Cha tôi với các trường sư phạm Quảng Bình
Xã hội 20/11/2024 10:39
Hệ sư phạm (10+3) là lần đầu tiên những học sinh đã tốt nghiệp trung học phổ thông (10 năm), của ngành giáo dục ở miền Bắc ra dạy cấp 2. Ngoài ra còn có hệ (10+2) dạy cấp 1, hệ cấp tốc (10+1), hoặc chỉ học từ 2 đến 6 tháng gọi là (10+2), (10+6).
Hồi đó đa số giáo viên dạy ở trường sư phạm (10+3) chỉ học đại học trong 3 năm. Thậm chí có giáo viên học đại học (9+2) lại ra dạy (10+3), do đó giáo viên trong trường thường nói đùa với nhau “cơm chấm cơm”. Hệ sư phạm (10+3) là gối đầu tiếp nối với hệ (7+3) sắp ra trường. Lần đầu tiên có hệ sư phạm (10+3) nên Phòng Giáo vụ nhà trường phải cải tiến giáo trình (7+3) để giáo viên nghiên cứu soạn bài.
Bìa cuốn hồi kí “Thời lửa đạn” của cụ Hoàng Hữu Thanh. |
Ngày mùng 4 Tết năm 1972, thầy Phạm Quang Quy, Trưởng Ty Giáo dục Quảng Bình; thầy Đinh Xuân Tiếp, Trưởng phòng Đào tạo; thầy Lê Yến, cán bộ tổ chức và cha tôi là Bí thư Đảng ủy,Trưởng phòng Tổ chức cán bộ Trường sư phạm (10+3) Quảng Bình ra Hà Nội họp theo tinh thần thay giáo trình.
Tại Cục Bồi dưỡng, cha tôi thay mặt đoàn báo cáo lại tình hình dạy và học, tham gia sản xuất chiến đấu của các trường sư phạm và ngành Giáo dục Quảng Bình trong chiến tranh. Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Văn Huyên đến dự, nghe báo cáo và khen ngợi “Quảng Bình hoàn cảnh chiến tranh như thế mà vẫn dạy tốt, học tốt”. Ông yêu cầu cho cha tôi bổ sung bản báo cáo để hôm sau phát biểu tại hội nghị.
Ngày mùng 8 Tết, tại hội nghị, cha tôi đã báo cáo việc thầy trò trường sư phạm tự chặt gỗ xây dựng lớp học và kí túc xá. Trường kiên quyết bám trụ tại Quảng Bình không ra sơ tán ở Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh. Trường còn tham gia gặt lúa giúp dân và bốc vác hàng hóa cho những đoàn xe quân sự chở hàng ra tiền tuyến. Đặc biệt trường đã thành lập được một tiểu đoàn hỏa tuyến phục vụ chiến dịch đường 9 - Nam Lào. Tổ trưởng tổ vật lí của trường đạt danh hiệu “Tổ đội lao động xã hội chủ nghĩa”. Dưới mưa bom bão đạn, học sinh Quảng Bình học dưới nhà hầm vẫn bảo đảm chất lượng tốt như các tỉnh bạn.
Sau 4 ngày thảo luận, Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên lên tổng kết hội nghị. Khi nói về kì thi tốt nghiệp sư phạm (7+3) năm học 1971-1972 sắp tới, Bộ trưởng nói: “Chính trị là gì? Chính trị là đánh Mỹ. Các đồng chí ở Trường sư phạm Quảng Bình đã đánh Mỹ rất tốt. Thầy và trò Quảng Bình đã lao động sản xuất, trực tiếp chiến đấu, phục vụ chiến đấu dưới mưa bom bão đạn của quân thù. Như thế học sinh Trường sư phạm Quảng Bình đã học rất tốt bộ môn chính trị. Tôi đề nghị năm nay cho học sinh Trường sư phạm Quảng Bình được miễn thi môn chính trị”.
Sau hội nghị trên, cha tôi ở lại Hà Nội 1 tháng để quay rô-ni-ô in giáo trình hệ (10+3) cho nhà trường. Xong việc, cha tôi đến thăm người làng và ông Trần Bội, nguyên Chủ tịch đầu tiên của tỉnh Quảng Bình, Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên, rồi bất ngờ, cha tôi gặp lại ông Trương Cầu, con rể của Bộ trưởng là người làng Hòa Ninh có gốc gác từ làng Minh Lệ quê tôi.
Khi cha tôi về đến nhà thì mặt mũi hốc hác, người lấm lem bụi đường. Ông kể, đến Hà Tĩnh thì thấy nhiều hố bom, nhà cửa, cây cối đổ ngổn ngang và một số xe bị bắn cháy dọc đường. Ngày 6/4/1972, Tổng thống Mỹ Ricchard Nixon đã hạ lệnh ném bom trở lại miền Bắc. Ông mang về một ba lô nặng các tài liệu dạy hệ (10+3). Ông bảo tôi mang mấy cuốn sách của Bộ Giáo dục gửi cho thầy Thiết, giáo viên vật lí đang dạy tôi ở Trường cấp 3 Nam Quảng Trạch.
Trường Sư phạm (10+3) Quảng Bình đã đào tạo một đội ngũ giáo viên cấp 2 thế hệ vàng cho đến khi sáp nhập vào Huế. Sau mấy năm sáp nhập tỉnh, Quảng Bình trở về địa giới cũ, nhiều giáo viên đã trở thành cán bộ chủ chốt của ngành như Giám đốc Sở, Trưởng phòng giáo dục đào tạo các huyện, thị. Một số ở lại trường làm nòng cốt cho Trường Đại học Quảng Bình ngày nay.
Hằng năm, cứ đến Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11), các thầy cô giáo trong Hội Cựu giáo chức xã Quảng Minh lại yêu cầu cha tôi kể lại những kỉ niệm đẹp của các trường sư phạm Quảng Bình. Ông đã viết những kỉ niệm vui buồn của mình trong cuốn hồi kí “Thời lửa đạn” (NXB Thuận Hóa, năm 2013). Đáng nhớ nhất là việc ông đạp xe trong 3 ngày, 2 đêm đuổi theo ông Nguyễn Tư Thoan, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình để xin quyết định trường sư phạm ở lại làng Cây Lim, không sơ tán ra tỉnh Quảng Ninh. Quyết định được kí trên dốc Eo Ngựa huyện Bố Trạch. Đặc biệt là việc ông mang ba lô tài liệu giảng dạy đi dưới trời bom đạn từ Hà Nội về cho Trường Cao đẳng sư phạm Quảng Bình.