Cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hồi giáo Hamas: Ngày càng trở nên trầm trọng
Quốc tế 09/04/2024 15:26
Trong bóng đen của cuộc xung đột, nền an ninh của cả khu vực lại xuất hiện ngòi nổ mới với việc tòa nhà lãnh sự trong khuôn viên Đại sứ quán Iran tại Syria bị tấn công, khiến ít nhất 13 người thiệt mạng, trong đó có một tướng cấp cao của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC).
So với giai đoạn đầu của cuộc chiến, thương vong tại Dải Gaza đã tăng chậm lại, nhưng tính đến ngày 4/4 đã vượt quá 33.000 người chết, gần 76.000 người bị thương, 8.000 người mất tích. Tình hình nhân đạo ngày càng trầm trọng hơn do hầu như toàn bộ 2,3 triệu dân ở Gaza phải rời bỏ nhà cửa. Không chỉ hệ thống y tế mà ngay cả các nhu cầu thiết yếu về lương thực, nước uống cũng không đủ đáp ứng. Tổng Thư kí Liên Hợp Quốc (LHQ) Antonio Guterres đã mô tả “người Palestine ở Gaza đang trải qua các cấp độ kinh hoàng về nạn đói và đau khổ”.
Người dân chờ nhận lương thực viện trợ ở thành phố Rafah, phía Nam Dải Gaza. |
Bỏ qua sức ép quốc tế về vấn đề nhân đạo, các cuộc tấn công của Israel vẫn diễn ra liên tục, với mục tiêu bao gồm cả các bệnh viện. Quân đội Israel cho rằng, các tay súng Hamas sử dụng các địa điểm dân sự để làm nơi trú ẩn và thực hiện các vụ phóng rocket. Đầu tháng 2, Israel tuyên bố sẽ thực hiện chiến dịch đổ bộ vào thành phố Rafah, nơi đang có khoảng 1,4 triệu người Palestine sơ tán, khiến thế giới cảnh báo một thảm họa nhân đạo “kinh hoàng” là khó tránh khỏi…
Về phía Hamas, bị tấn công dữ dội, lực lượng này chuyển sang trạng thái đánh “du kích”, đồng thời tản quân, quay lại các vị trí miền Bắc để tiếp tục bắn rocket và tên lửa sang Israel. So với giai đoạn 3 tháng đầu, hỏa lực của Hamas đã yếu đi rất nhiều, nhưng trong tay họ là 130 con tin còn lại. Chiến thuật của Hamas là kéo dài cuộc chiến, “không thua tức sẽ thắng”, nhằm tiêu hao nguồn lực của Israel.
Đến thời điểm này, Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) đã giành được lợi thế trên chiến trường, nhưng hai mục tiêu chính là giải cứu con tin và "xóa sổ" Hamas vẫn chưa thực hiện được. Thậm chí, xét về mặt chính trị và chiến lược, Israel đang thất thế trước Hamas. Càng lún sâu vào cuộc chiến, sự ủng hộ của quốc tế trong những ngày đầu càng giảm sút, đặc biệt sau khi kế hoạch tấn công vào thành phố Rafah được công bố. Ngay cả đồng minh luôn sát cánh là Mỹ cũng công khai phản đối, nói rằng kế hoạch này là không phù hợp và sẽ dẫn đến một nạn đói lớn nhất thế giới.
Kể từ khi cuộc chiến Israel - Hamas bùng phát vào tháng 10/2023, cộng đồng quốc tế đã liên tục triển khai các nỗ lực ngoại giao để tìm lối thoát cho xung đột. Tuy nhiên, những mâu thuẫn chồng chất kéo dài hàng thập niên giữa Israel và Hamas đã trở thành rào cản gần như không thể vượt qua. Việc tìm kiếm một thỏa thuận ngừng bắn mới trước tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo đi vào ngõ cụt. Lệnh tạm ngừng bắn kéo dài 1 tuần vào cuối tháng 11/2023, với hơn 100 con tin được giải thoát, đã tạo điều kiện cho hàng viện trợ nhân đạo cũng được đưa vào nhiều hơn cho người dân Gaza. Từ đó đến nay, những hi vọng ngừng bắn vừa lóe lên lại vụt tắt, do cả Israel và Hamas đều kiên quyết không xuống thang lập trường, bất chấp một đề xuất khung mang tính dung hòa do Mỹ đưa ra.
Quan điểm cứng rắn của các nhà lãnh đạo Israel, đặc biệt là Thủ tướng Benjamin Netanyahu, đã khiến mối quan hệ đồng minh với Mỹ rơi xuống điểm thấp chưa từng có. Tuy nhiên, theo giới phân tích, với hàng chục tỉ USD viện trợ, chừng nào Mỹ còn tiếp tục ủng hộ Israel về mặt quân sự, chừng đó các cuộc tấn công của Israel tại Dải Gaza vẫn chưa dừng lại.
Tròn 6 tháng trong bóng đen của cuộc xung đột, những con số thương vong và mất tích, kể cả trực tiếp ở Gaza hay gián tiếp trong các vụ đụng độ, tấn công liên quan tới cuộc xung đột, vẫn không ngừng tăng, số phận của 130 con tin còn lại ở Dải Gaza vẫn mờ mịt. Đằng sau đó là những vết thương nhức nhối trong lòng xã hội, đối với cả người Palestine và người Israel, ở dải đất chưa có hòa bình…