Cà Mau phấn đấu khai thác hiệu quả các tiềm năng du lịch
Du lịch 03/09/2021 15:09
Tiềm năng to lớn về phát triển du lịch của Cà Mau
Cà Mau nằm ở cực Nam Tổ quốc, đồng thời nằm trong hành lang phát triển kinh tế phía Nam của Chương trình hợp tác phát triển tiểu vùng Mêkông mở rộng, có điều kiện thuận lợi trong giao lưu phát triển kinh tế với các nước Đông Nam Á. Ngoài ra, Cà Mau còn có Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau, với diện tích khoảng 42.000 ha và Vườn Quốc gia U Minh hạ, với diện tích 8.286 ha. Với tiềm năng của rừng, biển và hệ sinh thái động vật, thực vật rất phong phú, trên 200 loài thủy sản của hệ sinh thái mặn, lợ, ngọt; cùng hàng chục loài thực vật ngập mặn điển hình, hỗn giao giữa đước, vẹt, mắm và một số loài khác; các loài động vật, chim, thú, bò sát và lưỡng cư khác,… hình thành vùng đa dạng sinh học, môi trường sinh thái có vai trò quan trọng cho công tác nghiên cứu khoa học và phát triển du lịch.
Ông Trần Hiếu Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau |
Trải nghiệm hệ sinh thái ngập mặn: Du khách trải nghiệm cùng dân địa phương đi bắt cá, vọp, ốc len, cua,... rồi chế biến và thưởng thức những món ăn dân dã, thưởng thức đờn ca tài tử. Đặc biệt, là tour du lịch xuyên rừng Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau, du khách tham quan hệ sinh thái đặc trưng của rừng nguyên sinh, trải nghiệm diễn thế tự nhiên và đặc điểm sinh trưởng, phát triển của cây mắm, cây đước,... và bãi bồi, nơi sinh trưởng của hàng trăm loài thủy sản nước mặn.
Trải nghiệm hệ sinh thái ngập ngọt: Cùng người dân đi lấy mật ong, chụp đìa, hái rau dại,… chế biến những món ăn dân dã, như cá lóc nướng, đọt choại xào, gỏi ong non,... kinh nghiệm gác kèo ong, chế biến các món ăn từ sản vật vùng nước ngọt,...
Tài nguyên du lịch của Cà Mau còn đậm đà bản sắc văn hóa, với những di tích lịch sử văn hóa, các lễ hội dân gian, làng nghề truyền thống, văn hóa ẩm thực, nghệ thuật đờn ca tài tử, chuyện kể bác Ba Phi,...
Hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ thông suốt, bảo đảm tính kết nối, đồng bộ đến các điểm du lịch chính (Đất Mũi, Khai Long, hòn Đá Bạc, Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau, Vườn Quốc gia U Minh hạ,…). Tuyến đường Hồ Chí Minh về đến Đất Mũi, đường bay Cà Mau-TP Hồ Chí Minh góp phần quan trọng trong việc phát triển các tuyến du lịch nội tỉnh, liên tỉnh và quốc tế.
Du lịch Cà Mau những tháng đầu năm và giải pháp phục hồi sau dịch Covid-19
Mùa du lịch Tết Nguyên đán 2021 có thời tiết thuận lợi để khách du lịch thăm quan, trải nghiệm. Trong thời gian trên, Cà Mau kịp thời tổ chức một số hoạt động trong Chương trình “Cà Mau - Điểm đến 2021” như: Lễ hội Nghinh ông sông Đốc; Hội nghị Xúc tiến du lịch; Lễ hội tri ân Quốc tổ; Lễ hội Bánh dân gian Nam Bộ; Sự kiện “Hương rừng U Minh”; Tổ chức Đoàn Farmtrip khảo sát điểm đến du lịch Cà Mau để truyền thông, quảng bá du lịch;... qua các hoạt động thu hút đông đảo người dân địa phương cùng du khách trong, ngoài tỉnh đến xem, đã mang lại hiệu ứng tích cực cho du lịch Cà Mau. Trong 4 tháng đầu năm, Cà Mau thu hút hơn 633.126 lượt khách, tăng 27,85% so với cùng kì năm 2020; tổng thu ước đạt 770,7 tỉ đồng.
Bên cạnh đó, Cà Mau ban hành Kế hoạch phát triển du lịch năm 2021; ban hành Bộ tiêu chí du lịch an toàn trong phòng chống dịch trên địa bàn tỉnh, để bảo đảm an toàn cho khách du lịch đến với Cà Mau. Mặt khác, vừa khai thác, vừa đầu tư nâng cấp các tuyến du lịch Cà Mau; tiếp tục vận hành, khai thác và duy tu bảo dưỡng các công trình trong Khu du lịch Mũi Cà Mau. Vận hành, khai thác Dự án ứng dụng công nghệ thông tin trong quảng bá và phát triển du lịch có hiệu quả; tập trung chuẩn bị điều kiện tham gia các chương trình xúc tiến du lịch theo kế hoạch đã được ban hành.
