Con người dưới cách nhìn của Y học cổ truyền (Kì 6)
Sức khỏe 12/11/2020 10:30
A. Công năng tạng Tâm với sức khỏe con người
9. Phủ Tiểu trường
9.1. Chức năng sinh lí phủ Tiểu trường
Tiểu trường tiếp nối với Vị ở phía trên thông qua U môn, tiếp nối với Đại trường ở phía dưới thông qua Lan môn.
Phủ Tiểu trường có quan hệ biểu lí với tạng Tâm. Đó là mối quan hệ giữa cái sáng rực rỡ và cái nóng, thuộc dương. Vì vậy, Tâm và Tiểu trường rất sợ nhiệt. Mối quan hệ này biểu hiện như Tâm nhiệt sẽ ảnh hưởng Tiểu trường gây tiểu đỏ…
“Thiên Bản thần sách Linh khu” viết: “Tâm hợp với Tiểu trường”. Hợp tức là quan hệ lẫn nhau, hoạt động giữa 2 tạng phụ ảnh hưởng lên nhau. Như nguyên nhân của lưỡi đỏ và nứt đều là do Tâm hỏa vượng (Tâm khai khiếu ra lưỡi), nhưng chứng lưỡi đỏ mà nứt thường kèm theo cả những chứng tiểu tiện đỏ và ít, thậm chí tiểu tiện ra huyết, điều này phù hợp với câu “Tâm chủ huyết hợp với Tiểu trường, nếu Tâm nhiệt huyết kết lại ở Tiểu trường thì tiểu tiện ra huyết” trong sách “Sào thị bệnh nguyên”.
Phủ Tiểu trường giữ chức năng phân thanh trọc: Tiểu trường tiếp nhận đồ ăn uống đã được làm chín nhừ ở Vị. Chất tinh vi của thức ăn chín nhừ này được Tì khí hóa thành chất tinh để đưa đến ngũ tạng lục phủ giúp các tạng phủ hoạt động. Còn lại chất thủy dịch của cặn bã sẽ được đưa đến Bàng quang. Chất trọc của cặn bã sẽ được đưa xuống Đại trường và bài tiết ra ngoài để hoàn thành chức năng “hóa vật” của nó.
Điều này cho thấy Tiểu trường có công năng phân thanh trọc làm cho thủy dịch và cặn bã được phân chia ra rõ ràng. Vì vậy, nếu công năng Tiểu trường không được kiện toàn thì sẽ ảnh hưởng đến cả đại tiện và tiểu tiện. Thế nên chứng đi lỏng mà thủy cốc không phân biệt được và tiểu tiện ra nhiều hay ít, đậm hay nhạt đều có quan hệ với Tiểu trường.
Phủ Tiểu trường giúp dẫn hỏa của Tâm giao xuống đến Thận và bàng quang: Tiểu trường ngoài nhiệm vụ đưa trọc dịch xuống Bàng quang, còn nhiệm vụ đưa Hỏa của Tâm xuống Thận và Bàng quang, giúp khí hóa trọc dịch chứa ở Bàng quang trước khi tiểu tiện ra ngoài.
Phần khí được hóa này sẽ chia ra, đi theo hai con đường:
Một là sẽ bốc theo con đường của Tam tiêu lên đến hung cách yết hầu… Đây là con đường hô hấp, thở ra ngoài.
Hai là thâm nhập ra ngoài cơ biểu tứ chi xuất ra ở bì mao. Đó cũng chính là vệ khí bảo vệ mặt ngoài của thân thể. Đây là con đường mà Bàng quang và Tiểu trường đóng vai hóa khí để bảo vệ bên ngoài và được gọi chung là Thái dương kinh.
Vùng cơ thể do kinh Thái dương Tiểu trường chi phối bao gồm: Vùng bờ ngoài ngón út bàn tay, cẳng tay, cánh tay, vai, quanh bả vai; Tâm; phủ Tiểu trường, cổ, góc hàm, đuôi mắt, phía trong tai, mũi và đầu mắt.
Do khu vực chi phối và quan hệ này mà khi có bệnh ở Thái dương Tiểu trường sẽ có các triệu chứng như đau họng, sưng dưới góc hàm, cứng cổ, ù tai, mắt sưng, đau nhức cằm, vai, cánh tay…
9.2. So sánh phủ Tiểu trường với ruột non
Ruột non có chiều dài khoảng 5 - 9m, trung bình là 6,5m, đây là đoạn dài nhất của ống tiêu hóa. Ruột non đi từ môn vị của dạ dày đến góc tá - hỗng tràng nối với ruột già. Ruột non được chia thành ba phần là tá tràng, hỗng tràng và hồi tràng.
