Nhạc sĩ Xuân Oanh có vợ là Hoa hậu Đông Dương nữ điệp báo Công an Hà Nội
Nhịp sống văn hóa 07/10/2020 15:18
Từng là hoa hậu Đông Dương, con nhà trí thức ở Hà Thành, 18 tuổi tràn đầy xuân sắc, Lê Thị Xuân Uyên đã phải lòng chàng trai 22 tuổi Xuân Oanh, tác giả của bài ca "Mười chín tháng Tám" sôi động cả mùa Thu cách mạng.
Chuyện tình trai tài gái sắc từ mùa Thu cách mạng tháng Tám.
Cứ mỗi độ Thu về, dư âm của ngày Toàn quốc kháng chiến 19/8/1945, lại vang lên với ca khúc “Mười chin tháng Tám” của nhạc sỹ Xuân Oanh. Bài ca đi cũng năm tháng này có cùng tuổi 75 năm khai sinh với cách mạng tháng Tám năm 1945. Mùa Thu tháng Tám cũng là bắt đầu của một câu chuyện tình trai tài gái sắc Hoa hậu Đông Dương -Lê Thị Xuân Uyên với chàng lãng tử nhạc sỹ Xuân Oanh đa tài.
Ngày đó, Xuân Uyên 18 tuổi, Lê Nùng 17 tuổi (con bác sĩ Lê Trạc) đều tự nguyện hòa trong thác người tràn về trung tâm thành phố cướp chính quyền. Tuần lễ Vàng, gia đình bác sĩ Lê Trạc đã góp nhiều vàng, trang sức quý cho Chính phủ Cụ Hồ. Khi đó gia đình bác sĩ Lê Trạc đã chuyển chỗ ở về phố Trần Xuân Soạn. Gia đình bác sĩ trở thành cơ sở kháng chiến nơi hội họp kín của Ủy ban Quân quản Hà Nội và là một trong những địa điểm đầu tiên bị địch đốt phá khi tấn công vào Thủ đô.
Xuân Uyên cô gái mảnh dẻ, xinh đẹp của trường Đồng Khánh hòa trong dòng người hát vang ca khúc “Mười chin tháng Tám” cùng toàn dân đi cướp chính quyền.
Những ngày mùa Thu, tháng Tám lịch sử, cũng là khởi nguồn cho câu chuyện tình thật đẹp của thiếu nữ Hà thành Lê Thị Xuân Uyên với chàng quê ở Thái Bình tên gọi Đỗ Xuân Oanh. Một lần nàng bắt gặp chàng trai có gương mặt thư sinh, ánh mắt sáng, mũi to, mặc quần soóc, đeo súng dài đứng gác ở rạp Tháng Tám, khi đó là trụ sở dã chiến của cách mạng. Chàng nhoẻn miệng cười với Xuân Uyên, đó chính là khoảnh khắc cả hai người đã trúng tiếng “sét” của ái tình”. Xuân Uyên khi ấy còn chưa biết chàng trai đó chính là người đã viết bài ca “Mười Chín tháng Tám” mà mấy ngày trước nàng cùng hàng vạn người đã hát vang trên đường đi giành chính quyền :"Toàn dân Việt Nam đứng đều lên góp sức một ngày, thề đem xương máu quyết tâm chiến đấu cho tương lai...".
Nhạc sỹ Xuân Oanh |
Quen nhau rồi, Xuân Uyên mới biết chàng trai ấy chính là nhạc sĩ Xuân Oanh. Chàng sinh năm 1923, trong một gia đình nghèo, cha là thợ may, còn mẹ thì mất sớm, khi Xuân Oanh mới 6 tuổi. Xuân Oanh được cha đưa về ở với gia đình người cậu (em mẹ) ở Quảng Ninh. Năm 14 tuổi, khi học xong tiểu học, Xuân Oanh bắt đầu tự kiếm sống bằng đủ các nghề như: thợ đúc, thợ mỏ, dạy học, vẽ tranh, nhạc công phòng trà.
Năm 19 tuổi, chàng trai từ đất mỏ lên Hà Nội và bắt đầu học thêm, trước năm 1945, Xuân Oanh đã tham gia tuyên truyền cho Mặt trận Việt Minh. Sau Cách mạng tháng Tám, Xuân Oanh lên chiến khu Việt Bắc và làm việc cho Báo Cứu quốc, là giỏi ngoại ngữ, (biết 7 thứ tiếng), Xuân Oanh từng là phát thanh viên chương trình tiếng Anh thế hệ đầu tiên của Đài Tiếng nói Việt Nam. Chàng nhạc sĩ đa tài còn làm phiên dịch viên cho các lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước Việt Nam như cố Chủ tịch Hồ Chí Minh và cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng
Cống hiến hết mình cho Tổ quốc
Gặp nhau giữa mùa thu hào khí của cách mạng, ánh mắt mới trao nhau, chuyện tình chưa kịp ngỏ, thì toàn quốc kháng chiến, kéo theo dòng người lên Chiến khu, họ thất lạc nhau. Xuân Oanh theo báo Cứu Quốc (nay là báo Đại Đoàn Kết) lên Chiến khu còn Xuân Uyên thì thoát ly theo đội Nữ sinh Hoàng Diệu, sau chuyển sang đội y tế của Bác sỹ Tôn Thất Tùng, trước khi chuyển hẳn về đội Điệp báo Công an Hà Nội.
