Lợi thế khi phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam

Nghiên cứu - Trao đổi 14/06/2021 13:10
Bài học đầu đời
Nơi vùng cao Tây Bắc xa xôi, đồng bào Thái rất chú trọng đến việc sáng tạo ra những bài hát ru với nhiều cung bậc phù hợp với lứa tuổi của trẻ để gieo vào tâm hồn chúng những bài học đầu đời vừa lí thú vừa bổ ích. Vì thế, những lời hát ru đi vào tâm hồn con trẻ một cách tự nhiên như mạch nguồn nước mát đại ngàn.
Khi trẻ mới sinh, đầu thóp của trẻ chưa liền, người Thái có lời ru Quán há phú sáư kamon (Lời hà hơi vào thóp), người mẹ thường vừa hà hơi vào thóp con vừa hát. Khi trẻ bú mẹ bị sặc, người mẹ cầm tai rung nhè nhẹ để trẻ trở lại bình thường, rồi hát cho con yêu những lời ru rất đỗi yêu thương: Con yêu của mẹ/ Uống chớ sặc/ Ăn chớ mắc/ Uống cho xuôi. Lời lẽ nựng nịu, vỗ về đầy yêu thương. Đối với trẻ em Thái, những lời ru đã sưởi ấm và giúp các em nhận được tình cảm thương yêu từ bố mẹ, cô gì chú bác: Ru hời thường ru hỡi …/ Lớn theo cô đi nương/ Lớn theo bố làm ruộng/ Lớn theo mẹ xuống ruộng lấy bông/ Ru hời thường ru hỡi...
![]() |
Phụ nữ Thái Tây Bắc, những chủ nhân sẽ gìn giữ, lưu truyền câu hát ru. |
Qua những lời ru ngọt ngào, ấm áp, trẻ đã nhận được tình thương từ ông bà, anh chị em trong gia đình lớn: Ru hờ thương ru hờ/ Ngủ ngon bé ngủ ơ ngủ/ Mẹ đi nương chưa về.../ Em ta ngủ nôi May/ Bà ngoại cào cỏ mía/ Ngủ đi thương giấc dài - dài...
Gắn với phong tục, tập quán cổ truyền
Đồng bào Thái có tục gội đầu vào mỗi độ Xuân về. Phong tục gội đầu, chải đầu đã trở thành một nghi thức thiêng liêng, mang nhiều ý nghĩa giáo dục. Trong lời hát người Thái vừa ru, vừa hát lại vừa truyền dạy cho đứa trẻ cách chải đầu và chải làm sao để rũ bỏ mọi bụi trên đầu, tránh xa những côn trùng và những điều xấu xa trong cuộc sống: “Chải chải - bảo bảo/ Tóc bạc đầu chớ lười - lười/ Vào bản chớ trộm dưa...”. Hay: Chải chải - bảo bảo/ khạc nhổ phải đúng nơi... Rồi: Chải chải - bảo bảo/ Tóc bạc đầu chớ lười/ Đến bản đừng đùa chó/ Muốn ăn cá đi súc/ Muốn ăn nhộng tằm trồng dâu...
Ru trẻ nhưng thực chất là truyền vào tâm hồn trẻ những điều tốt đẹp. Họ coi lời hát ru là phương tiện để gieo mầm tốt trong tâm hồn con trẻ, để khi lớn lên, chúng sẽ sống thuận với thiên nhiên, con người và bản làng. Đó là những ước mơ về sự no ấm, sung túc và hạnh phúc khi mang thai đứa trẻ và khi đứa trẻ chào đời: Ngủ đêm mơ thấy sao/ Đêm ngủ mơ đeo nén bạc vào sườn/ Mơ mẹ đeo vòng bạc vào tay.
Khi trẻ lớn hơn, sự tiếp xúc với tự nhiên, xã hội của trẻ càng nhiều, do đó, người Thái ở Tây Bắc trong quá trình sáng tạo ra lời hát ru lại nâng nội dung truyền dạy cho trẻ lên tầm cao hơn. Không chỉ là mối quan hệ với tự nhiên, không còn là thói hư tật xấu trong xã hội mà lúc này, đức tính của trẻ trong mối quan hệ máu mủ ruột già với gia đình, là đức tính biết kính trên nhường dưới: “Chiều tối không có gì ăn/ Mổ gà nhỏ teo teo ăn thôi/ Đoạn này phần ông/ Đoạn này phần bà/ Đây phần bố/ Đây phần mẹ/ Đây phần anh/ Đây phần chị...”.
Nghệ thuật độc đáo
Là những câu hát được ra đời từ trong cuộc sống lao động của đồng bào Thái, hát ru ở vùng Tây Bắc có đặc trưng ngôn ngữ mang đậm bản sắc tộc người. Đó là những câu hát ru được diễn đạt bằng một hệ thống ngôn ngữ rất giàu hình ảnh, nhạc điệu, phù hợp với cách nói, cách nghĩ và lối sống của bà con.
Để chuyển tải nội dung của những câu hát ru sao cho phù hợp với môi trường diễn xướng và đối tượng tiếp nhận, đồng bào Thái đã vận dụng các phương thức diễn đạt hết sức dễ hiểu, hình tượng và giàu cảm xúc. Đó là các biện pháp tu từ được sử dụng triệt để, mang đậm cách nói của người dân tộc như nhân hóa, so sánh, đảo ngữ. Mỗi bài hát ru được kết cấu bằng thể thơ 5 chữ, 4 chữ hoặc 3 chữ tùy thuộc vào nội dung phản ánh và cảm xúc của lời hát, người hát. Hát ru của người Thái ở vùng Tây Bắc có cách gieo vần theo cách hiệp vần ở cuối câu, điều đó đã tạo nên âm hưởng và sự ngân vang của lời hát ru trong tâm hồn đứa trẻ và không gian núi rừng.
Những câu hát ru chính là cầu nối tốt nhất để đưa trẻ đến những giá trị truyền thống tốt đẹp từ bao đời nay của đồng bào Thái vùng Tây Bắc.