Chuẩn bị diễn ra Lễ hội truyền thống Đền Mõ

Nhịp sống văn hóa 10/02/2025 07:49
![]() |
Thầy Ngợi viết Thư pháp tiếng Thái |
Thực hiện ước mơ ngày thơ ấu
Thầy Ngợi sinh ra trong một gia đình người Thái tại thôn Pọng, xã Văn Nho, huyện Bá Thước. Mặc dù cả gia đình dùng tiếng Thái để giao tiếp hàng ngày nhưng không biết chữ Thái, thầy Ngợi chỉ nghe về chữ Thái qua những câu chuyện kể. Và trong suy nghĩ của cậu bé Ngợi ngày đó đã đặt một dấu chấm hỏi lớn về hình hài những “con chữ” của cha ông mình. Cũng trong giai đoạn này, thấy được sự vất vả của các thầy cô dưới xuôi khi “cõng chữ lên non” dạy các trò miền núi, Hà Văn Ngợi đã ước mơ trở thành giáo viên, quyết tâm vượt mọi khó khăn, cố gắng học tập để tương lai sẽ trở về dạy học tại chính mảnh đất quê hương.
Sau những nỗ lực, phấn đấu, cậu bé Hà Văn Ngợi ngày nào đã thực hiện được ước mơ thời thơ ấu: trở thành giáo viên về công tác tại huyện Bá Thước. Mặc dù chuyên môn của thầy Ngợi là dạy Toán nhưng thầy cũng chính là một trong số 6 thầy cô giảng dạy được chữ Thái tại huyện Bá Thước, cũng là một trong số 10 thầy cô giảng dạy được chữ Thái của tỉnh Thanh Hóa (và nói rộng hơn là trong gần 259 ngàn đồng bào dân tộc Thái đang sinh sống trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa).
![]() |
Trường THCS & THPT Bá Thước là nơi thầy Ngợi đang công tác, đặt tại xã Lũng Niêm. |
Theo chia sẻ của thầy Ngợi, thầy bắt đầu tìm hiểu về chữ viết của người Thái từ năm 2006, lúc đó thầy 22 tuổi, vừa tốt nghiệp và về nhận công tác. Thầy vừa dạy học, vừa dành thời gian mượn tài liệu tự học, tự nghiên cứu về chữ viết tiếng Thái - tìm được đáp án cho dấu chấm hỏi lớn từ thời thơ ấu về hình hài “con chữ” của cha ông; cũng hiểu sâu hơn về bản sắc văn hóa dân tộc mình.
Năm 2018, thầy Ngợi đi học lớp giáo viên tiếng dân tộc, càng thêm yêu nghề giáo, càng khát khao được góp phần vào việc gìn giữ và lưu truyền tiếng nói, chữ viết dân tộc Thái cho các thế hệ tương lai. Tuy nhiên hiện nay, môn Tiếng dân tộc rất ít người dạy,cũng ít người học nên làm sao để gìn giữ, lưu truyền tiếng nói, chữ viết của dân tộc Thái là một điều mà thầy Ngợi vẫn luôn trăn trở trong hàng chục năm qua.
“Thổi hồn” vào nét chữ
Nhận thấy phần lớn người Thái nói được tiếng Thái, tuy nhiên số người biết được chữ Thái không nhiều, và người viết Thư pháp tiếng Thái thì lại càng hiếm gặp nên năm 2020, thầy Ngợi bắt đầu nghiên cứu về Thư pháp. Thầy muốn làm điều gì đó thật đặc biệt để giúp thế hệ trẻ người Thái ấn tượng hơn, yêu thích chữ viết tiếng Thái hơn.
![]() |
Chữ “Tâm” do thầy Ngợi viết - Thư pháp tiếng Thái |
![]() |
Chữ “Bình an” do thầy Ngợi viết - Thư pháp tiếng Thái |
Với Thư pháp, những từ tiếng Thái được thể hiện rất sinh động, đẹp như một bức tranh. Càng nghiên cứu, tìm hiểu và rèn luyện Thư pháp tiếng Thái, thầy Ngợi càng thêm yêu nét chữ - nét văn hóa của dân tộc mình và mong muốn ngày càng có nhiều người đến với Thư pháp tiếng Thái.
