Cái lon, cái lu và văn hóa công sở
Trong mắt người già 19/07/2019 09:50
Thêm một lần nữa cho thấy văn hóa công sở, văn hóa của cán bộ, công chức hiện nay còn nhiều bất cập, cần phải có những giải pháp mạnh để công đường được quang minh chính đại, phải là nơi “khuôn vàng thước ngọc” cho đời sống xã hội soi chiếu.
Không phải bây giờ mới tung tóe những ý kiến “lố” trên các nghị trường, diễn đàn, mà trước đây nhiều người cũng mang danh “nhà” này, “nhà” nọ, học hàm, học vị, “chức cao vọng trọng” hẳn hoi, chẳng rõ cắc cớ chi, họ lại phát ngôn như những kẻ “nhàn cư vi…” chém gió, bình loạn kiểu “thông tấn hè đường” (!?).
Còn nhớ cách đây hơn chục năm, khi trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về số lượng cũng như trình độ của đội ngũ thẩm phán các cấp, không chỉ các đại biểu có mặt trong hội trường, mà hàng triệu cử tri theo dõi qua ti vi tròn xoe mắt, ngán ngẩm lắc đầu nguầy nguậy khi nghe vị Chánh án nọ hồn nhiên cho rằng, hiện phải vơ vét người để bổ nhiệm thẩm phán (!?).
Để bao biện, thanh minh cho một quan chức ngành giáo dục nói ngọng trên diễn đàn, có người cho rằng: Nói ngọng là văn hóa vùng miền (!?)
Không dừng ở đó, có vị vừa đọc qua bản báo cáo đã nổi tam bành, cho rằng, vi phạm của cơ quan điều tra là rất khủng khiếp, như không thụ lí tin tố giác 94%; chậm gửi quyết định cho Viện Kiểm sát 86%; xử lí tin tố giác quá hạn 99,76%; vi phạm tống đạt 100%. Đúng là rất khủng khiếp với cách phát ngôn cẩu thả như vậy. Nhưng đáng tiếc nó lại được phát hào sảng trên nghị trường quan trọng. Không rõ các cơ quan có trách nhiệm xử lí như thế nào với các vị lộng ngôn?
Trở lại đề xuất của nữ phó giáo sư, tiến sĩ, trong thời buổi nước sạch là một trong những vấn đề “nóng” của thế giới, thì đây là sáng kiến rất tốt, vừa chống được úng ngập, vừa có nước để sử dụng, nhất là nước mưa dùng để pha trà thơm ngon, đẹp nước, người già sành trà được thưởng thức một chén như thế thì trên cả tuyệt cú mèo(!). Chỉ tiếc do thời gian phát biểu có hạn, nên nữ phó giáo sư chưa làm rõ nguyên nhân TP Hồ Chí Minh ngập do mưa, do triều cường; sử dụng bao nhiêu lu thì đủ; bao nhiêu hộ ở thành phố có chỗ đặt lu, vân vân và vân vân…
Nếu HĐND và các cơ quan hữu quan của TP Hồ Chí Minh rỗi rãi thời gian, có lẽ nên bố trí một ngày, thậm chí nhiều ngày, để nữ phó giáo sư, tiến sĩ không phải sử dụng “văn hóa bản địa” nôm na, dân dã, mà trình bày bài bản các phương pháp hiện đại, với các luận chứng khoa học cụ thể, có sức thuyết phục về công tác chống ngập cho thành phố (!).
Không rõ nếu được mời, nữ phó giáo sư, tiến sĩ có nhận lời? Hay chỉ quen đề xuất, quen gợi ý, quen chỉ tay năm ngón, bắt chước phán trên trời dưới bể, được chăng hay chớ, còn làm rõ một vấn đề lại “rối như gà mắc tóc”?!
Chẳng phải vô cớ mà dư luận “dậy sóng”, “ném đá” với những phát ngôn kiểu trên. Không chỉ do “ngang như cua”, mà còn phát không đúng chỗ, đúng người. Được biết, sau những “dại ngôn” trên các cơ quan thẩm quyền đã kiểm điểm, rút kinh nghiệm, phê bình. Nhưng tiếc thay, bao người đã “hối không kịp”, vậy mà nhiều người vẫn sa vào những “vết xe đổ” ấy. Đúng như phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tại phiên bế mạc kì họp thứ 35 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội: “Sơi dây dài nhất là sợi dây kinh nghiệm, rút hoài không hết. Ai cũng rút, năm nào cũng rút, kì họp nào cũng rút kinh nghiệm nhưng vẫn còn”. Vẫn còn, bởi không chỉ trình độ, năng lực, đạo đức, mà văn hóa của một bộ phận cán bộ, công chức chưa xứng tầm với trọng trách được giao.