Cà Mau: Xây dựng và triển khai thực hiện chính sách trong thu hút đầu tư, phát triển du lịch
Du lịch 09/04/2022 09:00
Phóng viên: Thưa ông, chúng ta vừa trải qua một năm khó khăn vì đại dịch Covid-19, nhưng Cà Mau vẫn có điểm sáng trong bức tranh du lịch. Vậy, ông có thể nói rõ hơn về vấn đề này?
Ông Trần Hiếu Hùng, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau, |
Ông Trần Hiếu Hùng: Hiện nay tất cả các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh Cà Mau đã hoạt động trở lại trong điều kiện “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” theo chỉ đạo của Trung ương. Trong 3 tháng đầu năm 2022, du lịch Cà Mau thu hút hơn 300.000 lượt khách; tổng thu 360 tỷ đồng, cho thấy du lịch Cà Mau đang dần phục hồi trở lại. Dự báo, lượng khách sẽ tăng cao khi tỉnh tổ chức các hoạt động trong Chương trình sự kiện “Cà Mau – Điểm đến 2022”.
Nhìn tổng thể bức tranh du lịch Cà Mau có nhiều điều kiện thuận lợi để phục hồi và phát triển.
Về tài nguyên du lịch tự nhiên: Cà Mau có tiềm năng du lịch đa dạng, trong đó có nhiều tài nguyên khá đặc sắc gắn với hệ sinh thái mặn và ngọt, đặc biệt vị trí địa lý Mũi Cà Mau là một trong những thế mạnh đặc biệt quan trọng của du lịch Cà Mau so với một số địa phương thuộc đồng bằng sông Cửu Long cũng như cả nước. Cà Mau hoàn toàn có cơ sở để phát triển những sản phẩm du lịch không trùng lặp với sản phẩm du lịch của nhiều địa phương khác trong khu vực, trong đó đặc biệt là lĩnh vực du lịch sinh thái, du lịch địa lý, điều này sẽ tạo cho du lịch Cà Mau có được sức hấp dẫn riêng và đây sẽ là yếu tố quan trọng đối với phát triển du lịch.
Về tài nguyên du lịch nhân văn: Tài nguyên du lịch nhân văn của Cà Mau rất đặc trưng với nét văn hóa bản địa đặc sắc, những di tích lịch sử văn hóa, các lễ hội truyền thống, công trình kiến trúc, nghề truyền thống, văn hóa ẩm thực, di sản văn hóa phi vật thể,…. mang đậm nét văn hóa nhân văn, đặc trưng riêng của con người vùng sông nước Cà Mau. Hiện nay, Cà Mau có 12 di tích Quốc gia và 32 di tích cấp tỉnh; hơn 40 di sản văn hóa phi vật thể được ghi nhận. Trong đó có 03 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục văn hóa phi vật thể Quốc gia, gồm nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ và 2 loại hình tri thức dân gian: Nghề thủ công truyền thống Gác kèo ong và Nghề thủ công truyền thống Muối ba khía. Với lợi thế này, Du lịch Cà Mau từng bước tổ chức khai thác và phát huy giá trị di tích phù hợp trên các tuyến du lịch.
Về nguồn nhân lực: Sau thời gian dài ảnh hưởng dịch Covid-19, hiện nay nguồn lao động đã trở lại làm việc cơ bản đảm bảo điều kiện phục vụ khách du lịch. Tuy nhiên các đơn vị kinh doanh hoạt động du lịch vẫn phải tiếp tục đào tạo, đào tạo lại để đảm bảo phục phục vụ du khách được tốt nhất.
