Bước tiếp nối của các thế hệ
Quốc tế 03/10/2023 10:04
Tổng Thư kí Liên Hợp Quốc (LHQ) Antonio Guterres đã khẳng định thông điệp trên nhân Ngày Quốc tế Người cao tuổi (NCT) 1/10, kêu gọi bảo đảm quyền của NCT để có thể thích ứng với xã hội dân số già, đồng thời tận dụng và phát huy khả năng của nguồn lực hiện chiếm 10% dân số toàn cầu.
Trên thế giới hiện nay, nhóm NCT (từ 65 tuổi trở lên) đang tăng nhanh hơn tất cả các nhóm tuổi khác. Hầu hết mọi quốc gia đều chứng kiến sự tăng trưởng về số lượng và tỉ lệ NCT trong dân số. Theo số liệu của LHQ, trong hơn 4 thập niên qua, số NCT đã tăng gấp 3 lần, từ khoảng 260 triệu năm 1980 lên 761 triệu năm 2021. Tức là hiện nay, cứ 10 người trên toàn cầu thì có một người từ 65 tuổi trở lên.
Người cao tuổi tập thể dục tại Tokyo, Nhật Bản. |
Theo số liệu của cơ quan thống kê Statista (Đức) năm 2021, Liên minh châu Âu (EU) là khu vực có dân số già nhất thế giới với tỉ lệ NCT chiếm 21%. Tiếp sau là khu vực Bắc Mỹ (17%), châu Đại Dương (13%), châu Á (10%), khu vực Mỹ Latinh và Caribe (8%). Châu Phi, nơi có tuổi thọ trung bình thấp nhất, có tỉ lệ NCT chỉ 4%. Xét theo quốc gia, Nhật Bản hiện là nước có tỉ lệ dân số trên 65 tuổi cao nhất thế giới - chiếm 29,9% tổng dân số, tiếp đó là Italy (24,1%), Phần Lan (23,3%), Bồ Đào Nha (22,9%), Hy Lạp (22,8%), Đức và Bulgaria (22,4%). Tại Việt Nam, tính đến năm 2021, số người trên 65 tuổi chiếm 8,3%.
Ước tính, đến năm 2050, số NCT có thể tăng hơn gấp đôi so với hiện nay, lên 1,6 tỉ người, tức là cứ 6 người trên thế giới thì có một người từ 65 tuổi trở lên, chiếm 16-17% dân số. Số người từ 80 tuổi trở lên thậm chí còn tăng nhanh hơn, dự kiến sẽ tăng gấp 3, từ 143 triệu năm 2019 lên 426 triệu người vào năm 2050.
Giới chuyên gia cho rằng với sự tăng trưởng nhanh về số lượng NCT, việc điều chỉnh chính sách để đáp ứng nhu cầu của họ là điều cấp thiết. Do đó, các xã hội có dân số già nên thực hiện các bước điều chỉnh chính sách công phù hợp với tỉ lệ NCT ngày càng tăng như cải thiện tính bền vững của hệ thống lương hưu và an sinh xã hội cũng như thiết lập các hệ thống chăm sóc sức khỏe toàn dân và chăm sóc dài hạn, nhằm bảo đảm quyền của NCT.
Đây cũng là chủ đề của Ngày Quốc tế NCT 1/10 năm nay “Thực hiện cam kết trong Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền đối với NCT: Xuyên suốt các thế hệ”. Tổng Thư kí LHQ Guterres cho rằng, cần phải bảo đảm sự tham gia tích cực, đầy đủ và đóng góp của NCT thông qua các chính sách xã hội và nơi làm việc dựa trên những nhu cầu cụ thể của họ.
Trước những thách thức to lớn do vấn đề già hóa dân số đặt ra, các nước đã triển khai các biện pháp nhằm thích ứng với tình trạng này. Nhật Bản khuyến khích các doanh nghiệp tạo điều kiện cho NCT vẫn còn đủ sức khỏe làm việc. Trung Quốc lên kế hoạch tuyển dụng lại những giáo viên đã nghỉ hưu dưới 70 tuổi nhằm bù đắp số lượng nhân viên ngành giáo dục về hưu hàng loạt, đồng thời tận dụng kinh nghiệm và chuyên môn của họ. Hàn Quốc tăng cường đầu tư cho hệ thống phúc lợi NCT như cơ sở cung cấp dịch vụ chăm sóc tại nhà, viện dưỡng lão, cơ quan hỗ trợ việc làm NCT.
Ở châu Âu, ngoài mở rộng cánh cửa chào đón thêm người lao động nhập cư như Đức, các nước tiếp tục điều chỉnh các chính sách nhằm tạo cơ hội làm việc tốt hơn cho lực lượng dân số già bên cạnh việc tăng cường hệ thống chăm sóc sức khỏe và dịch vụ cho NCT ứng dụng kĩ thuật số (như ở Ba Lan, Phần Lan).
Tại Việt Nam, từ nhiều năm qua, Ðảng và Nhà nước đã xây dựng và ban hành nhiều chính sách lồng ghép vấn đề NCT vào các chiến lược phát triển KT-XH, trong đó có Luật NCT. Luật này quy định quyền và nghĩa vụ của NCT; trách nhiệm của gia đình, Nhà nước và xã hội trong việc phụng dưỡng, chăm sóc và phát huy vai trò NCT. Chính phủ Việt Nam đã quyết định lấy tháng 10 hằng năm là “Tháng hành động vì NCT Việt Nam” và chủ đề năm nay là “NCT được phát huy và chăm sóc đầy đủ”, với phương châm "quan tâm đến NCT cũng là khẳng định trách nhiệm với thế hệ mai sau"…