Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan giải trình, làm rõ các ý kiến của đại biểu Quốc hội
Sự kiện 01/11/2023 18:37
Phát biểu giải trình, làm rõ ý kiến đại biểu Quốc hội nêu tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan bày tỏ cảm ơn các đại biểu Quốc hội, Nhân dân và cử tri cả nước đã quan tâm đến lĩnh vực y tế. Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, sau đại dịch COVID-19, lĩnh vực y tế của nước ta cũng như nhiều quốc gia khác trên thế giới đối mặt nhiều khó khăn, bộc lộ nhiều hạn chế…
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan. |
Có thể nói, đây là giai đoạn cực kỳ khó khăn của ngành y tế, với khối lượng công việc tồn đọng. Sau gần 3 năm tập trung chống dịch, vấn đề thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế trầm trọng ở nhiều cơ sở y tế; cán bộ, nhân viên y tế từ Trung ương xuống địa phương, nhiều người vi phạm pháp luật, làn sóng xin nghỉ việc chuyển ra khỏi khu vực y tế công; cơ chế chính sách còn nhiều vướng mắc, gây khó khăn cho quá trình triển khai thực hiện…
Trong bối cảnh đó, ngành y tế đã nhận được sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ; sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ban, ngành, địa phương, đặc biệt là sự chia sẻ, động viên của các vị đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân cả nướcđ. Đội ngũ nhân viên ngành y tế đã nỗ lực, cố gắng đoàn kết vượt qua khó khăn, đổi mới phương pháp, làm việc tập trung cao nhất để giải quyết khó khăn, vướng mắc, bất cập của ngành…
Về những định hướng lâu dài để ngành phát triển bền vững, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, ngành y tế đã tập trung thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ của Quốc hội, Chính phủ giao; ưu tiên hàng đầu cho công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, chiến lược trong lĩnh vực y tế để tạo hành lang pháp lý đảm bảo cho công tác khám, chữa bệnh phục vụ người dân cũng như thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực y tế của ngành.
Toàn cảnh Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hông Lan giải trình, làm rõ ý kiến của đại biểu Quốc hội nêu tại phiên thảo luận. |
Đồng thời, tập trung nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh ở các cấp; tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm; tập trung giải quyết các vấn đề tồn tại, tồn đọng của ngành như nội dung đại biểu quan tâm trong phiên thảo luận kinh tế- xã hội lần này.
Về việc khắc phục tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế đối, Bộ Y tế đã có báo cáo nhanh về tình hình. Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới, thiếu thuốc, thiết bị vật y tế là một thách thức dai dẳng. Đây không phải là hiện tượng mới, xảy ra ở nhiều nước, đặc biệt nghiêm trọng hơn trong và sau đại dịch COVID-19, ảnh hưởng đến việc chăm sóc sức khỏe của người dân ngay ở các quốc gia phát triển có hệ thống tiên y tế tiên tiến, hiện đại như các quốc gia châu Âu: Anh, Pháp, Ý… Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, việc này xảy ra do nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chủ yếu do nguồn cung nguyên liệu hoạt chất trên thế giới khan hiếm, giá cả biến động trên quy mô toàn cầu…
Thông tin về tình trạng thiếu máu điều trị ở thành phố Cần Thơ và các tỉnh miền Tây Nam Bộ, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết thêm, từ tháng 6/2023, bệnh viện Huyết học - Truyền máu Cần Thơ thông báo khó khăn trong việc cung cấp máu, chế phẩm máu cho các bệnh viện trong khu vực.
Dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024... |
Để giải quyết vấn đề này, Bộ Y tế đã có 5 văn bản chỉ đạo và giao nhiệm vụ cho Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, Trung tâm máu quốc gia, Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Truyền máu - Huyết học TPHCM, Bệnh viện Chợ Rẫy và các trung tâm truyền máu khác đảm bảo hỗ trợ cho Cần Thơ và các tỉnh phía Nam. Đến nay, theo số liệu báo cáo của Bệnh viện Huyết học - Truyền máu thành phố Cần Thơ đã cung cấp được cho 74 bệnh viện trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long với gần 65.000 đơn vị máu.
Bộ cũng đã phối hợp với Ban Chỉ đạo quốc gia vận động hiến máu tình nguyện, Hội Chữ thập đỏ để huy động máu đáp ứng cho các địa phương trong vùng.
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định phát biểu tranh luận về việc chậm trễ cung ứng thuốc trong thời gian qua, hiện nay việc đấu thầu, mua sắm thuốc đã được cải thiện rất nhiều, không còn hiện tượng phải mua thuốc ngoài và cũng giảm đi rất nhiều. |
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, đến ngày 30/10, Cần Thơ vẫn báo cáo tình trạng thiếu máu. Nguyên nhân chủ yếu là do khó khăn, vướng mắc liên quan đến đấu thầu tại địa phương. Bộ Y tế sẽ cùng với các đơn vị sẽ tiếp tục hỗ trợ máu cho khu vực này.
Để khắc phục tình trạng này, Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị các tỉnh chỉ đạo quyết liệt thực hiện việc mua sắm, đấu thầu đảm bảo đúng quy định; mong các địa phương quan tâm chỉ đạo để thực hiện việc mua sắm, chủ động từ việc xây dựng kế hoạch, nhân lực, rồi thực hiện các vấn đề phối hợp làm sao đảm bảo được nhịp nhàng.
Liên quan đến việc xử lý các vướng mắc ở dự án Bệnh viện Bạch Mai 2, Bệnh viện Việt Đức 2 (ở Hà Nam), Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho hay, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập tổ công tác rà soát khó khăn, vướng mắc với sự tham gia của Bộ Y tế, Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và Bộ Tư Pháp. Đến nay, Tổ đã có 3 báo cáo với Thủ tướng, trong đó đề xuất phương án cho phép kéo dài thời gian thực hiện và bố trí vốn thực hiện đến hết ngày 31/12/2025. Hiện nay, Bộ Y tế đang phối hợp cùng với các bộ, ngành để thực hiện thương thảo với các nhà thầu và thống nhất các nội dung điều chỉnh hợp đồng, để sớm thực hiện và đưa các bệnh viện vào hoạt động. |