Điểm du lịch Mũi Cà Mau - Cực nam tổ quốc. |
Về cơ sở vật chất: Hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ cơ bản thông suốt, đảm bảo tính kết nối, đồng bộ đến các điểm du lịch chính (Đất Mũi, Khai Long, Hòn Đá Bạc, Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau, Vườn Quốc gia U Minh hạ). Tuyến đường Hồ Chí Minh về đến Đất Mũi góp phần quan trọng cho việc phát triển các tuyến du lịch nội tỉnh, liên tỉnh và quốc tế; giao thông hàng không đang khai thác phát triển đường bay Cà Mau – Thành phố Hồ Chí Minh; dự kiến mở rộng thêm các đường bay mới đến các thành phố trọng điểm phát triển du lịch. Với hơn 80 cơ sở lưu trú và hơn 20 khu, điểm du lịch (kể cả hộ du lịch cộng đồng), nhiều nhà hàng, quán cà phê đủ điều kiện phục vụ khách du lịch.
Phóng viên: Thưa ông, Cà Mau được biết đến với nhiều điểm tham quan du lịch đẹp. Vậy, tỉnh đã kế hoạch gì để đánh thức ngành du lịch của tỉnh nhà sau thời gian dài bị ảnh hưởng dịch Covid -19?
Ông Trần Hiếu Hùng: Trong những tháng đầu năm, tỉnh đã ban hành hàng loạt chương trình, kế hoạch để phục hồi, phát triển du lịch như: Kế hoạch phát triển du lịch Cà Mau năm 2022; Kế hoạch tổ chức các ngày lễ lớn năm 2022; Chương trình sự kiện “Cà Mau – Điểm đến năm 2022”; Chương trình xúc tiến du lịch năm 2022... cho thấy sự quyết tâm của tỉnh trong việc phục hồi và phát triển du lịch Cà Mau trong năm nay và những năm tiếp theo.
Trong đó, Chương trình sự kiện “Cà Mau – Điểm đến 2022” tổ chức các hoạt động như: Lễ Tri ân Quốc tổ, Lễ Giỗ tổ Hùng Vương; Ngày Hội bánh dân gian Nam bộ lần II; sự kiện Hương rừng U Minh; Ngày Hội Cua Cà Mau; Lễ thượng cờ thống nhất non sông; Ngày Hội ẩm thực Đất Mũi; Giải Đất Mũi Marathon – Cà Mau 2022 góp phần làm nóng thị trường du lịch Cà Mau, sau một thời gian dài do ảnh hưởng dịch Covid-19.
Theo đó, tỉnh đang xây dựng Phương án Đảm bảo hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới nhằm tổ chức các hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh Cà Mau trong điều kiện bình thường mới với phương châm “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2019; đồng thời, tạo sự phối hợp giữa các sở, ban, ngành địa phương và doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh du lịch và người dân trong việc khôi phục lại các hoạt động du lịch đảm bảo an toàn, chất lượng, chuyên nghiệp và đạt hiệu quả thiết thực.
Điểm du lịch Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau nhìn từ trên cao xuống |
Phóng viên: Thưa ông, trong thời gian tới tỉnh đã có những chủ trương, chính sách gì để thu hút đầu tư và định hướng phát triển du lịch Cà Mau trong bối cảnh bình thường mới?
Ông Trần Hiếu Hùng: Về định hướng sắp tới, Cà Mau tập trung xây dựng phát triển sản phẩm du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh theo Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Cà Mau lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 -2025. Tăng cường công tác liên kết hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh, thành trọng điểm trong cả nước (Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Ninh Bình, Đà Nẵng,…) và mở rộng thị trường du lịch quốc tế. Phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch theo loại hình du lịch thế mạnh của tỉnh như: sinh thái, cộng đồng, rừng, biển đảo, gắn với hệ thống sản phẩm du lịch từ nông nghiệp (thủy, hải sản), nghề truyền thống,… Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành du lịch thông qua các chương trình đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng đáp ứng yêu cầu phát triển.