Ông cha ta thường nói: “Nét chữ - Nết người”, luyện nét chữ cũng chính là rèn nết người. Càng luyện chữ nhiều, con người cũng trở nên điềm tĩnh, kiên nhẫn hơn. Chữ càng đẹp, con người càng điềm đạm, cẩn thận, chu đáo. Người cẩu thả, nóng vội nét chữ thường xiêu vẹo, không ngay ngắn. Vậy nên, qua nét chữ có thể đoán được phần lớn tính cách của mỗi người. Qua nghệ thuật Thư pháp, tính cách của người viết chữ càng thể hiện rõ nét hơn vì người viết có sự tập trung cao độ, mỗi chữ viết ra giống như một lời tâm sự, thể hiện ước mơ, hoài bão. Dù nghệ thuật Thư pháp tiếng Hán, tiếng Việt hay tiếng Thái thì cũng đều hướng con người tới cái chân - thiện - mỹ, tới những điều nhân văn.
![]() |
Những bức Thư pháp hướng con người tới những điều tốt đẹp |
Thầy Ngợi đến với Thư pháp vì tất cả những ý nghĩa tốt đẹp đó. Và mỗi khi có thời gian rảnh, thầy Ngợi lại trò chuyện cùng học sinh về tiếng Thái và Thư pháp tiếng Thái. Dưới bàn tay tài hoa của thầy, những nét chữ hiện lên sinh động như vừa được “thổi hồn”, khi uyển chuyển, mềm mại, cũng có khi mạnh mẽ, quyết liệt. Thầy Ngợi còn “thổi” vào những nét Thư pháp nhiều câu chuyện nhỏ để học sinh dễ hiểu, dễ nhớ, dễ hình dung, dần cảm nhận được cái hay, cái đẹp, khơi lên niềm tự hào dân tộc trong tâm hồn các em. Thầy mong muốn có thể truyền cảm hứng cho các em, truyền cho các em niềm đam mê tiếng dân tộc để sau này, các em sẽ cùng thầy góp phần gìn giữ và bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào Thái.
Điều mong ước và hi vọng
Cuộc sống đang đổi thay từng ngày cùng với sự phát triển của nền khoa học, của công nghệ số. Và có một điều vô cùng thuận lợi là hiện nay trên mạng internet, trong các phần mềm soạn thảo văn bản đã có phông chữ tiếng Thái, giúp đồng bào Thái dễ dàng tiếp cận với chữ viết của dân tộc mình. Tuy nhiên, giữa muôn vàn sự lựa chọn, con em đồng bào chắc chắc vẫn sẽ ưu tiên lựa chọn những môn học, những kỹ năng phục vụ cho nhu cầu thực tế cuộc sống và việc làm. Khi nỗi lo cơm, áo, gạo, tiền vẫn luôn in hằn lên từng giấc mơ, nhịp thở, con em đồng bào vẫn tất yếu phải chọn những cách làm phù hợp với thời cuộc, có ích nhất cho bản thân và gia đình.
Vậy nên, điều thầy Hà Văn Ngợi mong ước nhất chính là: Các thế hệ học sinh đặc biệt là học sinh miền núi sẽ học tập thật tốt, cố gắng, nỗ lực vươn lên, tương lai sẽ góp phần nâng cao hơn nữa đời sống của đồng bào các dân tộc khu vực miền núi cả về vật chất và tinh thần. Và trong phần tinh thần ấy luôn luôn có sự hiện diện của sắc màu văn hóa dân tộc, của cả ngôn ngữ nói và viết, không thể thiếu những nét Thư pháp khi thì mềm mại, bay bổng, khi mạnh mẽ, quyết liệt...
![]() |
Một bà đồ xuất hiện trong khu vực chợ Tết vùng cao thu hút nhiều thanh thiếu niên đến xem |
Thầy Ngợi cũng hi vọng rằng sau này, trong các nhà trường, ngoài các câu lạc bộ Toán học, câu lạc bộ Tiếng Anh, câu lạc bộ cờ vua… sẽ xuất hiện thêm câu lạc bộ tiếng dân tộc, câu lạc bộ Thư pháp. Các học sinh người dân tộc thiểu số sẽ ngày càng có nhiều cơ hội để giao lưu, học hỏi, mở rộng kiến thức để gìn giữ, bảo tồn và phát huy những nét văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc riêng, góp phần tạo nên nền văn hóa Việt Nam phong phú, đa dạng, đa sắc màu trong tinh hoa văn hóa nhân loại.