Bệnh tiểu không tự chủ và cách điều trị theo y học cổ truyền
Sức khỏe 27/11/2018 11:08
Ông Nguyễn Quang Hùng 60 tuổi (TP Việt Trì): Thời gian gần đây tôi hay bị nước tiểu són ra quần, đi khám bác sĩ chuyên khoa tiết niệu, chẩn đoán là tiểu không tự chủ. Vậy tôi xin hỏi bệnh này là như thế nào và cách điều trị theo y học cổ truyền?
TS.Lương y Phùng Tuấn Giang, Chủ nhiệm Nhà thuốc Thọ Xuân Đường: Ở điều kiện sinh lí bình thường, khi bàng quang chứa đầy nước tiểu từ 300 - 400ml, sẽ gửi tín hiệu lên hệ thần kinh trung ương kiểm soát và lập tức cơ vòng bàng quang sẽ giãn ra để nước tiểu thoát ra ngoài; sau khi tiểu xong, bàng quang xẹp xuống và cơ vòng bàng quang sẽ co lại không cho nước tiểu thoát ra. Ngoài cơ vòng bàng quang tham gia bài tiết nước tiểu, còn có sự phối hợp của cơ bàng quang và sự hỗ trợ của các cơ sàn chậu, khi quá trình trên bị rối loạn như gặp trong bệnh lí nhiễm trùng, chấn thương, hay do tuổi tác… sẽ gây ra tình trạng són nước tiểu hay không kiểm soát tình trạng đi tiểu gọi là tiểu không tự chủ.
Tiểu không tự chủ không phải là một bệnh, đó là một triệu chứng, có thể được gây ra bởi những thói quen hằng ngày, liên quan đến các vấn đề về bệnh lí với nhiều nguyên nhân như: Nhiễm trùng đường tiết niệu, u tiền liệt tuyến, bướu hay sỏi bàng quang; rối loạn hệ thần kinh trung ương do tổn thương não hay tủy sống như bệnh Parkinson, Alzeimer, đột quỵ…; do stress tạo áp lực, căng thẳng lên bàng quang; do cơ vùng sàn chậu bị suy yếu bởi tuổi tác; do bàng quang bị kích thích bởi bia, rượu, cà phê… Có nhiều bài thuốc Nam chữa chứng bệnh này như:
Cây bầu đất |
1. Bài thuốc từ rau bầu đất:
Cây bầu đất họ cúc vị ngọt tính bình, có tác dụng thanh nhiệt giải độc, lợi tiểu, khử ứ, tiêu viêm chỉ khái. Dùng bầu đất 80g sắc uống hoặc nấu canh ăn hằng ngày có tác dụng chữa đái són, đái buốt, đái dầm. Bầu đất dễ trồng làm rau ăn làm thuốc rất tốt. Có người cho rằng ăn rau bầu đất gây ung thư là không có căn cứ, trái lại bầu đất còn có tác dụng hỗ trợ điều trị ung thư.
2. Bài thuốc từ rễ cây hoa hồng dại, hạt tơ hồng, ngũ bội tử:
Rễ cây hoa hồng dại (hồng tầm xuân, dã tường vi) hay mọc bờ rào hay người ta trồng làm cảnh 30g + Ngũ bội tử 12g + Hạt tơ hồng 12g. Cho tất cả nguyên liệu trên vào ấm, đổ 600ml nước đun còn 400ml nước, uống làm 3 lần trong ngày.
3. Bài thuốc từ màng mề gà:
Sử dụng màng mề gà (kê nội kim) sao vàng, tán bột. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 2 - 6g với nước ấm, vào lúc đói. Có thể phối hợp với tang phiêu tiêu, lượng bằng nhau 4 - 12g, nấu với 400ml nước sắc còn 60 - 100ml, chia 2 lần uống trước bữa ăn. Cũng có thể dùng một bộ ruột gà (theo kinh nghiệm dân gian: Nam dùng ruột gà mái, nữ dùng ruột gà trống) rửa thật sạch, phơi khô, đốt tồn tính, mẫu lệ (vỏ con hàu nung) 24g, quế chi 24g, kê nội kim 1 cái phơi khô, sao vàng. Hỗn hợp tán thành bột mịn. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 2 - 4g, uống với nước ấm trước bữa ăn.
Đặc biệt có bài thuốc quý cổ truyền cách đây hàng trăm năm, bao gồm: Ích trí nhân, phá cố chỉ, ngũ gia bì, đậu đen xanh lòng trị chứng bệnh này rất công hiệu. Quả ích trí tính cay vị ôn, quy kinh tì, vị, thận có tác dụng bổ tì, cố khí, sáp tinh nên từ lâu Y học cổ truyền đã dùng để chữa chứng tiểu són, tiêu đêm, tiểu nhiều lần. Ích trí nhân còn có tác dụng phục hồi cơ bàng quang, ngăn ngừa suy yếu.
Mặc dù vậy, để việc điều trị đạt hiệu quả và các bài thuốc Nam nói trên phát huy được công năng tốt nhất thì người bệnh nên có sự theo dõi và chỉ dẫn cụ thể của thầy thuốc, vì mỗi một bệnh nhân lại có thể trạng khác nhau và thể bệnh không hẳn giống nhau. Điều trị tiểu không tự chủ phụ thuộc vào mức độ nặng, nhẹ. Trước hết, cần thay đổi cách sinh hoạt như tập đi tiểu đúng giờ (thường sau mỗi 2 - 4 giờ), quản lí lịch và chế độ ăn uống, giảm hoặc tránh rượu, bia, cà phê… tập những bài tập tăng cường cơ vòng niệu và cơ sàn chậu - các cơ bắp để có thể giúp tự chủ tiểu tiện. Nếu không hiệu quả thì sử dụng thuốc.
Ngoài ra việc duy trì cân nặng vì khối lượng cơ thể quá lớn sẽ gây chèn ép lên bàng quang gây tiểu không kiểm soát thì người bệnh cũng cần tập luyện thể dục, dưỡng sinh đều đặn để có cơ thể khỏe mạnh. Chế độ ăn uống cân bằng, hạn chế dầu mỡ và tăng cường chất xơ, vitamin và khoáng chất (rau, củ, quả…). Hạn chế các chất kích thích như cà phê, rượu, thuốc lá vì không có lợi cho bàng quang.
Tuân thủ lối sống lành mạnh, khoa học để có bàng quang khỏe mạnh, phòng ngừa và giảm nguy cơ phát triển chứng tiểu không tự chủ hay các bệnh khác phức tạp hơn liên quan đến đường tiết niệu.
Quý độc giả quan tâm đến phương pháp chữa bệnh bằng Nam y có thể tìm đến Nhà thuốc Thọ Xuân Đường: Số 7 Khu Thủy sản, ngõ 46 phố Lê Văn Thiêm, Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội.
Điện thoại : 024.85874711 - Hotline: 0943406995 / 0937638282