Tuy nhiên, đến cuối tháng 4, do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều chương trình du lịch của các hãng lữ hành bị khách hoãn, hủy tour, chính sách kích cầu du lịch phải tạm dừng để phòng, chống dịch.
Du khách đến chiêm ngưỡng Cột cờ Hà Nội tại mũi Cà Mau |
Trước tình hình đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau đã tập trung chỉ đạo, kiểm tra giám sát các khu, điểm du lịch, cơ sở lưu trú, các doanh nghiệp (DN) lữ hành thực hiện các biện pháp, giải pháp phòng, chống dịch bệnh Covid -19 theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương và địa phương. Qua đó, các DN kinh doanh du lịch trên địa bàn đã tích cực triển khai thực hiện và áp dụng các giải pháp phù hợp với loại hình hoạt động du lịch: Các DN lữ hành thực hiện hủy hoặc thay đổi các chương trình du lịch của khách du lịch đến các tỉnh, các nước có dịch bệnh; các cơ sở lưu trú rà soát đối tượng khách du lịch quốc tế, khách nội địa đến từ các vùng dịch để thực hiện khai báo y tế và áp dụng các biện pháp tiêu độc, khử trùng theo khuyến cáo của Bộ Y tế; các khu, điểm du lịch tạm dừng các hoạt động vui chơi, giải trí,… tập trung đông người; đồng thời phối hợp với các ngành liên quan (Công an, Y tế) thường xuyên kiểm tra, cập nhật, theo dõi tình hình khách quốc tế, khách nội địa đến Cà Mau từ các tỉnh, các nước vùng dịch.
Để phục hồi và phát triển ngành du lịch sau đại dịch Covid-19, Cà Mau xác định các kế hoạch và giải pháp triển khai thực hiện, nhằm hỗ trợ phục hồi các hoạt động du lịch sau khi kết thúc dịch bệnh, cụ thể như:
Tiếp tục rà soát, đánh giá tình hình thiệt hại của các DN kinh doanh du lịch và đề xuất UBND tỉnh giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN phù hợp thực tế từng thời điểm.
Đánh giá kết quả thực hiện các sự kiện năm 2021, xây dựng chương trình sự kiện năm 2022, đồng thời xây dựng giải pháp kích cầu du lịch và tập trung vào thị trường khách nội địa.
Hỗ trợ hướng dẫn, tạo điều kiện, khuyến khích các DN, cộng đồng phát triển sản phẩm du lịch mới và nâng chất các sản phẩm du lịch hiện tại như: Du lịch địa lí, sinh thái, cộng đồng, ẩm thực…
Đẩy mạnh công tác xúc tiến quảng bá, ứng dụng công nghệ thông tin trong quảng bá, truyền thông thu hút sự quan tâm của du khách.
Triển khai hiệu quả chương trình liên kết với các tỉnh thành, tạo điều kiện thuận lợi kết nối các DN lữ hành và các doanh nghiệp dịch vụ du lịch.
Tiếp tục triển khai Chương trình “Cà Mau - Đểm đến 2021”, theo đó sẽ tổ chức các sự kiện như: Chạy Marathon “Kết nối đường Hồ Chí Minh huyền thoại” vào tháng 10/2021; Ngày hội Cua Năm Căn Cà Mau và các hoạt động gắn kết của sự kiện; đồng thời tham gia các chương trình xúc tiến du lịch ở trong cụm liên kết hợp tác; các tỉnh thành trọng điểm về phát triển du lịch để xúc tiến, quảng bá du lịch.
Định hướng phát triển của du lịch Cà Mau
Cũng như tất cả các mặt của đời sống kinh tế xã hội đều bị ảnh hưởng bởi tình hình dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, nên sự tác động của dịch bệnh nặng nề hơn, với việc các cơ sở kinh doanh du lịch cắt giảm chi phí, người lao động bị mất việc làm; không có khách du lịch, không có thu nhập từ du lịch, tác động đến phát triển kinh tế - xã hội nói chung và sự phát triển của các DN du lịch nói riêng.
