Biến thể Delta của SARS-CoV2 và biện pháp phòng chống Covid-19 hiện nay
Sức khỏe 13/08/2021 13:00
Sự khó khăn của các biện pháp phòng chống Covid-19 ở thời biến chủng Delta
Từ khi Virus SARS-CoV-2 xuất hiện tại Việt Nam vào đầu năm 2020, Nhà nước và nhân dân ta đã sớm nhận thức được sự nguy hiểm của nó. Trong quá trình chống dịch Covid-19, Nhà nước ta đã dần hoàn chỉnh một hệ thống biện pháp phòng chống dịch với những nguyên tắc bảo vệ cá nhân (5K rồi 5K+Vaccin) và một số Chỉ thị 15, 16… để hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng chống dịch tại những khu vực có điều kiện nguy cơ khác nhau. Với những kinh nghiệm tích luỹ được trong quá trình phòng chống, các biện pháp đó dần được bổ sung, cải tiến để việc kiểm soát dịch trở nên tinh vi hơn, phù hợp hơn với mục tiêu kép – vừa phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế - và có sự quan tâm nhiều hơn đến những yêu cầu cơ bản của cuộc sống trong tình hình dịch bệnh. Những kết quả đạt được đã chứng minh tính hiệu quả và tính phù hợp của các biện pháp kiểm soát dịch Covid-19 trước thời điểm biến chủng Delta xuất hiện.
Tuy nhiên trong đợt dịch mới nhất hiện đang hoành hành ở TP Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh phía Nam do biến chủng Delta, việc áp dụng các biện pháp phòng chống trước đây đang gặp nhiều khó khăn phức tạp. Sau 14 ngày thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, TP Hồ Chí minh vẫn chưa làm chủ được tình hình và phải quyết định tiếp tục giản cách thêm một số ngày với Chỉ thị 16+, nghĩa là có bổ sung thêm một số biện pháp.
Những đặc điểm của biến thể Delta ảnh hưởng tai hại đến hiệu quả của chính sách phòng chống dịch
Chúng ta cần quan tâm nghiên cứu biến thể Delta để tìm ra những đặc tính có khả năng ảnh hưởng đến các biện pháp phòng chống dịch đã thành công trước đây. Những tính chất của biến thể Delta hiện nay đã được biết khá rõ. Chúng ta biết là nó rất dễ lây lan: nếu không có biện pháp hạn chế lây nhiễm thì bình quân một ca nhiễm sẽ lây cho 5 ca khác sau 1 vòng lây nhiễm ta kí hiệu Hsn1 = 5 (đọc là Hệ số nhân sau 1 vòng lây nhiễm bằng 5); mặt khác nó có chu kì lây nhiễm ngắn (kí hiệu: CKln), từ 2 đến 4 ngày (CKln= 2 - 4 ngày).
Với các số liệu về Hsn1 và CKln này, ta có thể tính hệ số nhân sau một thời gian nhất định, ứng với một số chu kì lây nhiễm nhất định.Với biến thể Delta, nếu lấy Hsn1 = 5 vàCKln= 2, kết quả tính hệ số nhân sau 14 ngày, ứng với Sckln = 7 (Số chu kì lây nhiễm bằng 7), sẽ là 57 = 78.100 (số tròn), có nghĩa là một ca nhiễm ban đầu sẽ dẫn tới 78.100 ca nhiễm sau 14 ngày! Đây là trường hợp không có tác động nào để ngăn cản sự lây nhiễm. Nếu có can thiệp để giảm bớt lây nhiễm, ta có thể hạ thấp giá trị của Hsn1 ví dụ xuống Hsn1=4, 3, 2, 1… phụ thuộc vào hiệu quả của sự can thiệp. Kết quả tính sẽ cho hệ số nhân lần lượt bằng 16.400; 2190; và 128. Như vậy ta thấy rằng nếu các biện pháp can thiệp để giảm lây nhiễm là kém hiệu quả (ví dụ Hsn1 = 4) thì số ca nhiễm sau 14 ngày sẽ giảm không nhiều (4,8 lần). Ngược lại, nếu các biện pháp để giảm lây nhiễm là khá hiệu quả (ví dụ Hsn1 = 2) thì số ca nhiễm sẽ giảm một cách đáng kể (610 lần). Nếu Hsn1 = 1, thì hệ số nhân sẽ bằng 1, có nghĩa là số ca nhiễm sẽ không thay đổi sau 14 ngày.
