Các công ty tài chính không được đòi nợ bằng các biện pháp đe dọa
Kinh tế 09/06/2022 17:10
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng trả lời chất vấn. Ảnh: TTXVN |
Đại biểu Phạm Văn Thịnh (Bắc Giang) nêu tình trạng nhiều người dân không vay nợ nhưng bị gọi điện quấy rối, xúc phạm, bôi nhọ, đe dọa do có tên, số điện thoại trong danh bạ của người vay tiền qua các ứng dụng vay online mà không trả nợ đúng hạn.
Trả lời câu hỏi này, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho hay, từ phản ánh của dư luận, báo chí về việc đòi nợ của các công ty tài chính, Ngân hàng Nhà nước đã rà soát và thấy rằng cần phải sửa đổi căn bản quy định của pháp luật.
Thống đốc cho biết, hiện nay thông tư của Ngân hàng Nhà nước quy định về cho vay của các công ty tài chính đã chỉnh sửa theo hướng các công ty không được đòi nợ bằng các biện pháp đe dọa và quy định rõ thời gian đòi nợ từ 9 giờ đến 21 giờ...
Trả lời đại biểu Nguyễn Thanh Cầm (Tiền Giang) về tín dụng đen vẫn đang hoành hành tại các địa phương, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, Chính phủ đã có Chỉ thị 12, giao nhiệm vụ cho các Bộ, ngành thực hiện giải pháp hạn chế vấn nạn này. Ngân hàng Nhà nước được giao nhiệm vụ tăng cường các kênh tiếp cận tín dụng chính thức.
Thời gian vừa qua, đơn vị này đã ban hành thông tư cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng, trong đó có một phần quy định về cho vay phục vụ nhu cầu của đời sống.
Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đang rà soát, sửa đổi cho áp dụng công nghệ vào hoạt động cho vay bằng việc cấp, lưu giữ hồ sơ để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp; ban hành thông tư riêng về tín dụng của công ty tài chính, trong đó quy định rất rõ về các quy định về đòi nợ, lãi suất.
Ngoài ra, trong quá trình chỉ đạo điều hành, Ngân hàng Nhà nước luôn chỉ đạo các tổ chức tín dụng đa dạng hóa sản phẩm, triển khai các chính sách cho vay ở vùng sâu, vùng xa. Bên cạnh đó, đơn vị này cũng phối hợp tích cực với Bộ Công an tổ chức các hội nghị về phòng, chống tín dụng đen tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước.
Một điểm quan trọng nữa theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, Ngân hàng Nhà nước rất chú trọng truyền thông để bà con vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn hiểu được các chính sách tín dụng của nhà nước, tín dụng cho hộ nghèo, đối tượng chính sách…
Đại biểu Phạm Thị Thanh Mai (Hà Nội) đặt vấn đề, hiện nay người dân dễ dàng tiếp cận một loại hình vay khá phổ biến gọi là vay qua app và web.
Đại biểu Thanh Mai thônng tin, thời gian vừa qua Công an TP. Hà Nội đã phá một vụ án vay qua app lên đến hơn 5.000 tỷ đồng, gây thiệt hại lớn cho nhân dân, đại biểu đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết hành lang pháp lý việc cho vay này.
Trả lời câu hỏi, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, việc cho vay qua app và web đã có ở một số nước trên thế giới, gần đây lan sang các nước châu Á và Việt Nam.
Theo Thống đốc, hoạt động này xây dựng nền tảng công nghệ kết nối giữa người cho vay và người vay. Song trên thực tế xảy ra hiện tượng không tách bạch giữa tiền của người cho vay và người đi vay. Có thể người lập ra sàn kết nối lại là người đi vay hoặc người cho vay, gây mất an toàn trật tự xã hội.
Do đó, Trung Quốc đã có biện pháp siết các hoạt động này. Tại Việt Nam, Chính phủ giao cho Ngân hàng Nhà nước chủ trì cùng các Bộ, ngành nghiên cứu và qua khảo sát xác định có các tổ chức xuất hiện cho vay qua app, web.
Bà Hồng nhấn mạnh, Ngân hàng Nhà nước đang xây dựng dự thảo nghị định quy định về hoạt động này để có hành lang pháp lý an toàn, hiệu quả, hạn chế rủi ro phát sinh.
Thống đốc trả lời ý kiến lo ngại có tình trạng bắt tay, thao túng vàng miếng SJC hay không? Theo Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam, giá vàng trong nước có cùng xu hướng với giá vàng thế giới. Tuy nhiên, tốc ... |
Chất vấn 4 nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực nông nghiệp, tài chính, ngân hàng và GTVT Trên cơ sở kết quả xin ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất 4 nhóm vấn đề ... |
Ngân hàng Nhà nước thanh tra đầu tư trái phiếu doanh nghiệp tại 8 ngân hàng Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện 8857/CĐ-VPCP, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo Cơ quan Thanh tra giám ... |