Cà Mau chuyện lạ
Văn hóa - Thể thao 27/01/2022 14:17
Anh gọi điện bảo tôi có đề tài gì “lạ lạ” viết cho giai phẩm Người cao tuổi Xuân Nhâm Dần. “Lạ lạ” thì nhiều nhưng phải độc đáo. Tôi nghĩ thế, nên viết đôi nét về Cà Mau, chủ yếu là “chuyện lạ” ngày nay.
Cuối năm 2021, dịch Covid-19 tạm lắng, tôi có chuyến về Cà Mau thăm thú mấy nơi. Từ thành phố Cà Mau, tôi ngồi xe đò một mạch trăm cây số xuống Đất Mũi. Ở vùng đất có đến 7.000km sông rạch như Cà Mau, nhất là từ Năm Căn xuống Đất Mũi, lại có một con đường hiện đại nối vào đường Hồ Chí Minh từ Cao Bằng thì đó là một “sự lạ”, quá lạ, chẳng khác giấc mơ ngàn đời thành hiện thực, từ ngày 16/1/2015, lúc 10 giờ sáng. Dù chỉ dài 50km, nhưng thêm đoạn Năm Căn - Đất Mũi, con đường xuyên Việt 2.360km, đã kết thúc ở cột mốc 2236.
Do đại dịch nên Khu Du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau vắng khách. Với tôi, thế càng hay vì được tự tại sống lại thời đất nước vừa liền một dãi tôi đã làm một việc mà hình như rất ít ai làm: Chờ con nước ròng, lội phù sa ra trước "mũi thuyền" như Xuân Diệu viết: “Tổ quốc tôi như một con tàu/Mũi thuyền ta đó - Mũi Cà Mau”. Quay mặt ra đại dương, dang một chân về biển Tây bên phải, dang một chân về biển Đông bên trái để cảm nhận bằng hết nơi duy nhất của đất nước mình có một mỏm đất chịu tác động trực tiếp của bán nhật triều không đều và nhật triều không đều của cả hai biển, là nơi tiếp giáp của hai dòng hải lưu Bắc - Nam và Tây - Nam, để cảm nhận bằng hết cái lâng lâng thích thú đã được đến nơi tận cùng phía Nam trên đất liền Tổ quốc. Bây giờ thì Mũi Cà Mau không còn là nơi tận cùng phía Nam nữa mà thuộc vùng cực nam của đất nước. Bây giờ thì "Ngón chân cái chưa khô bùn vạn dặm" trong tưởng tượng của nhà văn Nguyễn Tuân (bút kí Vẫn cái tiếng dội Cà Mau ấy -1963) chính xác nằm ở 8o37'30" độ vĩ Bắc, 104o43' độ kinh Đông, tức ngày càng chếch về biển Tây nên du khách không được ngắm Mũi Cà Mau từ phía đông nữa!
Theo Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu, Đại học Cần Thơ, nếu xác định Mũi Cà Mau là vị trí dài nhất đưa ra phía biển của bán đảo Cà Mau thì phần "chót mũi" của tỉnh Cà Mau không phải là điểm cực nam của Việt Nam. Điểm cực nam trên đất liền của tỉnh Cà Mau và cũng là của cả nước bây giờ không nằm ở ấp Mũi mà là ấp Rạch Thọ, vẫn thuộc xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, kinh độ 102o8' - 109o27' Đông, vĩ độ 8o27 - 23o23' Bắc. Do đó, chiếc tàu với cánh buồm bằng bê tông cốt sắt ở Khu Du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau ghi tọa độ 8o37'30 độ vĩ Bắc, 104o43' độ kinh Đông là biểu tượng chứ không phải là tọa độ chính xác của điểm cực nam đất nước. Nhưng không sao, với tâm thức đất nước ta trải dài từ Lũng Cú cực bắc đến mũi Cà Mau cực nam, Mũi Cà Mau vẫn là biểu tượng thiêng liêng của giới hạn đất liền phương Nam nước Việt!
Anh Mai Sơn ơi,
Đó là “cái lạ” mới nhất của Cà Mau. Tôi kể tiếp anh nghe mấy “cái lạ” nữa, theo hình dung của tôi, chứ dân miệt cây đước, cây tràm này thì nó quá quen!
Cứ mỗi lần xuống Cà Mau, trước hết tôi trở lại con sông Cửa Lớn để từ đôi bờ được lội rừng đước rừng tràm rừng mắm, lội giữa ô rô cóc kèn dừa nước, dù không còn xanh um hàng trăm ngàn ha như thời chiến tranh giữ nước gần nửa thế kỉ trước.
