Cơ quan y tế khuyến cáo người dân không nên tích trữ thuốc điều trị Covid-19 Molnupiravir
Y tế 08/03/2022 11:49
Lý giải nhận định trên, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai - Chánh Văn phòng Sở Y tế TP.HCM thông tin, nguồn cung thuốc điều trị Covid-19 Molnupiravir rất dồi dào, hơn nữa hạn sử dụng của loại thuốc này khá ngắn nên việc tích trữ là không có lợi, đặc biệt, thuốc kháng virus là loại thuốc điều trị theo chỉ định của bác sỹ nên người dùng cần tuân thủ hướng dẫn sử dụng thuốc. Từ những lý do trên, đại diện Sở Y tế TP. HCM khuyến cáo người dân không nên tích trữ thuốc Molnupiravir, tuân thủ hướng dẫn của cơ sở y tế và sử dụng thuốc được cấp phép khi có đủ điều kiện.
Thuốc điều trị Covid-19 Molnupiravir. Ảnh sưu tầm |
Cũng liên quan đến thuốc điều trị Covid-19, để đảm bảo việc người bệnh dễ dàng tiếp cận với các thuốc kháng virus điều trị Covid-19 trong bối cảnh số ca F0 liên tục tăng cao, đồng thời đảm bảo kiểm soát chặt chẽ theo tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị, mới đây, Bộ Y tế đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, BCĐ Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 đề xuất, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ một số nội dung về việc cấp phát thuốc.
Cụ thể, đối với việc cấp phát thuốc điều trị miễn phí, có thể giao các địa phương, cơ sở y tế thực hiện mua sắm thuốc điều trị Covid-19 (trong đó có thuốc Molnupiravir đã được cấp phép lưu hành tại Việt Nam) theo quy định để đáp ứng kịp thời nhu cầu điều trị của đơn vị.
Về quy định kê đơn cho người bệnh mắc Covid-19, Bộ Y tế nêu rõ: Người được kê đơn (tại quầy thuốc, nhà thuốc) cần có xác nhận từ cơ sở y tế (bao gồm cơ sở xét nghiệm, cơ sở khám chữa bệnh, trạm y tế) có dương tính với SARS-CoV-2, kể cả xét nghiệm PCR hoặc xét nghiệm nhanh; hoặc người bệnh tự quay clip quá trình thực hiện test kháng thể tại nhà gửi cho người phụ trách chuyên môn của nhà thuốc, quầy thuốc để chứng minh kết quả test dương tính. Hướng dẫn cũng đề xuất người phụ trách chuyên môn về dược tại cơ sở bán lẻ thuốc căn cứ vào kết quả xét nghiệm, xác định được ít nhất 1 nguy cơ chuyển nặng của bệnh nhân.
Đáng chú ý, người mua thuốc hoặc bệnh nhân phải ký bản cam kết, trong đó có các thông tin về người bệnh, ngày test, kết quả test, việc sử dụng thuốc theo mẫu, kèm bản sao CCCD của người bệnh.
Đối với đơn vị bán thuốc, Bộ Y tế cũng xây dựng tờ hướng dẫn sử dụng để người bán hướng dẫn người mua, trong đó có các thông tin: đối tượng sử dụng, liều dùng, cách dùng, theo dõi sau khi dùng, cách xử trí khi gặp các phản ứng bất thường (không hiệu quả, tác dụng phụ…) cần báo cho cơ sở y tế.
Ngoài ra, Bộ Y tế cũng cho biết, sẽ áp dụng công nghệ thông tin phối hợp với Hệ thống cảnh giác dược quốc gia để nhà sản xuất, người bệnh, cán bộ y tế báo cáo các thông tin liên quan đến an toàn, hiệu quả của thuốc khi sử dụng và sau khi sử dụng để tiếp tục đánh giá an toàn, hiệu quả của thuốc sau khi được cấp phép lưu hành.
Tuy nhiên, theo Bộ Y tế, đề xuất này chỉ áp dụng đối với thuốc kháng virus điều trị Covid-19 dùng đường uống và tại các địa bàn có tình hình dịch bệnh tăng cao, hệ thống cơ sở y tế quá tải, không thể thực hiện hiệu quả việc kê đơn thuốc, bán thuốc theo đơn cho người bệnh theo quy định.
Những đối tượng nào không nên sử dụng thuốc Molnupiravir? Chiều 23/2, Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế đã chính thức công bố giá bán lẻ thuốc điều trị Covid-19 Molnupiravir. Theo đó, giá ... |
Bộ Y tế công bố giá bán lẻ thuốc Molnupiravir điều trị COVID-19 Chiều 23/2, Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế đã chính thức công bố giá bán thuốc Molnupiravir điều trị COVID-19 vừa được Bộ Y ... |