Bước khởi động cần thiết
Quốc tế 09/04/2021 09:32
Đây có thể xem là một bước khởi động cần thiết mở ra hướng đối thoại trong hồ sơ hạt nhân Triều Tiên trong bối cảnh chính quyền mới tại Nhà Trắng đang cân nhắc chính sách đối với Bình Nhưỡng khi quốc gia Đông Bắc Á này vừa thực hiện các vụ phóng thử tên lửa mới.
Theo Cố vấn an ninh quốc gia Hàn Quốc Suh Hoon, giới chức an ninh 3 nước đã nhất trí về tính cấp thiết của vấn đề hạt nhân Triều Tiên và sự cần thiết phải có một giải pháp ngoại giao. Trên cơ sở đó, Mỹ - Nhật - Hàn cũng thống nhất về "những nỗ lực nhằm nối lại tiến trình đàm phán Triều Tiên - Mỹ trong thời gian sớm nhất".
Hệ thống phóng tên lửa đa nòng siêu lớn được thử nghiệm tại khu vực bờ biển phía đông Triều Tiên |
Ngoài việc tham dự các cuộc đàm phán 3 bên, cố vấn an ninh quốc gia 3 nước cũng có các cuộc hội đàm song phương riêng rẽ, thảo luận về việc tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề như chính sách của Mỹ đối với Triều Tiên và các kế hoạch hợp tác giữa Hàn Quốc và Nhật Bản nhằm thúc đẩy hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên. Ông Suh Hoon nêu rõ mục tiêu của phía Hàn Quốc là thúc đẩy một kế hoạch đàm phán với Triều Tiên và tái khởi động đàm phán phi hạt nhân hóa càng sớm càng tốt. Cuộc gặp này diễn ra trong bối cảnh khá đặc biệt. Đó là chính quyền của Tổng thống Biden đang trong giai đoạn cuối xem xét chính sách đối với Triều Tiên để có hướng tiếp cận mới. Theo giới chức Washington, cuộc gặp là cơ hội để Seoul và Tokyo đưa ra ý kiến đóng góp cho chính sách mới của Nhà Trắng. Quá trình này gồm các cuộc tham vấn sâu rộng với các thành viên của chính quyền tiền nhiệm về các cam kết ngoại giao với Triều Tiên. Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price, phi hạt nhân hóa sẽ vẫn là trọng tâm trong chính sách ngoại giao của Mỹ đối với Triều Tiên.
Trước đó ít ngày, Triều Tiên tiến hành nhiều vụ thử tên lửa hành trình, mà Hàn Quốc và Nhật Bản cho rằng, thực chất là tên lửa đạn đạo - hành động vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Mỹ đã đề nghị triệu tập ủy ban trừng phạt của cơ quan trên, một mặt tuyên bố sẽ có hành động đáp trả nếu Bình Nhưỡng leo thang căng thẳng, một mặt tuyên bố vẫn để ngỏ cánh cửa ngoại giao.
Theo giới phân tích, với việc Triều Tiên thử tên lửa tầm ngắn mới và cho tới nay vẫn từ chối đối thoại với chính quyền mới tại Mỹ, vấn đề đặt ra lúc này là cần có các bước đi cụ thể như nới lỏng, dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt, thúc đẩy các kênh đối thoại đa phương để từng bước xây dựng lòng tin, khởi động cho các giải pháp mang tính căn cơ hơn.
Trên nền tảng nhận thức đó, việc chính quyền của Tổng thống Biden tăng cường liên minh với Hàn Quốc và Nhật Bản, đạt được đồng thuận giữa 3 nước về thúc đẩy giải pháp ngoại giao trong xử lí hồ sơ hạt nhân Triều Tiên rõ ràng là một hướng đi đúng đắn để từ đó xây dựng lòng tin và thuyết phục Triều Tiên cùng đối thoại. Hướng đi này càng có cơ sở hơn khi Thứ trưởng Ngoại giao thứ nhất Triều Tiên Choe Son-hui thể hiện rõ lập trường rằng Bình Nhưỡng sẽ theo đuổi nguyên tắc "quyền lực đổi quyền lực, thiện chí đổi thiện chí" và sẽ không đối thoại với Nhà Trắng dưới bất kì hình thức nào trừ phi Mỹ rút lại chính sách thù địch chống Triều Tiên.
Chỉ khi các bước đi này được thực hiện triệt để với thiện chí thực sự của các bên liên quan mới có thể bàn đến một cuộc đàm phán trong tương lai với sự tham dự của Triều Tiên…