Cửa Lớn là một trong mấy con sông lạ lùng nhất thế giới vì không có thượng nguồn, không có hạ nguồn, chỉ dài 58km nhưng rộng trung bình 800m, sâu trung bình 12m, có đến hai cửa, theo nhật triều, bán nhật triều mà đổ nước từ cửa Bồ Đề bên biển Đông sang cửa Ông Trang bên biển Tây, và ngược lại. Nhưng nước sông Cửa Lớn lại là nước lợ vì có ba sông Đầm Dơi, Đầm Chim, Cái Ngang đổ nước ngọt vào. Con sông độc đáo này là ranh giới tự nhiên của huyện Năm Căn và huyện Ngọc Hiển, tách khu vực cực nam của bán đảo Cà Mau thành một hòn đảo - đảo Ngọc Hiển.
Chắc anh Mai Sơn thuộc câu ca thời thực dân Pháp đô hộ nước ta:
Bao giờ hết đước Năm Căn
Ông Trang hết cá, Viên An hết rừng
Khai Long hết xác cá đường
Mũi Cà Mau đó, tao nhường cho bay
Đước Năm Căn, cá Ông Trang thì ai cũng biết, còn cá đường là loài cá gì, sao gọi là “xác cá đường”? Tôi kể anh nghe một vài điều về con cá vùng biển mặn này, nhưng lại có tên “đường”. Chắc có chi tiết không chính xác, nhưng tạm hình dung vậy. Hằng năm, từ tháng 3, tháng 4 và từ tháng 6 đến tháng 8 âm lịch, cá đường về hội tụ vùng biển Mũi Cà Mau nhiều vô kể. Theo ngư dân, khi con ruốc nổi đặc mé bờ thì cá đường cũng bắt đầu hội tụ, bơi chậm, di chuyển vòng tròn, rồi nhích dần vào bãi cạn, kết bè dày đặc, nổi lên mặt nước đớp con ruốc làm cuộn sóng cả một vùng. Chúng vừa ăn vừa phát ra tín hiệu “cục, cục, cục…”, trên dưới một cây số có thể nghe rõ. Nếu đến gần vài chục mét, gọi nhau lớn tiếng cũng khó mà nghe được vì âm thanh của cá đường át cả tiếng người.
Khi phát hiện được điểm cá đường, ngư dân gióng trống, gõ mỏ báo động cho nhau biết. Nếu là đêm thì đốt lửa gần nơi cá hội.
Lưới đủ loại, ngư dân cứ thả đại vào bầy cá, rồi nhảy xuống nước, ôm cá vào ngực, xẻ bụng, giật lấy bong bóng dắt vào lưng, xác cá xô đi trong nước, phó mặc cho sóng biển.
Đó là ngày trước. Mười mấy năm trở lại đây cá đường không còn nhiều nữa, có năm mất luôn.
Người ta tính rằng, một con cá đường nặng 12kg thì bong bóng khoảng 0,250kg. Bong bóng cá đường có màu trắng đục, thon dài, đầu nhọn. Bong bóng vừa mổ, ngâm vào nước muối 20%, sau đó lột bỏ màng mỡ, rửa sạch, phơi ráo, rồi ép lại phơi vài nắng, thấy trong là dùng được. Bong bóng cá đường dùng để chế biến món ăn cao cấp, bồi bổ sức khỏe người già yếu, phụ nữ sau khi sinh, trẻ em còi cọc. Người Tàu ở bất cứ quốc gia nào đều coi bong bóng cá đường quý như yến sào, hải sâm. Dân Cà Mau thời trước thường coi bong bóng cá đường như vàng, dùng làm của hồi môn cho con gái, hoặc để dành khi nhà có chuyện.
Một “cái lạ” nữa là đất Cà Mau gần như bằng phẳng tuyệt đối, lại thấp gần như ngang mặt biển, vậy mà lại có một cái đầm, kêu bằng đầm Thị Tường, còn gọi là đầm Bà Tường. Bà con trong vùng nói vui, ngày xưa bà còn trẻ thì gọi là “Thị”, sau này già, gọi là “Bà”. Cũng có lý. Đầm Thị Tường là một trong những cảnh đẹp của Cà Mau, phần lớn nằm trên đất huyện Phú Tân. Đầm Thị Tường có diện tích mặt nước khoảng 700 hecta, chiều dài hơn 10km, nơi rộng 2km, nơi hẹp nhất 800m, được chia làm ba đoạn: đầm Trên, đầm Giữa, đầm Dưới. Đây là dấu tích biển lùi và phù sa bồi đắp vùng bán đảo Cà Mau chưa trọn vẹn. Đầm mênh mông trông rất dễ sợ, nhưng lại cạn, chỗ sâu nhất nước cũng chỉ tới ngực. Là vựa cá của Cà Mau, nhưng sản vật ngon nhất ở đầm Bà Tường là sò huyết.
