Kỉ niệm ngày Nhà Giáo Việt Nam: Chuyện bây giờ mới kể về xử lý đơn của học trò
Giáo dục 18/11/2023 16:09
Năm 2000, trường được thành lập, để bổ sung cán bộ quản lý, năm 2001, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu điều động, bổ nhiệm tôi giữ chức danh Phó hiệu trưởng Trường THPT Trần Hưng Đạo.
Trường mới thành lập, chưa có trường, phải mượn Trường THCS mới xây dựng để dạy và học tạm, chờ xây trường mới. Ban Giám hiệu còn thiếu, chỉ có 2 người, chúng tôi cố gắng quản lí dạy và học thật tốt.
Năm học 2004 -2005, Thầy Hiệu trưởng nhận được lá thư viết tay, phản ánh cô giáo P. dạy môn hoá, có biểu hiện “đì” học trò, “ép” học thêm.
Giao lá thư cho tôi “xử lí”, Thầy Hiệu trưởng nói: Là giáo viên dạy giỏi, cô giáo P. còn tham gia Ban chấp hành Công đoàn trường; “Thầy xử lí sao cho khéo nhé, nếu không ổn thì đưa về tổ chuyên môn họp, rút kinh nghiệm”.
Suy nghĩ “xử lí” lá thư theo hướng tích cực, giờ nghỉ giải lao, tôi mời cô giáo lên phòng làm việc. Trong phòng chỉ có 2 người, tôi “tâm sự”: “Hôm qua, có học sinh “tố cáo” việc dạy của cô, theo tôi nghĩ, chắc các em bồng bột suy nghĩ như thế, cô không phải là người như lá thư phản ánh; đưa thư cho xem nhưng cô phải hứa, chỉ đọc biết nội dung chứ không quan tâm xem nét chữ em nào viết”. Đọc xong, cô giáo thoáng “giật mình”, tôi thu hồi ngay lá thư và đưa ra hai phương án xử lí:
1. Cô giáo “tự xử”; 2. Đưa ra tổ chuyên môn, họp rút nghiệm. Cô chọn phương án nào? Dạ, để em “tự xử”.
Cô giáo chọn phương án 1 “tự xử” như sau: mỗi buổi học thường có 5 tiết, chỉ ngày thứ 5 có 4 tiết, cô giáo sử dụng tiết trống đó dạy thêm “miễn phí” cho cả lớp; cô quan tâm hơn về kết quả học tập của các em. Hơn một tháng sau, tìm hiểu qua cán bộ lớp, các em phản ánh với tôi “thân thiện, khen cô giáo” và tỏ vẻ hối hận, xin rút lá thư.
Chuyện xảy ra chỉ có Ban Giám hiệu và cô giáo biết, không ai hay có lá thư “tố cáo”. Và cuối năm học đó, cô giáo P được xét tặng danh hiệu “chiến sĩ thi đua cấp tỉnh”, cán bộ công đoàn xuất sắc.
Sau ngày nghỉ hưu, mỗi lần gặp nhau nhân dịp kỉ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11). Cô P tâm sự: “Cảm ơn thầy! Nhờ nhận được “góp ý phê bình trực tiếp” của Thầy, mà em có suy nghĩ “tích cực”, đổi mới phương pháp trong từng tiết dạy tạo không khí hào hứng, sôi nổi, khơi dậy ngọn lửa đam mê học tập ở học sinh. Với phương châm: học sinh của mình, không chỉ truyền đạt kiến thức, mình còn quan tâm giáo dục đạo đức, lối sống cho các em, biết yêu thương, kính trọng người lớn, biết giúp đỡ, chia sẻ với những hoàn cảnh kém may mắn trong cuộc sống”.
Như được tiếp thêm năng lượng, cô P tích cực tuyên truyền, vận động cán bộ, giáo viên, nhân viên trong trường tham gia các phong trào thi đua do Công đoàn trường và Công đoàn cấp trên phát động, hăng hái thực hiện các cuộc vận động “học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; “Mỗi thầy cô giáo là tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo”; “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, v.v. Bằng những nỗ lực, cố gắng không ngừng, cô P được giới thiệu học lớp “đối tượng Đảng”, phát triển Đảng viên là tấm gương sáng trong sự nghiệp trồng người, đóng góp tích cực vào sự phát triển của Trường THPT Trần Hưng Đạo nói riêng và ngành giáo dục nước nhà nói chung.
Từ câu chuyện nêu trên đây, kinh nghiệm trong công tác quản lí là: cảm xúc tích cực, suy nghĩ tích cực, hành động tích cực cho ra kết quả tốt đẹp; và phê bình người khác tốt nhất chỉ có hai người.
Tân Hải, ngày 18/11/2023