Bên cạnh thực hiện các giải pháp phục hồi phát triển du lịch sau đại dịch Covid-19, Cà Mau tập trung thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU của Tỉnh uỷ về phát triển du lịch đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Trong đó tập trung thực hiện:
Một, tập trung hoàn thiện Quy hoạch chung Khu du lịch quốc gia Mũi Cà Mau trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt làm cơ sở thu hút đầu tư, khai thác hiệu quả thế mạnh đặc trưng về vị trí địa lý, hệ sinh thái độc đáo gắn với rừng ngập mặn, biển đảo, để hình thành các sản phẩm du lịch đặc thù đưa Khu du lịch trở thành khu du lịch sinh thái độc đáo trong hệ thống du lịch vùng ĐBSCL và đến năm 2030 đáp ứng các tiêu chí và được công nhận là khu du lịch quốc gia; đồng thời lập Đề án phát triển du lịch đến năm 2025.
Hai, tuyên truyền nâng cao nhận thức của xã hội về phát triển du lịch: đối với lĩnh vực ngành, tập trung tuyên truyền về ý thức trách nhiệm của người dân tham gia hoạt động du lịch ý thức trong bảo vệ môi trường; thể hiện, nêu cao nét văn hóa địa phương thân thiện, hiếu khách; từng bước làn tỏa ra cộng đồng dân cư tại khu, điểm du lịch; gắn phát triển du lịch với xây dựng nông thôn mới.
Ba, xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, gắn phát triển du lịch nông thôn với chương trình “mỗi xã một sản phẩm. Rà soát, có kế hoạch cụ thể chỉnh trang cảnh quan, từng bước tổ chức khai thác và phát huy giá trị các điểm di tích phù hợp trên các tuyến du lịch; Phối hợp lập và triển khai có hiệu quả Đề án Làng Văn hóa Du lịch; hướng dẫn các điểm du lịch hiện có đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm và đa dạng hóa sản phẩm du lịch có sức cạnh tranh, góp phần xây dựng thương hiệu du lịch Cà Mau.
Bốn, tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá và hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh, thành trong và ngoài nước, nhằm quảng bá giới thiệu hình ảnh về vùng đất, văn hóa và con người Cà Mau: xây dựng các clip giới thiệu về Cà Mau phát trên các Cổng Thông tin du lịch Cà Mau và các trang của các tỉnh liên kết; phối hợp một số địa phương trong chương trình liên kết hợp tác, tổ chức giới thiệu điểm đến du lịch Cà Mau tại các thị trường trọng điểm du lịch (Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM,...) nhằm tăng cường kết nối các doanh nghiệp lữ hành tại các thị trường trọng điểm với Cà Mau; tổ chức các đoàn Famtrip khảo sát điểm đến du lịch Cà Mau;...
Năm, huy động, thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển du lịch: Tranh thủ các ngành liên quan, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình, nhất là công trình giao thông đảm bảo thông suốt đến các khu du lịch trọng điểm bằng phương tiện công cộng; phát triển các tuyến đường hàng không đến các thành phố trọng điểm phát triển du lịch;...
Sáu, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch: Tiếp tục thực hiện theo định kỳ công tác bồi dưỡng nhân lực có kỹ năng, nghiệp vụ tay nghề cao. Chú trọng đào tạo bằng hình thức trực quan như tổ chức nhiều chuyến học tập trao đổi kinh nghiệm phát triển du lịch trong và ngoài nước. Tăng cường công tác kiểm tra, hậu kiểm về chất lượng nhân lực nhằm hỗ trợ cơ sở kịp thời chấn chỉnh và bổ sung nguồn lực phù hợp với yêu cầu phát triển du lịch.
Bảy, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, phát huy vai trò của các thành viên Ban Chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh gắn với nhiệm vụ của từng ngành, địa phương; tiếp tục nâng cao nhận thức của các ngành, các cấp, cán bộ đảng viên và các tầng lớp nhân dân về vai trò, tầm quan trọng của du lịch trong phát triển kinh tế xã hội, là động lực cho các ngành khác phát triển./.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!