Cảm nhận bài thơ “Hương Sơn, chiều xuống núi” của Nguyễn Đức Thụ
Nhịp sống văn hóa 21/05/2024 15:22
Lần đó, ông cùng bạn của mình đi chùa Hương và định ngủ lại một đêm trong rừng mơ nhưng “vì ngại” nên ông lại quyết định xuống núi. Chính khoảnh khắc đó ông đã cho ra đời bài thơ tuyệt vời này. Toàn bộ mạch cảm xúc của bài thơ là tâm trạng lưu luyến, bịn rịn của ông khi phải rời xa chùa Hương trong khung cảnh chiều tà. Từ xưa đến nay trong thơ khi nhắc đến khoảnh khắc chiều tà thường gợi nỗi buồn nhiều hơn là niềm vui. Đó là khoảnh khắc nhớ quê da diết của một cô gái lấy chồng xa trong buổi chiều tà khao khát về quê mẹ: Chiều chiều ra đứng ngõ sau/ Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều; hay nỗi buồn da diết trong thơ của bà Huyện Thanh Quan: Bước tới đèo Ngang bóng xế tà/ Cỏ cây chen đá, lá chen hoa /Lom khom dưới núi, tiều vài chú/ Lác đác bên sông, chợ mấy nhà.
Ảnh minh hoạ |
Chùa Hương núi đá gập ghềnh, nên khi xuống núi nhà thơ phải cầm một cây gậy trúc. Hai từ láy “chông chênh” vừa gợi ra cái gì đó ngộ nghĩnh, đáng yêu của người leo núi vừa gợi ra sự cheo leo, hiểm trở của cảnh núi rừng nơi đây. Hình ảnh của bóng hoàng hôn dần buông xuống và bóng dáng của dòng người “chầm chậm” xuống núi làm cho cảnh sắc nơi đây đẹp biết bao: Gậy trúc chông chênh chiều xuống núi/ Hoàng hôn chầm chậm lối quy trần/ Tiên Sơn vẳng lại hồi chuông đá/ Tuyết Động nương theo trận gió ngàn. Hàng loạt các địa danh được nhà thơ nhắc đến như “Tiên Sơn, Tuyết Động”, là một niềm tự hào về cảnh sắc tuyệt trần làm say đắm tâm hồn thi sĩ.
Nương theo triền núi để ra về, nhà thơ còn cảm nhận được vẻ đẹp hư ảo của hương khói “Thiên Trù”, của sương “Cửa Võng”, xa xa còn là ánh lửa bập bùng của người dân đã lên đèn chuẩn bị cho bữa cơm tối. Phải chăng chính ánh lửa mà nhà thơ bắt gặp trong khoảnh khắc lúc xuống núi đã níu giữ tâm hồn nhà thơ khiến cho ông không muốn rời xa nơi đây Bập bùng ánh lửa thuyền đời gọi/ Ngan ngát mơ rừng tịnh nữ ngăn.
Vẻ đẹp của cảnh sắc chùa Hương có lẽ còn hấp dẫn con người bởi chính địa hình vách núi hiểm trở, cheo leo, người vãn cảnh được thả hồn theo gió và cảm nhận được những cảm giác đặc biệt mà chỉ đến chùa Hương mới có được. Vách núi sững sờ, lau dạo nhạc/ Mái chèo đủng đỉnh, suối chờ trăng/ Xa xa cầu Hội, mi hờ khép/ Lấp loáng làn rong, tóc mướt giăng. Tất cả cảnh sắc ấy hoà quyện vào nhau tạo lên bản nhạc du dương, xua đi những muộn phiền của con người trong cuộc sống, chúng cùng tôn lên vẻ đẹp tuyệt mĩ của thiên nhiên nơi đây.
Khổ cuối bài thơ dường như nghẹn lại trong cảm xúc lưu luyến có chút buồn của nhà thơ khi muốn níu giữ cảnh đẹp không muốn rời xa: Đỉnh núi vàng phô thiền pháp tỏ/ Mạn thuyền sóng vỗ thế tâm vang/ Ngoái đầu, Hương Tích chìm trong mộng/ Bến Đục hà sa sự ngỡ ngàng. Tất cả cảnh đẹp nơi đây cứ thế hằn in trong tâm thức của nhà thơ Nguyễn Đức Thụ, để rồi mỗi khi nhớ về nó là kí ức lại dâng trào mãi khôn nguôi.
Bài thơ chỉ với 4 khổ thơ ngắn, nhịp thơ nhẹ nhàng, quyến luyến, hình ảnh thơ giàu giá trị biểu đạt đã thể hiện rõ tâm trạng của thi nhân, đó là một nỗi nhớ da diết, mãnh liệt với Hương Sơn. Có lẽ, nơi đây mãi mãi là một kỉ niệm đẹp, một kí ức đẹp mà nhà thơ suốt đời không bao giờ quên.