Bên cạnh thực hiện các giải pháp phục hồi phát triển du lịch sau đại dịch Covid-19, Cà Mau tập trung thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU của Tỉnh uỷ về phát triển du lịch đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Trong đó tập trung thực hiện:
Thứ nhất, về công tác Quy hoạch: Tập trung hoàn thiện Quy hoạch Khu du lịch quốc gia Mũi Cà Mau trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt làm cơ sở thu hút đầu tư, khai thác hiệu quả thế mạnh đặc trưng về vị trí địa lí, hệ sinh thái độc đáo gắn với rừng ngập mặn, biển đảo, để hình thành các sản phẩm du lịch đặc thù đưa Khu du lịch trở thành khu du lịch sinh thái độc đáo trong hệ thống du lịch vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Đến năm 2030 đáp ứng các tiêu chí là khu du lịch quốc gia.
Phối hợp, triển khai các quy hoạch đã được phê duyệt, trong đó tập trung: điểm du lịch sinh thái Cụm đảo Hòn Khoai; Điểm du lịch - Di tích bác Ba Phi; khu du lịch sinh thái Vườn Quốc gia U Minh Hạ; Điểm du lịch - Di tích hòn Đá Bạc.
Thứ hai, tuyên truyền nâng cao nhận thức của xã hội về phát triển du lịch: đối với lĩnh vực ngành, tập trung tuyên truyền về ý thức trách nhiệm của người dân tham gia hoạt động du lịch ý thức trong bảo vệ môi trường; thể hiện, nêu cao nét văn hóa địa phương thân thiện, hiếu khách; từng bước làn tỏa ra cộng đồng dân cư tại khu, điểm du lịch; gắn phát triển du lịch với xây dựng nông thôn mới.
Thứ ba, xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng: Gắn phát triển du lịch nông thôn với chương trình “mỗi xã một sản phẩm”; xây dựng chương trình “Cà Mau – Điểm đến 2022”, tổ chức các hoạt động văn hoá, thể thao và du lịch. Rà soát, có kế hoạch cụ thể chỉnh trang cảnh quan, từng bước tổ chức khai thác và phát huy giá trị các điểm di tích phù hợp trên các tuyến du lịch; phối hợp lập và triển khai có hiệu quả đề án Làng Văn hóa Du lịch; hướng dẫn các điểm du lịch hiện có đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm và đa dạng hóa sản phẩm du lịch có sức cạnh tranh, góp phần xây dựng thương hiệu du lịch Cà Mau.
Thứ tư, tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá và hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh, thành trong và ngoài nước, nhằm quảng bá giới thiệu hình ảnh về vùng đất, văn hóa và con người Cà Mau: Xây dựng các clip giới thiệu về Cà Mau phát trên Cổng Thông tin du lịch Cà Mau và các trang của các tỉnh liên kết; phối hợp một số địa phương trong chương trình liên kết hợp tác, tổ chức giới thiệu điểm đến du lịch Cà Mau tại các thị trường trọng điểm du lịch (Hà Nội, Đà Nẵng, TP.Hồ Chí Minh,...) nhằm tăng cường kết nối các doanh nghiệp lữ hành tại các thị trường trọng điểm với Cà Mau; định kì hàng năm tổ chức trưng bày quảng bá du lịch Cà Mau tại Phố đi bộ Nguyễn Huệ (TP Hồ Chí Minh) và không gian đi bộ Hồ Hoàn Kiếm (TP Hà Nội) gắn với chương trình biểu diễn nghệ thuật phục vụ trong thời gian diễn ra sự kiện quảng bá; tổ chức đoàn Famtrip khảo sát điểm đến du lịch Cà Mau;...
Thứ năm, huy động, thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển du lịch: Tranh thủ các ngành liên quan, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình, nhất là công trình giao thông đảm bảo thông suốt đến các khu du lịch trọng điểm bằng phương tiện công cộng; phát triển các tuyến đường hàng không đến các thành phố trọng điểm phát triển du lịch;...
Thứ sáu, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch: Tiếp tục thực hiện theo định kỳ công tác đào tạo nhân lực có kĩ năng, nghiệp vụ tay nghề cao. Chú trọng đào tạo bằng hình thức trực quan như tổ chức nhiều chuyến học tập trao đổi kinh nghiệm phát triển du lịch trong và ngoài nước. Tăng cường công tác kiểm tra, hậu kiểm về chất lượng nhân lực nhằm hỗ trợ cơ sở kịp thời chấn chỉnh và bổ sung nguồn lực phù hợp với yêu cầu phát triển du lịch.
Thứ bảy, Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, phát huy vai trò của các thành viên Ban Chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh gắn với nhiệm vụ của từng ngành, địa phương; tiếp tục nâng cao nhận thức của các ngành, các cấp, cán bộ đảng viên và các tầng lớp nhân dân về vai trò, tầm quan trọng của du lịch trong phát triển kinh tế xã hội, là động lực cho các ngành khác phát triển.