Côn Đảo một lần đến
Xã hội 18/10/2022 11:03
Sau hai giờ bay, máy bay đáp xuống phi trường Côn Sơn. Từ lúc máy bay hạ thấp độ cao, nhận rõ lô xô đảo nhỏ tựa hồ như hàng tiêu binh danh dự chào khách thập phương và lại là bình phong chắn che các trận cuồng phong, đường băng như lọt thỏm giữa rừng, “bò” sát bờ biển. Ấn tượng ban đầu, rồi suốt trong những ngày ở Côn Đảo là ngàn xanh bất tận phủ kín triền núi - rừng nguyên sinh Vườn Quốc gia Côn Đảo.
Đường từ sân bay về thị trấn huyện lị uốn lượn vòng cua cảm giác như mất hút giữa cánh rừng. Xe bon bon chợt phải dừng né đàn khỉ từ các lùm cây ven đường xông ra tranh nhau hoa quả được lữ khách “chiêu đãi”.
Chỉ qua khoảng chục năm, Côn Đảo như lột xác. Ngoài trụ sở các cơ quan công quyền trang trọng, khách sạn mọc lên san sát, nhưng không quá 5 tầng, nội thất thường thường bậc trung. Phố sá ngang dọc mang tên các sự kiện, các anh hùng liệt sĩ từng bị giam cầm tại địa ngục trần gian này. Ngược xuôi xe cộ, nhan nhản xe điện, nhiều biển nhắc không dừng xe quá 5 phút.
Một bãi biển ở Côn Đảo |
Những điểm tâm linh giữ vẻ trầm tĩnh và dường như là địa chỉ đầu tiên khi du khách đặt chân tới Côn Đảo. Nghĩa trang Hàng Dương - 1 trong 5 Nghĩa trang quốc gia (**), nơi có mộ phần của Anh hùng Võ Thị Sáu, thương kính gọi là Cô Sáu, Chị Sáu; mộ Tổng Bí thư Lê Hồng Phong; Nhà cách mạng Nguyễn An Ninh cùng nhiều liệt oanh khác... Nghĩa trang đón khách từ 7 giờ sáng tới 9 giờ đêm, sáng đèn từ chiều tà đến tới đêm muộn, hương khói lan tỏa suốt ngày và dòng khách thập phương thành kính không dứt. Máy bay đến Côn Đảo nhiều chuyến, thuộc các hãng bay của ta. Chặng xa nhất là bay thẳng từ Hà Nội, nhiều hơn bay từ Tân Sơn Nhất khoảng nửa giờ. Có nhóm từ Nội Bài vào cúng bái đủ lễ bộ, quay lại sân bay Côn Sơn, ngược Thủ đô trong ngày.
Có hẳn một dãy phố chuyên bán đồ cúng lễ. Nhiều phố khác cũng có các quầy bán vậy, bài bản y trang, riêng lễ dâng Cô Sáu có thêm đồ cúng cho linh hồn son trẻ. Xe đẩy chuyên dùng, hướng dẫn viên chuyên nghiệp, giúp khách hành lễ.
Trong “tua” du lịch, khách còn được đến di tích nhà giam, nơi tù nhân bị đọa đày, vùi xác tập thể, chứng tích của tội ác “trời không dung, đất không tha”. Đông đúc người tới dâng lễ đền thờ Bà Phi Yến, tên thật là Lê Thị Răm - thứ phi của chúa Nguyễn Ánh, cùng đền Hoàng tử Cải hiệu là Hội An, gắn liền với câu chuyện bi ai trong thời khắc binh đao với quân Tây Sơn. Nghe nói để thị uy quân sĩ khi có lời can ngăn, Nguyễn Ánh nhốt Bà Phi Yến vào hang đá, ném Hoàng tử Cải xuống biển. Chuyện có dị bản, song câu ca lưu truyền vẫn nguyên tác“Gió đưa cây Cải về trời/ Rau răm ở lại chịu lời đắng cay”.
Là đảo ắt có bãi tắm, song tới 24 điểm thì không phải nơi nào cũng có. Hơn thế, một trong các trải nghiệm khó quên khi ra Côn Đảo vào đợt rùa đẻ trứng, tới hòn Bảy Cạnh thả rùa lẫm chẫm về biển, ngắm ngọn Hải đăng Côn Đảo. 12 hòn kia, mới nghe tên đã “kích hoạt” niềm đam mê khám phá. Hòn Bông Lan từ xa trông giống như nửa chiếc bánh Bông Lan. Hòn Trứng nhiều loài chim biển về làm tổ, đẻ trứng. Hòn Vung như chiếc vung nồi úp chụp mặt biển xanh... Có tới 100 loài chim thú, trong đó phải kể đến đồi mồi, vích - loại rùa biển khổng lồ, dài tới mét, nặng cả tạ.