Niêm mạc ruột non có nhiều nếp gấp hình van, trên bề mặt niêm mạc được bao phủ bằng nhung mao. Mỗi mm2 niêm mạc ruột non có khoảng 20-40 nhung mao. Mỗi nhung mao là một chỗ lồi lên hình ngón tay, được bao phủ bởi một lớp tế bào biểu mô hình cột. Bờ tự do của các tế bào biểu mô của nhung mao lại chia thành những vi lông mao nên làm tăng diện tích hấp thu của ruột non lên đến 250-300m2. Trong mỗi nhung mao có một mạng lưới mao mạch và mạch bạch huyết.
Nhờ diện tích hấp thu lớn cùng với cấu trúc đặc biệt của lớp niêm mạc mà ruột non là nơi diễn ra sự tiêu hóa và hấp thu thức ăn chính của cơ thể.
Thức ăn được nhào trộn với dịch tụy, dịch mật và dịch ruột. Các kiểu vận động của thành ruột hỗ trợ cho quá trình tiêu hóa gồm có: Vận động lắc lư, co bóp phân đoạn, co bóp nhu động, vận động của nhung mao.
Dưới sự tác động của các men tiêu hóa, các thành phần của thức ăn là protein, lipid, glucid được tiêu hóa thành những sản phẩm cuối cùng có thể hấp thu được là các acid amin, monosaccarid, acid béo và các glycerol. Các chất dinh dưỡng được hấp thu qua thành ruột, theo các đường tĩnh mạch về gan, sau đó theo tĩnh mạch chủ dưới về tim để đi nuôi dưỡng cơ thể.
Lượng dịch được hấp thu hằng ngày khoảng 8-9 lít bao gồm dịch tiêu hóa và dịch của thức ăn, khoảng 7,5 lít được hấp thu ở ruột non, còn lại xuống ruột già.
Như vậy, phủ Tiểu trường trong Y học cổ truyền và ruột non trong Y học hiện đại có vai trò gần giống nhau trong việc tiêu hóa, hấp thu các chất dinh dưỡng để nuôi dưỡng cơ thể, dịch sẽ được chuyển xuống bàng quang đưa ra ngoài qua đường tiểu tiện, còn chất cặn bã được đưa xuống Đại trường hoặc ruột già để tạo thành phân đưa ra ngoài cơ thể.
Điểm khác biệt đó là ngoài chức năng trên, phủ Tiểu trường còn có vai trò dẫn hỏa của tạng Tâm xuống dưới Thận và Bàng quang để khí hóa dịch ở Bàng quang. Chính vì vậy sự hoạt động của Tiểu trường có ảnh hưởng đến tiểu tiện. (Còn tiếp)
Mời quý độc giả đón đọc kì 7 với nội dung tiếp theo của: “Con người dưới cách nhìn của Y học cổ truyền”. Chuyên mục được sự đồng hành của Công ty CP truyền thông chăm sóc sức khỏe Sao Đại Việt - Phòng khám chuyên khoa Y học cổ truyền Sao Đại Việt - Sàn thương mại điện tử: alosuckhoe.vn - Thành viên Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam.
Địa chỉ: Số 18 Nguyễn Đổng Chi, phường Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội. Điện thoại: 0243.207.26.26 - Di động: 084.777.6863. www.facebook.com/toasangtroiyeuthuong; www.saodaiviet.vn; Email: saodaiviet.vn@gmail.com; Youtube: Sao Đại Việt Mọi ý kiến về bài viết, xin quý vị vui lòng liên lạc với địa chỉ trên. |
Con người dưới cách nhìn của Y học cổ truyền (Kì 5)
Các kì trước, chúng ta đã tìm hiểu về tạng Tâm và Tâm bào lạc trong Y học cổ truyền. Nhiều người cho rằng tạng ... |
Con người dưới cách nhìn của Y học cổ truyền (Kì 4)
Ở kì trước, chúng tôi đã giới thiệu hai công năng chính của tạng Tâm đối với sức khỏe con người. Trong kì này chúng ... |