Chuyện công chức thời @ (Kì 2)
Nghiên cứu - Trao đổi 09/10/2020 10:26
Kì 2: Công chức có xa dân?
Vẫn còn sáng cắp ô đi… chiều cắp ô về
Qua nhiều thời kì, chất lượng công chức nhìn chung không đồng đều. Số công chức của giai đoạn không thi công chức, đa số có kinh nghiệm trong công việc, tuy nhiên không ít người bị hạn chế về năng lực cũng như tiếp cận công nghệ thông tin. Một số vào biên chế rồi mới lo bằng tại chức... Đây là một trong những nguyên nhân của hiện tượng “sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về”.
Khi còn đại biểu Quốc hội, ông Lê Như Tiến từng chất vấn về những giải pháp của Chính phủ để cải thiện tình trạng trên, đồng thời nâng cao trách nhiệm của công chức. Đồng thời đề cập đến dư luận xã hội băn khoăn về 30% công chức “sáng cắp ô đi chiều cắp ô về”.
Chính phủ khẳng định tiếp tục chỉ đạo thanh tra, kiểm tra, đổi mới, đặc biệt là thi tuyển chọn cán bộ tốt. Đi liền với với tăng cường kỉ cương, kỉ luật, đánh giá kịp thời để đưa cán bộ không đủ tiêu chuẩn ra khỏi bộ máy, muốn tăng lương, phải giảm mạnh số công chức "sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về".
Ảnh minh họa |
Theo ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, hiện nay Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương đang thực hiện quá trình đổi mới sắp xếp bộ máy với mục tiêu giảm nhẹ biên chế, giảm số người hưởng lương từ ngân sách mới có điều kiện để cải cách chính sách tiền lương.
Chủ trương của Đảng đến năm 2020 phải giảm được 10% công chức, đến nay rất nhiều ngành đã thực hiện tốt, như y tế giảm hơn 2.500 cán bộ công chức không hưởng lương từ ngân sách. Chuyển các đơn vị sự nghiệp công lập hưởng lương ngân sách sang thực hiện dịch vụ công, tự chủ, tự chịu trách nhiệm… nhưng không phải bộ ngành nào cũng có điều kiện để chuyển đổi như vậy.
Còn xa dân, nhũng nhiễu
Làm thế nào để công chức nâng cao trách nhiệm, gắn với hiệu quả công việc hiện còn rất nan giải, nhất là ở các lĩnh vực có liên quan đến đầu tư, xây dựng, đất đai…
Với số cán bộ xa dân, quan liêu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng đây là vấn đề đạo đức công vụ.
Báo cáo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) năm 2019 cũng đề cập tỉ lệ doanh nghiệp lo ngại “tình trạng chạy án” trong hoạt động tố tụng chiếm tới 21,6%. Trong lĩnh vực đầu tư xây dựng năm 2019, tỉ lệ doanh nghiệp cho rằng “chi trả hoa hồng" là cần thiết để có cơ hội “thắng thầu” lên tới 41,2%. Có 54,1% doanh nghiệp phản ánh hiện tượng nhũng nhiễu khi cán bộ giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã có kết quả rà soát, thanh tra tại 14 tỉnh, thành thực hiện chính sách ưu đãi người có công từ năm 2015 đến năm 2018 phát hiện 2.963 trường hợp hưởng chế độ không đúng quy định phải đình chỉ, kiến nghị thu hồi hơn 260 tỉ đồng. Còn nhiều hồ sơ liệt sĩ thương binh thật bị gây khó khăn không giải quyết hoặc giải quyết không đúng chế độ chính sách dẫn đến khiếu kiện kéo dài.
Vì sao khi “hạ cánh” sai phạm của công chức mới bị phanh phui?
Liên quan đến vấn đề năng lực và đạo đức công vụ của công chức là lãnh đạo khi nghỉ việc, nghỉ hưu mới phát hiện có hành vi vi phạm trong thời gian công tác. Những năm gần đây khi Ủy ban Kiểm tra Trung ương vào cuộc một số công chức có chức vụ cao vi phạm nghiêm trọng đã lần lượt bị phát hiện và đã xử lí nghiêm.
Nhân dân ngày càng tin tưởng vào Đảng vào Chính phủ trong việc xử lí sai phạm không có vùng cấm, nhưng vẫn đặt câu hỏi “Vì sao chỉ đến khi hạ cánh sai phạm của công chức ở vị trí lãnh đạo mới bị phanh phui?”. Nếu phát hiện khi họ đang tại chức, chắn chắn sẽ hạn chế, ngăn chặn được hậu quả thiệt hại, hơn là việc phải xử lí hậu quả và những thiệt hại nặng nề cho đất nướcn