Nhà tù Côn Đảo |
Theo di chỉ khảo cổ, cách đây khoảng 4 - 5 nghìn năm, đã có cư dân trồng cây, hái lượm, săn bắt muông thú. Sau này, khi bị biến thành địa ngục trần gian có thêm vợ con cai ngục, gia đình người mãn hạn tù, nhưng cũng chỉ vài trăm người. Nay số dân quần đảo khoảng 11 nghìn. Số đông là dân mới ra đảo lập nghiệp, gặp nhiều người Nam Định... Phần lớn trong họ mở quán ăn giữ khẩu vị ẩm thực miền Bắc hòa với tập quán phương Nam hoặc lái xe, hướng dẫn du lịch. Số đáng kể nữa là dân miền Tây ra đảo thử sức....
Điện lưới quốc gia chưa ra tới Côn Đảo, song nhìn mạng lưới điện thì chẳng hề biết. Còn nhớ thời nơi chạy máy phát điện, đỏ quạch đom đóm, 10 giờ đêm nhấp nháy vài cái rồi tắt ngấm. Đằng này, dù cũng chạy máy phát nhưng điện nhà hàng, khách sạn, nhà dân, nơi công cộng sáng trưng 24/24. Có điện mặt trời, song chập chờn.
Không có sông, chỉ có hai suối cạn, Côn Đảo khơi nước ngầm và tận thu nước mưa. Các hồ nước ngọt thành cứu cánh, nhưng quan trọng là tạo môi trường để giữ nguồn nước sạch. Không chăn nuôi súc vật. Rừng được bảo vệ nghiêm ngặt để điều tiết nguồn nước mưa gom về các hồ. Hai hồ lớn, nhiều hồ nhỏ, cái đầy nước, cái gấp rút đào xúc, đắp đập be bờ. Nước từ các hồ dẫn vào nhà máy ra nước sạch chuẩn.
Có hai thung lũng. Một là thị trấn huyện lị, hai là làng Cỏ Ống. Tên làng được đặt cho sân bay ban đầu nay đổi là Cảng hàng không Côn Sơn. Loài cỏ ống hoang dại nay gần như lụi tàn, hỏi lớp trẻ ít người biết. Không kể hàng công nghệ, ngay đồ ăn thức uống không đủ, phải trông chờ những chuyến tàu ra đảo và số ít ỏi cá tôm đánh bắt ngoài xa. Là đảo nhưng không là “Đảo dừa” nên quả dừa cũng phải chở từ đất liền nên gọi là “dừa đất” để phân biệt với dừa bản địa. Kem dừa ăn đã miệng, tỉnh người. Các cục kem đủ màu đựng trong nửa vỏ quả dừa thay li, vục từng thìa kem, nhâm nhi cùi dừa non, chiêu ngụm nước dừa.
Có hẳn một phố trồng cây sa la. Tới mùa, chùm hoa kết trái chi chít như quả bưởi lủng lẳng tận gốc. Truyền rằng Đức Phật từng ngồi tụng niệm dưới gốc sa la. Có lẽ vậy, sa la được trồng trong các chốn tôn nghiêm.
Khí hậu đại dương trong lành, hai mùa mưa và mùa khô. Đến Côn Đảo đúng tâm mùa mưa, nhưng thường là những trận chợt mưa, chợt nắng, nhẹ thì lộp bộp, nặng thì rào rào, rồi trời vén mây, lặng gió. Đúng mùa, gió chướng “hỏi thăm”. Kể rằng, người tù thường chờ ngọn gió này thả bè vượt ngục, trở lại trần gian.
Rời Côn Đảo ao ước sớm trở lại để khám phá tiếp “chốt tiền tiêu” kiêm trung tâm du lịch tiềm năng.
(*) Theo “Lịch sử nhà tù Côn Đảo”, trang 15, Nhà xuất bản tổng hợp TP Hồ Chí Minh
(**) Bốn địa danh là các Nghĩa trang Điện Biên, Trường Sơn, Đường 9 và Vị Xuyên.