Bì bõm... Đồng Dâu
Xã hội 23/08/2022 08:50
Nhà nhà sắm thuyền, người người mua thuyền
Khi cơn mưa chiều vừa ngớt, chúng tôi trở lại Đồng Dâu, làng xóm vẫn ngập trắng trong biển nước, những chiếc thuyền tự sắm vẫn dập dềnh đi lại trên các mặt đường làng ngõ xóm. Tiếng gọi nhau chống lụt vẫn vọng lên trong những ngôi nhà sập sệ.
Sau cơn bão số 2, xóm Đồng Dâu gần như bị cô lập và tách biệt với cuộc sống bên ngoài. Nước ở ngoài sông, nước ùa vào trong làng, trong xóm, ngập cả nóc nhà kiên cố... Thấy tôi, Lê Anh Việt, Bí thư Đoàn Thanh niên Đồng Dâu, xã Tốt Động, nói như than thở: “Ở đây, cứ bão lũ kéo về là nước ngập vào tận cổng, không có cách gì vào làng ngoài những chiếc thuyền thấp le te như cái lá tre”. Mà năm nào cũng lụt giờ thành quen. Có năm thì một tuần, năm thì mười ngày nước rút, thường thì khoảng 15, 20 ngày mới rút cạn. Đỉnh điểm là năm 2008, nước tràn từ sông Bùi qua cổng làng, cả xóm ngập trong màn nước trắng bạc. Lụt đã khổ, mà khi nước rút đi còn khổ trăm bề, khắp đường thôn, ngõ xóm, bùn rác ngập ngụa; đó đây xác súc vật, gia cầm đã bốc mùi, nhà cửa xiêu vẹo mốc thếch…
Mùa mưa bão, người dân Đồng Dâu phải di chuyển bằng thuyền |
Tôi lẽo đẽo theo chân ông Lê Cầu, vị trưởng thôn khả kính đi thị sát một vòng quanh làng. Ông Cầu cho biết: “Theo chu kì thì cứ ba năm lại có một trận lụt, hầu như năm nào nước cũng tràn qua con đường lớn nhất của xóm. Nhiều cán bộ cứ quần xắn móng lợn lội bì bõm mà đi thông báo tin tức bão lũ và trở về nhà trong trạng thái ướt như chuột lột”. Tôi đứng ngẩn ngơ tại hội trường giữa xóm, ngắm nhìn những cái sân được xây cao một cách bất thường. Những bờ tường bao lơn, rêu mốc thếch, cáu bẩn mọc lên như một tín hiệu của mùa nước về. Không ai có thể hình dung nổi rêu ở đây cũng có lắm màu sắc đến vậy, chỗ thì xanh thẫm, lúc đậm nhạt đan xen…
Ông Cầu kể, tôi đã theo cha mẹ sống ở đây suốt từ những năm 1960 đến giờ. Nếu tôi nhớ không nhầm thì từ năm 1994 đến năm 2008 mới thấy nước dâng cao đến vậy. Nước từ sông lớn cứ thế tràn qua thân đê, có nhà ngập cả đến mái. Bà con tá hỏa, chạy như chạy giặc, không hiểu lí do vì sao mà xóm làng mình lại có thể bị nước làm tình làm tội đến mức này.
Chờ đợi và đợi chờ
Ngôi nhà của ông trưởng thôn được làm bằng tiền tích góp của hai vợ chồng và những đứa con nhiều phen cũng bị chìm trong nước. Bà con ở đây đều thiệt hại về chăn nuôi, trồng trọt, nhà nào nuôi lợn, gà, trâu, bò phải thả ở trên chỗ thoáng cao mà cũng không thoát. “Nỗi lo lắng và sợ hãi bị nước lũ cuốn dìm đi tất cả nên không nhà nào chịu chăn nuôi nữa, chỉ có vài hộ “gan lì” nhưng cũng bố trí cẩn mật, vì sợ ngộ nhỡ nước lại về thì “biết chạy vào đâu”. Vào mùa gặt xong là bảo nhau bán thốc bán tháo lúa ngô hoặc giấu tiệt trên chỗ cao vì sợ “bà thủy” cướp mất. Chẳng còn mấy người thiết tha với đồng ruộng vì bấp bênh, xóm giờ chỉ còn người già và con trẻ, đám thanh niên mới lớn thì “đầu quân” vào các công ty, tập đoàn, xí nghiệp gần đó; số khác thì xa quê đi lập nghiệp từ lâu lắm rồi”, ông Cầu tâm sự.
Dường như đã quá đỗi quen với việc chạy lũ, bà con không dùng những đồ đạc to lớn và lỉnh kỉnh nữa, nhất là những thứ gỗ công nghiệp vì nếu cứ bị ngập sâu trong nước là nó lại mủn ra như cám. Vài cái chuồng gà, chuồng vịt, chuồng heo thì được gia cố bằng các khung thép, có lưới mắt cao bao quanh, tuyệt nhiên không dùng chút tre nứa nào. Và cứ áng chừng nước rút, chính quyền, bà con và ngay cả đoàn thanh niên lại lo sắn tay mỗi người một việc để khắc phục hậu quả, phòng chống dịch, gia cố chỗ hư hỏng, kê lại đồ đạc và kiểm tra xem có thiệt hại gì về người hay không.
“Khi nước lũ ngấp ghé ngoài sông Đáy, chúng em huy động một lực lượng lớn gồm khoảng gần 20 người trẻ, khỏe, có sức vóc, luôn trong tư thế sẵn sàng ứng cứu. Khi dòng nước cuối cùng rút đi cũng là lúc chúng em đi từng nhà, từng xóm, rắc vôi bột để vệ sinh”, Việt Anh chia sẻ.
Ở Đồng Dâu, hiện có khoảng 3 trường hợp neo đơn, hai trong số đó làm nghề buôn bán tự do ngoài chợ, một người nữa là nhà thơ Phạm Đức, ông đã ở tuổi xưa nay hiếm, sống biệt lập một mình mà không có ai chăm sóc. Ngôi nhà và cũng là không gian sáng tác của ông nằm ở tít mãi ngoài mé sông, hướng mặt vào trong làng. Ông viết nhiều, viết khỏe, những áng thơ trữ tình ông viết khiến người ta phải đắm say và mê mải.
Tôi lùi một khoảng xa để ngắm Đồng Dâu thêm một lần nữa, nơi có những hộ dân đang chịu cảnh triều cường. Những anh thanh niên, chị phụ nữ đi làm về đành phải gửi xe tít ngoài làng rồi lên chiếc thuyền vào nhà. Dân xóm đã viết đơn kiến nghị, đơn tay, đơn đánh máy, thậm chí cả những lời kiến thị thống thiết những mong huyện rồi thành phố tìm phương thuốc cứu nguy cho tình cảnh ngập lụt tồi tệ nơi đây. Đổ lại cái nền đường cao thêm chút nữa cho bà con trong xóm đi lại thuận tiện chẳng hạn, vậy mà vẫn bặt vô âm tín, như “tăm cá bóng chim”.
Giờ đây, khi chứng kiến tình cảnh u buồn của người dân Đồng Dâu, ai dám bảo “nhất cận thị, nhì cận giang” nữa không?.