Mùa Đông năm 1947, nữ điệp báo Xuân Uyên không may sa vào tay giặc trong lần cùng đồng đội đi công tác. Trải qua nhiều trận đòn thù dã man của địch vẫn không khuất phục được nữ điệp báo viên từng là Hoa hậu Đông Dương kiên định sắt son với cách mạng.
Một năm Xuân Uyên ở trong tù, là một năm gia đình bác sĩ Lê Trạc đã dốc hết vốn liếng mới "chạy” được cho con gái ra giam lỏng. Ít tháng sau Công an Hà Nội bí mật đưa Xuân Uyên lên Chiến khu.
Tìm lại được nhau trên Chiến khu, mỗi khi rảnh là Xuân Oanh lại tranh thủ vượt suối băng rừng hàng chục cây số sang thăm người yêu. Lần nào cũng vậy, họ chỉ kịp ngồi ăn với nhau bát chè ở quán nước đầu thôn, rồi Xuân Oanh lại vội vã tất tả cuốc bộ xuyên đêm để kịp về cơ quan.
Sự chân tình của chàng “lãng tử đa tài”, đã chiếm được trọn vẹn trái tim của Xuân Uyên "Hoa khôi Việt Bắc”, nàng từ chối lời cầu hôn của nhiều thủ trưởng đẹp trai, lịch lãm, để đến và yêu chàng lãng tử "tứ cố vô thân”.
Vợ chồng nhạc sỹ Xuân Oanh ở chiến khu |
Quen nhau từ mùa thu cách mạng, duyên mệnh đã kết hai con người cùng chung tên đệm chữ Xuân thành một khối tình Xuân Oanh-Xuân Uyên. Sau 6 năm yêu thương và chờ đợi, tháng 5/1951, họ làm đám cưới tại chiến khu. "Vui duyên mới không quên nhiệm vụ!” và "Tổ quốc trên hết”, là 2 khẩu hiệu giăng lên trong đám cưới và cũng là lời chúc của lãnh đạo và bạn bè dành cho Xuân Uyên nữ "Hoa khôi Việt Bắc" và nhạc sỹ đa tài Xuân Oanh
Hạt giống mùa thu
Sau khi cưới vợ, Xuân Oanh cũng chuyển nhiệm vụ mới, tham gia thành lập Ủy ban Bảo vệ Hòa bình Thế giới của Việt Nam, làm Tổng Thư ký kiêm Phó Chủ tịch Ủy ban. Từ 1968- 1972, tại Hội nghị Paris về Việt Nam, ông tham gia Phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với tư cách đại diện cho Ủy ban Bảo vệ Hòa bình Việt Nam và Ủy ban Việt Nam đoàn kết với nhân dân Mỹ – Pháp, vận động phong trào chống chiến tranh xâm lược của Mỹ.
Xuân Oanh không chỉ là nhạc sĩ nổi danh, ông còn là nhà ngoại giao và là dịch giả văn học lớn. Ông được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Ba (1998) và Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2009. Ông mất năm 2010 thọ 87 tuổi.
Nhạc sỹ Xuân Oanh cùng ba người con trai |
Còn bà Xuân Uyên, sau 31 năm tham gia cách mạng, bà được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công Hạng ba. Bà nghỉ hưu năm 1976, khi giữ chức Phó phòng Ban Quốc tế nhân dân. Những năm cuối đời, bà Xuân Uyên phát bệnh thần kinh do di chứng của đòn thù không thể khắc phục, ông Xuân Oanh đã chăm sóc vợ bằng cả tình yêu thương và sự nhẫn nại, bền bỉ. Ông sáng tác, phổ nhạc nhiều bài thơ trữ tình, đàn hát cho bà nghe để vơi bớt những cơn đau. Bà trút hơi thở cuối cùng vào năm 1995 khi 62 tuổi.
Nối tiếp truyền thống cách mạng của gia đình, 2 hạt giống của mối tình Xuân Uyên –Xuân Oanh trở thành cán bộ cao cấp của ngành Công an, Đỗ Lê Chi và Đỗ Lê Châu là Thiếu tướng Công an nhân dân Việt Nam; còn Đỗ Lê Chân làm Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Vận tải Thái Duyên.