Anh Mai Sơn thân mến,
Như anh biết, ngày xưa đường bộ ở Cà Mau không thắng nổi đường thủy. Vậy mà bây giờ từ thành phố Cà Mau đi đến các huyện lị, đến hầu hết xã, thôn trong tỉnh, xuống tận Đất Mũi bằng xe hơi cứ thông thống, dễ dàng.
Từ thuở khai mở đất, con người ở đây luôn gắn với sông nước. Mười người thì cả mười biết bơi, thạo chèo xuồng từ khi lên năm lên bảy. Anh có tin không, từ xa xưa, Cà Mau đã có “luật đường thủy”, quy định rằng, nếu hai thuyền lỡ đụng nhau, thuyền nào chở nhẹ hơn, thuận dòng nước, chạy quá mau thì chịu phạt. Nhưng khi gặp tai nạn, kiện cáo, khó phân ai phải, ai trái. Do đó, “luật” lại có “điều khoản” cụ thể hơn: Khi hai thuyền sắp gặp nhau phải hô “bát” (do nói trại, hầu hết đều hô “oác”), tức thuyền nào cũng phải cập bên phải mà đi. Còn như muốn quẹo trái, hay lỡ mắc cạn, thì hô “cạy”.
Rồi sự chuyển động của dòng nước, ở xứ Cà Mau này cũng có lắm tên gọi. Nào là nước rong, nước kém, nước trôi, nước dềnh, nước sụt, nước giựt, nước bò, nước đứng, nước nằm, nước chửng, nước ương, nước sình, nước chết, nước sát, nước rạt… Xin mở ngoặc đơn, ở miệt Châu Đốc, Long Xuyên, Tháp Mười, nước lên gọi là nước nổi, nước dâng hoặc nước về. Đến mồng 5/5 âm lịch thì “nước quay”. Tháng 7 thì nước “nhảy lên bờ”, nghĩa là thời kì ngập lụt. Ở đây người ta chờ đón mùa nước lên hay nước dâng hằng năm một cách bình thản và quen thuộc, nước không nổi, hoặc nước thấp quá thì thất thu tôm cá, mùa sau chuột bọ nhung nhúc. Cho nên ít ai dùng từ “lụt”, chữ “lũ” càng không. Coi phức tạp, lộn xộn vậy nhưng chỉ cần nói lên một từ là dân địa phương hiểu liền, hình dung được hết.
Có một chuyện hoàn toàn lạ mà tôi muốn kể để anh ngạc nhiên chơi. Như anh biết, con cua dừa là một loài cua kí cư trên các đảo ở Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Cua dừa là loài chân đốt sinh sống trên cạn lớn nhất thế giới, trọng lượng hơn 4kg, từ cẳng đến cẳng có thể dài một mét. Nó leo dừa tìm trái, dùng càng xé cả dừa khô để uống nước, ăn cùi, nên gọi là cua dừa. Ngày nay cua dừa hầu như tuyệt chủng ở đất liền nước Úc và Madagascar, chỉ còn ở quần đảo Gambier, vì thịt nó ngon hơn bất cứ loại cua nào. Vậy mà cua dừa đang có mặt ở Cà Mau! Cua dừa không biết bơi thì làm sao nó đến được Cà Mau còn là điều bí ẩn. Trong chuyến đi này, tôi được Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau đãi một con cua dừa hấp nước dừa nặng 2kg, anh thấy có vinh dự không!
Một chuyện hoàn toàn lạ nữa là trên mương vườn, trong lau sậy ở Cà Mau bây giờ có thêm loài rắn đuôi chuông. Rắn chuông có nhiều ở Hoa Kỳ, Mexico và một số sa mạc trên thế giới. Ở Việt Nam cũng có rắn đuôi chuông, nhưng là vùng rừng núi, Cà Mau xưa nay tuyệt đối không. Vậy mà bây giờ dân nhậu vẫn kiếm được chúng. Theo anh thì có phải khí hậu trái đất đang thay đổi bởi con người, buộc loài vật phải bỏ xứ lang bạt?
Anh Mai Sơn ơi,
Mùa gió chướng đã về. Tết Nhâm Dần đang đến. Tôi cũng đã là “thành phần cao tuổi”, viết lách không còn tươi tắn, ngọt ngào như năm nào. Anh chịu khó đọc…
Hẹn gặp anh!