Cần hiểu và thực hiện đúng câu “Con hơn cha...”
Nghiên cứu - Trao đổi 29/09/2021 09:45
Theo thống kê của các chuyên ngành tâm lí học, xã hội học, đô thị học,… hiện nay, con số trẻ bị căng thẳng tâm lí, rối loạn cảm xúc, trầm cảm và bị các bệnh về tâm thần đang tăng cao đến mức báo động, đặc biệt là trẻ sống ở các thành phố nơi cha mẹ có điều kiện “đầu tư” về mọi mặt cho con cái…
Thông thường mọi người hay nghĩ rằng trẻ con chẳng có gì để căng thẳng hay khổ tâm. Nếu có là khi bước vào những bậc học cao hơn hay ít nhất vào những lúc cao điểm thi cử… Thật ra, trẻ bị căng thẳng từ rất sớm, đó là lúc trẻ dưới một tuổi mà mẹ về nhà quá muộn, bởi ở độ tuổi này trẻ nghĩ rằng mẹ và chúng chỉ là một. Hay con đi nhà trẻ cả ngày, chiều đến bố mẹ đón muộn, thấy các bạn xung quanh có người đến đón còn mình thì không, trẻ sốt ruột, tủi thân, tâm lí bồn chồn, căng thẳng và sợ hãi…
Quan niệm “Con hơn cha nhà có phúc” đã ăn sâu vào tâm thức của nhiều người, nhiều thế hệ. Nó trở thành động lực để mọi người phấn đấu hướng đến mọi điều tốt đẹp hơn trong cuộc sống. Nhưng không ít người đã áp dụng suy nghĩ một cách máy móc, theo kiểu “đời ông đi xe đạp, đời bố đi máy thì đời con nhất định phải đi ô tô!”. Dẫn đến nhiều người xem con cái là “cánh tay nối dài” để thực hiện những ước mơ mà mình không với tới khi còn trẻ.
Chẳng hạn như chị Lan, quê ở miền Trung, ngày xưa từng ra Hà Nội học đại học nhưng không thành, chị về quê lấy chồng và sống lam lũ cho đến giờ, vì thế chị luôn thúc ép cô con gái đầu lòng ra Thủ đô học và ở lại tìm việc làm để thành đạt như chị mơ ước. Cô con gái chị khi lớn ra thành phố học cũng cố ở lại thành phố, không tìm được việc đúng chuyên môn, trong khi người yêu của cô học xong về quê tìm được việc làm tốt, muốn kéo cô về nhưng cô không dám trái ý mẹ.
Hay có người chỉ vì một thất bại nào đó trong quá khứ, nay buộc con phải “trả thù” hộ cho mình. Đó là trường hợp của ông Nam khi thời trẻ ông bị “vuột mất” một mối tình mà ông cho rằng vì tình địch chỉ hơn ông cái tài chơi đàn và hát hay. Cho nên, dù không có năng khiếu nhưng ông vẫn bắt cậu con trai mới 6, 7 tuổi đi học đàn, theo học lớp luyện thanh ở nhà thiếu nhi thành phố. Sau gần 5 năm học đàn, học hát, cậu con trai của ông Nam vẫn đàn dở, hát không ai muốn nghe… hơn thế nữa cậu ta lại không hề thích học nhạc, mà chỉ muốn học để trở thành kiến trúc sư!.
Do “bệnh thành tích”, thích sĩ diện nên có rất nhiều cha mẹ ép buộc con học một cách thô bạo. Chẳng hạn nếu không đạt điểm 9, điểm 10 sẽ đánh đòn, bị phạt hay mắng mỏ khiến trẻ căng thẳng. Hay thấy con ngoan, học giỏi nên đặt quá nhiều hoài bão vào con. Chẳng hạn, con giỏi như thế phải đỗ vào trường nổi tiếng, ra trường sẽ là những bác sĩ, kĩ sư hoặc phải có bằng tiến sĩ. Có người đem sự tiêu tốn tiền bạc, sự hi sinh, khó nhọc của mình kể công với con như một sự ép buộc, để con phải học sao cho xứng với công sức, với tiền của đã bỏ ra.
Với nhiều người, con đi du học ở những nước có nền giáo dục tiên tiến là một mơ ước lớn. Thế nhưng, trong thực tế không phải em nào cũng đủ năng lực, bản lĩnh để ra nước ngoài học thành tài, làm vui lòng cha mẹ. Đã có trường hợp được cha mẹ cho sang Anh học, nhưng không chịu nổi sức ép học hành lẫn sự cô đơn nơi xứ người đã tự tử. Nhiều em học không nổi nhưng vẫn cố, sự căng thẳng kéo dài rơi vào trầm cảm, điên loạn…
Hẳn trong mỗi chúng ta đều biết rằng khuynh hướng của con người nói chung và của giới trẻ hiện nay nói riêng luôn muốn “được là chính mình”. Trẻ cần được học hành vừa sức, học chuyên ngành phải phù hợp với năng khiếu. Không dùng thành tích của trẻ làm thành tích của người lớn… Và trên tất cả là trẻ được vui sống, tự tin, có tâm lí cân bằng, lớn lên được làm công việc mình yêu thích, ích nước lợi nhà - cũng giống như được sống với người mình yêu thương. Đó mới là hạnh phúc đích thực và là lối giáo dục văn minh, nhân bản mà những xã hội hiện đại đang áp dụng.