Cải cách thủ tục hành chính ngay trong xây dựng quy định pháp luật
Tin tức - Sự kiện 01/08/2024 09:07
Ông Ngô Hải Phan, Ủy viên thường trực Tổ công tác, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng tư vấn, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ) cho biết, 6 tháng đầu năm 2024, đã có 168 quy định kinh doanh tại 16 văn bản quy phạm pháp luật được cắt giảm, đơn giản hóa. Tính từ năm 2021 đến nay, đã cắt giảm, đơn giản hóa 2.943 quy định kinh doanh tại 250 văn bản quy phạm pháp luật, ước tính tỉ lệ cắt giảm, đơn giản hóa đạt khoảng 18,6% và khoảng 10% chi phí tuân thủ. Nhiều quy định được cải cách mạnh mẽ mang lại hiệu quả, lợi ích thiết thực, tạo sự chuyển biến tích cực góp phần cải thiện môi trường kinh doanh.
Từ đầu năm đến nay, các Bộ, ngành đã phân cấp 108 thủ tục hành chính (TTHC) tại 21 văn bản quy phạm pháp luật, trong đó 50 TTHC phân cấp từ cấp trên cho cấp dưới và 58 TTHC phân cấp trong nội của bộ, cơ quan. Tính từ năm 2022 đến nay, đã có 19/21 bộ, cơ quan thực hiện phân cấp 261/699 TTHC tại 53 văn bản quy phạm pháp luật.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Tổ trưởng Tổ công tác về cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ phát biểu |
Triển khai 19 nghị quyết chuyên đề và Đề án 06, trong 6 tháng đầu năm, đã đơn giản hóa 247 thủ tục hành chính, giấy tờ công dân tại 26 văn bản quy phạm pháp luật, nâng tổng số thủ tục hành chính, giấy tờ công dân được đơn giản hóa đến nay là 828 thủ tục hành chính, đạt 76%. Qua đó, giảm bớt yêu cầu cung cấp các giấy tờ, thông tin trong quá trình thực hiện TTHC và đẩy mạnh khai thác, tái sử dụng dữ liệu; các TTHC liên quan đến dân cư được đơn giản hóa giúp cắt giảm chi phí, thời gian thực hiện...
Tuy nhiên, công tác CCTTHC vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Một số quy định, TTHC còn chồng chéo, phức tạp, qua nhiều khâu trung gian; việc đánh giá tác động chính sách, chi phí tuân thủ cũng như hoạt động tham vấn của một số cơ quan tuân thủ chưa nghiêm. TTHC nội bộ trong từng bộ, cơ quan, địa phương và giữa các cơ quan hành chính nhà nước với nhau còn phức tạp, rườm rà.
Việc tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp, người dân chưa được quan tâm đúng mức, tại một số cơ quan, đơn vị, địa phương nhất là ở cơ sở vẫn còn tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực. Việc tiếp nhận, giải quyết TTHC chủ yếu theo phương thức truyền thống hồ sơ giấy, theo địa giới hành chính; một số dịch vụ công trực tuyến thực hiện chưa thuận lợi. Việc số hóa tái sử dụng dữ liệu số hóa tại các Bộ, ngành, địa phương còn thấp…
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nêu 7 việc làm được trong 6 tháng đầu năm, đó là phân cấp rất mạnh; TTHCđược cắt giảm, đơn giản hóa nhiều; thủ tục thực hiện trực tuyến tăng nhanh; đã có sự quan tâm đến ý kiến của doanh nghiệp và người dân một cách có trách nhiệm hơn; khai thác tốt kết quả của Đề án 06; có sự CCTTHC ngay trong xây dựng quy định pháp luật; có một số mô hình hay như cấp phiếu lí lịch tư pháp qua VNeID, Thủ tướng có chủ trương cho xây dựng Trung tâm phục vụ hành chính công một cấp trực thuộc UBND cấp tỉnh tại 4 địa phương là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Quảng Ninh.
Song, Phó Thủ tướng cũng chỉ ra 4 việc chưa được, đó là "nợ nần một số Bộ, ngành, địa phương chưa trả xong, lên kế hoạch rồi nhưng làm không được"; có những việc vướng quy định không làm được (như chi phí đầu tư cho Đề án 06 có tiền mà không tiêu được); việc phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương và phối hợp trên dưới chưa tốt; việc xử lí vướng mắc của người dân còn hạn chế, có những trường hợp sau khi giải thích người dân vẫn không hiểu, không làm được…
Đề cập đến mô hình cấp phiếu lí lịch tư pháp qua VNeID của Hà Nội và Thừa Thiên - Huế đem lại nhiều tiện lợi, Phó Thủ tướng mong các địa phương khai thác tối đa các ứng dụng mà Đề án 06 mang lại, bảo đảm an toàn kết nối; bày tỏ hi vọng mô hình thí điểm thành lập trung tâm phục vụ hành chính công một cấp bắt đầu khởi động vào tháng 9 năm nay sẽ mang lại kết quả tích cực…