấp sả chấm muối tiêu chanh, đưa lên bàn tiệc. Loại nhuyễn thể có hình thù dài, hai mảnh vỏ mỏng, màu sáng ánh lụa, ruột đầy đặn và cũng dài theo chiều của vỏ. Thịt chíp chíp giòn sật, đậm ngọt. Mỗi đĩa chíp chíp chỉ hơn chục con, chúng tôi phải căn người cùng mâm, căn đĩa chíp chíp hấp để chia đều mỗi người từ một đến hai con. Một người bạn ở TP Hồ Chí Minh hỏi: “Con này là con gì”? Câu hỏi của bạn, khiến tôi cũng hơi xấu hổ vì về Đà Nẵng đã gần năm mà không biết tên nó là gì? Đành phải nhờ đến nhân viên nhà hàng đọc tên để mình biết, bạn biết.
“Cũng hơi quê một chút”- tôi đáp lại người bạn. Những người còn lại trong bàn ăn thì nói: “Đây là bữa tiệc mà chúng ta được mời. Chúng ta chỉ chăm chăm vào smartphone, chuyện mà quên không xem tờ giấy ghi danh mục món ăn trong bữa tiệc”. Đúng vậy, và vì được mời nên chúng tôi không biết giá thành mỗi đĩa chíp chíp là bao nhiêu. Hẳn là, lại nghĩ, được “ăn không” nên không biết công lênh mò bắt chíp chíp.
Việc bắt con chíp chíp giống như người mò, đãi hến trên sông. Nhà có thuyền thì ra giữa dòng, đàn ông thích lội thì dùng cào ấn sâu xuống bùn, mỗi mẻ cào khoảng mười phút kéo lên đãi đất cát, lặt, lựa từng con. Nhiều phụ nữ ngồi trong bờ mò bằng tay, với cảm giác thuần thục, họ biết được con chíp chíp mà không cần nhìn bằng mắt mình. Bà Lượng, bà Thuyên, bà Phương, ba người phụ nữ rủ nhau đi mò mỗi ngày. Câu chuyện ở phố, ở hẻm vơi dần trong mỗi buổi mò bùn, bù lại họ có một chậu chíp chíp từ ba đến năm cân. bà Thuyên cho hay: “Mỗi buổi cũng được vài trăm ngàn, hên thì hơn”.
Với những chiếc thuyền cào lặn giữa dòng, có thu nhập cao hơn bởi họ có sức khỏe, phương tiện. Chíp chip - sản vật chỉ có ở sông Hàn. Nhìn cảnh mò bắt chíp chíp lại nghĩ đây như một làng biển, xóm ven sông, chuỗi sinh kế liên quan đến giá trị tự nhiên đem lại. Tuy vậy, mỗi mùa, hoặc mỗi năm, người từ các phố phường bước xuống sông mò chíp chíp ngày một ít đi, đa phần là người già: “Chúng tôi không có nghề nghiệp, sống bám theo những mùa biển”- bà Phương cho hay. Họ đã sống, đã quen với con nước, mùa biển, mùa sông. Quan sát trên sông, vẫn có những đứa trẻ bì bõm lội nước, ông Liên nói: “Tụi nó đi tắm, đi chơi. Bây giờ có phải như hồi xưa đâu mà…”- ông Liên bỏ lửng câu nói