Ta cũng có thể so sánh các số liệu trên với số liệu tương ứng của nguyên chủng và biến chủng Alpha. Với biến chủng Alfa, ta lấy Hsn1 = 4 (không can thiệp) và CKln = 3. Kết quả tính sau 14 ngày (Sckln=4,67) cho hệ số nhân = 768. Với nguyên chủng, ta lấy Hsn1 = 3 (không can thiệp) và CKln = 4. Kết quả tính toán sau 14 ngày (Sckln = 3,5) cho ta hệ số nhân = 54. Như vậy, so với hệ số nhân 78.100 của biến thể Delta, thì sau thời gian 14 ngày, hệ số nhân do Alfa nhỏ hơn 102 lần và do nguyên chủng thì nhỏ hơn gần 1500 lần.
Các tính toán cho thấy lợi ích to lớn của những biện pháp hạn chế lây nhiễm. Chúng càng hiệu quả thì hệ số nhân sau 14 ngày càng nhỏ. Lí tưởng là đạt đến Ksn1 < 1 và mọi chính sách phòng chống phải hướng tới lí tưởng đó để tiêu diệt hoàn toàn mầm bệnh. Muốn được như vậy, không có cách nào khác là phát hiện và cách li hiệu quả người bị nhiễm bằng những biện pháp thích hợp.
Những biện pháp cần thiết phải bổ sung để đối mặt với biến chủng Delta
Chúng ta còn nhớ, khi phải đối mặt với biến chủng Alfa, ta đã nói phải thực hiện mọi biện pháp một cách “thần tốc”. Các tính toán trên đây cho thấy với biến chủng Delta, tốc độ lây lan từ một ca bệnh sau 14 ngày lớn hơn trên một trăm lần so với biến chủng Alfa. Nếu không xử lí hết sức nhanh chóng mọi việc, thì những biện pháp phòng chống sẽ không thắng được tốc độ phát triển “thần tốc”của chủng Delta. Ta sẽ không thể truy vết, phát hiện và cách li người nhiễm bệnh kịp thời và để cho người ấy có thì giờ lây lan cho những người khác với một tốc độ chóng mặt.
Do vậy, chúng ta phải truy vết nhanh hơn (nhất thiết phải dựa vào công nghệ thông tin!), phải phát hiện nhanh hơn (các xét nghiệm phải được thực hiện với một cường độ cao hơn và khẩn trương hơn), và phải cách li có hiệu quả hơn (không để cho những người bị nhiễm chậm được phát hiện và tiếp tục lây cho những người khác; thực hiện nghiêm ngặt nguyên tắc 5K và các qui chế cách li, đặc biệt trong các cơ sở cách li tập trung hoặc trong các khu vực phong tỏa). Tóm lại, ta phải sử dụng những biện pháp “siêu thần tốc” để truy vết và phát hiện các ca bệnh tiềm tàng, và khi họ đã được công nhận F0 thì phải cách li họ có hiệu quả. Không làm nhanh hơn và không cách li có hiệu quả hơn thì ta không thể thắng được biến chủng Delta.
Đến đây, tôi muốn nêu lên một vấn đề đặc biệt quan trọng, đối với các đợt xét nghiệm định kì, dù là trong các bệnh viện, các cơ sở cách li tập trung hoặc các địa điểm cách li khác, hay trong các khu vực phong toả. Nếu biến chủng Delta là thống trị trong dịch Covid, thì quy định chu kì xét nghiệm 3 hoặc 4 ngày là quá chậm, không đủ để chống lại sự tiến triển của dịch, vì để lọt những người đã bị nhiễm mà vẫn có thời gian tiếp tục tiếp xúc gần với những người chưa bị nhiễm nếu 5K và các quy định cách li, như thường xảy ra, vẫn chưa được tuân thủ nghiêm ngặt do thiếu ý thức và do kiểm tra kém chặt chẽ. Tôi nghĩ đây là một nguyên nhân quan trọng giải thích tại sao mặc dù TP Hồ Chí Minh đã qua 14 ngày của chương trình giản cách xã hội áp dụng chỉ thị 16 trên toàn thành phố mà vẫn chưa làm chủ được tình hình lây nhiễm quan trọng hiện nay. Và số lượng lây nhiễm mới hàng ngày cho thấy chính những khu vực cách li tập trung, các khu vực phong toả, các vùng giãn cách và các khu công nghiệp là những nơi lây nhiễm nhiều nhất. Tôi rất tán thành khi được biết TP Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục áp dụng Chỉ thị 16+ trong đó có ý định giảm bớt thời gian giữa các lần xét nghiệm định kì. Nếu điều kiện cho phép, theo tôi nên xét nghiệm mỗi ngày, và không nên quá tiết kiệm trong mục chi tiêu này, vì đây có thể là yếu tố quyết định thắng lợi trong tình hình căng thẳng hiện nay.
