Căn nguyên ùn tắc giao thông Hà Nội
Trong mắt người già 02/08/2022 09:59
Riêng Hà Nội bao năm qua đã sở hữu “đặc sản” mang tên ùn tắc giao thông nội đô. Đã có nhiều sáng kiến được đưa ra, nhất là các đề xuất hạn chế phương tiện giao thông cá nhân: Năm 2016, Sở Giao thông vận tải thành phố tổ chức lấy ý kiến cho lộ trình hạn chế xe máy theo 3 giai đoạn. Năm 2017, Hội đồng Nhân dân thành phố thông qua đề án tăng cường quản lí phương tiện giao thông, theo đó xe máy sẽ dừng hoạt động ở các quận nội thành vào năm 2030. Tháng 10/2019, thành phố tiếp tục lấy ý kiến cho 2 phương án hạn chế xe máy. Cuối năm 2021, thành phố đưa ra đề xuất hạn chế xe máy từ vành đai 3 kết hợp với quốc lộ 5 kéo dài, giai đoạn 2026-2030…
Lâu nay các nhà quản lí hình như chỉ thấy sự gia tăng ô tô, xe máy là căn nguyên dẫn tới ùn tắc giao thông. Hiện hệ thống giao thông công cộng (xe buýt) của Hà Nội đáp ứng chưa đến 10% nhu cầu, nếu không có xe máy, ô tô riêng thì người dân đi bằng gì? Trong khi đó không ít phương tiện giao thông cá nhân còn là công cụ mưu sinh, hạn chế cũng đồng nghĩa gây khó thêm cho cuộc sống của người dân.
Nguyên nhân cơ bản nhất khiến tình trạng giao thông Hà Nội “không có lối thoát” hiện nay chính là vấn đề thực hiện quy hoạch dân cư và xây dựng nhà ở cao tầng. Một tòa chung cư cao 35-40 tầng mọc lên là cư dân có thể tăng thêm một phường (trong diện tích phường sở tại). Với thực trạng chung cư ken dày như tại bán đảo Linh Đàm, đường Lê Văn Lương, Tố Hữu… thì dân cư đã tương đương một vài quận mới. Cách đây chừng hơn chục năm, tuyến đường Liễu Giai, Nguyễn Chí Thanh, Hoàng Quốc Việt… rất đẹp, rộng rãi và thông thoáng vì ít phương tiện. Vậy mà vài năm qua, những tuyến đường này đều đã phải xén bớt dải cây xanh ở giữa để mở rộng mà vẫn ùn tắc giờ cao điểm. Tuyến đường Võ Chí Công hướng sang cầu Nhật Tân, Nội Bài ban đầu cũng rất thông thoáng. Tuy nhiên, chỉ vài năm qua tuyến đường này đã có hàng chục tòa chung cư cao tầng mọc lên và tiến độ “ken dày” đang tăng tốc với nhiều tòa cao tầng mới vươn cao. Mươi năm nữa, rất có thể đây cũng trở thành một tuyến đường Lê Văn Lương mới!
Tháo gỡ, giải quyết vấn đề giao thông đô thị không phải là việc riêng của ngành giao thông nhưng hình như ngành này đang đơn độc trong xử lí. Mọi đề xuất hạn chế phương tiện sẽ không hiệu quả, khó có sự đồng thuận của người dân, thậm chí gây bức xúc xã hội.
Sáng kiến đề xuất cần nhất lúc này chính là quyết tâm của chính quyền trong kiềm chế đà phát triển nhà ở cao tầng nội đô, khu vực vốn đã quá tải từ lâu. Ai cũng biết “miếng bánh” chung cư thương mại ở đây luôn hấp dẫn với các nhà đầu tư và vô cùng “quyến rũ” nhà quản lí xây dựng.
Không giải quyết được “cái gốc” này thì Hà Nội mãi vẫn sẽ ùn tắc giao thông, thậm chí còn trầm trọng hơn trong tương lai gần!.