Mặt khác, chúng ta cũng biết những người bị nhiễm với biến chủng Delta thường có nồng độ virus tập trung nhiều trong họng, và khi ho hoặc hắt hơi, thậm chí khi thở thì họ phát ra ngoài những giọt bắn và những son khí (hay dung khí) chứa nồng độ virus cao hơn nhiều so với trường hợp chủng gốc và các biến chủng khác. Hơn nữa virus chủng Delta có khả năng bám vào tế bào tiếp nhận của cơ thể dễ dàng hơn,do đó khi tiếp xúc với người bị nhiễm virus này trong một thời gian không lâu (chẳng hạn dưới 10 giây, thời gian chưa đủ để thăm hỏi sức khoẻ của nhau) là có thể đã hít phải một lượng virus đủ để bị lây bệnh! Do vậy, cần xem lại một số quy định về khoảng cách nguy hiểm và thời gian tiếp xúc nguy hiểm vì các quy định hiện hành có thể không còn đủ an toàn. Nếu phải thay đổi các định nghĩa này để duy trì mức an toàn như trước, thì tiêu chí “tiếp xúc gần” (kết hợp khoảng cách tiếp xúc với thời gian tiếp xúc) cần được thay đổi để công tác truy vết được chính xác hơn. Tiêu chí về thời gian tiếp xúc an toàn phải ngắn hơn đáng kể, và tiêu chí về khoảng cách an toàn có thể phải xa hơn nhằm không để lọt những người đáng lẽ phải được xếp vào F1 nhưng vẫn tiếp tục sống ngoài cộng đồng vì đã lọt sổ khi qua truy vết.
Ngoài ra tôi cũng tán thành những biện pháp nhằm tránh bẻ gãy các dây chuyền sản xuất và xem đó là tích cực để phục vụ mục tiêu kép, nhưng tuyệt đối không nên chấp nhận để công nhân làm việc trong những môi trường chưa hoặc không an toàn. Nơi cư trú của công nhân, nếu là phòng trọ cũng phải có biện pháp cách ly để không gây “lây nhiễm chéo” giữa các doanh nghiệp khác nhau trong cùng một địa bàn. Những sự quan tâm hiện nay của lãnh đạo TP Hồ Chí Minh mà tôi được biết đang đúng theo các hướng vừa nêu, là rất đáng hoan nghênh. Vấn đề còn lại là tổ chức kiểm tra kĩ các điều kiện an toàn trước khi cho làm việc và giám sát thường xuyên để bảo đảm các điều kiện đó được duy trì liên tục.
Kết luận
Bài viết này chỉ đề cập tới một số vấn đề hạn chế, với mục đích đề xuất những biện pháp bổ sung chống lại sự lây lan của dịch Covid-19 với biến chủng Delta. Tôi tin tưởng rằng nếu những đề xuất trong bài này được đưa vào áp dụng một cách tích cực, thì những biện pháp phòng chống dịch của chúng ta nhất định sẽ thành công thêm một lần nữa. Tuy nhiên, bài này không đề cập tới những vấn đề khác có liên quan, như chủ trương đẩy mạnh tiêm vắc xin, chủ trương phân tầng các bệnh nhân để tập trung điều trị bệnh nhân nặng tại các bệnh viện được trang bị đầy đủ và hiện đại, và nhất là những chủ trương liên quan đến chiến lược phòng, chống dịch trong thời kì bùng phát dịch mạnh mẽ nên như thế nào.