Ban Tiếp công dân Trung ương yêu cầu UBND tỉnh Thái Bình xem xét việc cắt chế độ da cam của các cựu chiến binh
Đơn thư bạn đọc 21/05/2021 18:06
Như Ngày mới Online đã thông tin, hàng trăm cựu chiến binh, bệnh binh, người có công tại tỉnh Thái Bình đã có đơn khiếu nại về việc bản thân họ bị nhiễm chất độc màu da cam đã có sự công nhận của các cơ quan chức năng có thẩm quyền. Đây là những nạn nhân chất độc da cam đã có giấy công nhận.
Ban tiếp công dân Trung ương yêu cầu tỉnh Thái Bình xem xét đơn thư của các cựu chiến binh có công về việc cắt chế độ chất độc da cam |
Tuy nhiên, từ năm 2017 đến nay, bỗng nhiên nhiều người có công đang hưởng chế độ trợ cấp người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học (đi-ô-xin) thì nhận được quyết định cắt chế độ của Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thái Bình và thông báo dừng chi trả chế độ và thu hồi Quyết định trợ cấp đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học.
Lý do cắt chế độ là do cơ quan chức năng cho rằng, các cựu chiến binh không có con dị tật, dị dạng, không vô sinh và không mắc các bệnh trong Danh mục bệnh, tật, dị dạng, dị tật có liên quan đến phơi nhiễm chất độc hóa học dioxin.
Nhiều thương binh, bệnh binh, cựu chiến binh huyện Thái Thụy bức xúc về việc bị cắt chế độ vô lý, khiến đời sống các cựu chiến binh gặp khó khăn |
Các cựu chiến binh cho rằng, quyết định của Sở LĐ-TB&XH Thái Bình làm tổn hại quyền lợi chính đáng của họ. Vì vậy, trong thời gian qua họ đã khiếu nại quyết định dừng cắt trợ cấp nhưng không được Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thái Bình giải quyết thỏa đáng.
Cụ Bùi Văn Tinh, 83 tuổi, một cựu binh chiến trường miền Nam, trú tại xã Thái Thịnh, huyện Thái Thụy cho biết: "Chúng tôi đều là lính đặc công, các cán bộ, bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến đã từng trực tiếp chiến đấu, phục vụ chiến đấu ở những vùng bị rải chất độc hóa học trên chiến trường miền Nam trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, là nạn nhân đã mang trong mình những căn bệnh quái ác, di truyền sang đời con cháu, đã và đang chết dần chết mòn, đau đớn cả về thể xác và tinh thần. Tuổi già thì sống trong cảnh neo đơn, khó khăn bởi không còn nguồn lương nào khác". Cụ Tinh bị cắt chế độ từ đầu năm 2018.
Cụ Bùi Văn Tinh, 83 tuổi, trong kháng chiến là lính đặc công nay bị cắt chế độ chất độc da cam từ năm 2018 hiện sống một mình, đời sống vô cùng khó khăn (thứ 2 từ phải qua trái) |
“Việc nhiễm chất độc da cam đã được các cơ quan có thẩm quyền xác thực, thế nhưng vì lý do gì mà Sở LĐTBXH tỉnh lại chỉ căn cứ vào các quy định chung chung của Bộ Y tế lại cắt hết trợ cấp của chúng tôi. Chúng tôi bị da cam thì phải có chế độ tại sao lại lôi con đã chết bao năm, rồi phải bắt cung cấp giấy tờ từ mấy chục năm trước đây?”, ông Tinh bức xúc cho biết.
Ông Đỗ Hùng Vỹ bức xúc vì bị cắt chế độ vô lý trong khi hiện tại ông đang lâm bệnh nặng |
Ông Đỗ Hùng Vỹ, 74 tuổi, trú tại xã Bắc Thịnh, huyện Thái Thụy cho biết, vài trăm ngàn đồng tiền trợ cấp một tháng, với nhiều người khác có thể không đáng là bao. Song với đa số các cựu chiến binh nhiễm chất độc da cam/dioxin thì đây chính là thu nhập duy nhất cho họ và gia đình, bởi chính họ là những người tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, bị thương và bị nhiễm chất độc hóa học, sức khỏe suy yếu dẫn đến mất sức lao động. Như ông, hiện bị cắt chế độ chất độc da cam là không còn một chế độ nào khác, trong khi đó bệnh tật đang phá hủy ngày càng nặng, không biết còn sống được bao lâu nữa. ngoài ra, việc cắt chế độ này ảnh hưởng cả tới danh dự của những người lính khi xưa.
Cụ Bùi Văn Sóng, 83 tuổi cho rằng việc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Bình yêu cầu các "giấy phép con" là điều vô lý vì ngày xưa hệ thống y tế cấp xã vốn dĩ sơ sài, không có con dấu (thứ 2 từ trái qua phải, hàng đầu) |
Cụ Bùi Văn Sóng, 83 tuổi, trú tại thôn Minh Vũ, xã Thụy Xuân, huyện Thái Thụy cho biết, cụ đã tham gia cống hiến tới 12 năm trong quân ngũ được nhiều Huân chương kháng chiến. Khi hòa bình trở về địa phương xây dựng quê hương thì sinh con có cả con chết do úng tủy não, sinh con quoái thai nhưng ngày đó trạm Y tế xã cũng sơ sài, không thể có giấy tờ chụp dấu mà lại yêu cầu phải có giấy tờ con cái chết được Bệnh viện này kia chúng nhận, như vậy là quá vô lý.
Nhiều thương binh, bệnh binh, cựu chiến binh cho rằng họ đã có giấy chứng nhận chất độc da cam thì yêu cầu phải có giấy của con cái là vô lý, đó là cách "hạnh họe" người có công |
Việc Sở LĐ-TB&XH Thái Bình viện ra các lý do để quyết định cắt trợ cấp của các nạn nhân chất độc hóa học, người dân cho rằng chưa khách quan, chưa đảm bảo tính công bằng. Điều này trái với các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về ưu đãi người có công, trong đó có các nạn nhân chất độc da cam.
Hiện nhiều cựu chiến binh tại huyện Thái Thụy đang lâm bệnh nặng, có người đang phải chạy thận giai đoạn cuối thế nhưng bị cắt chế độ khiến đời sống các cựu chiến binh vô cùng khó khăn |
Tại Pháp lệnh Ưu đãi người có công và các nghị định hướng dẫn của Chính phủ đều không cho phép việc lập lại hồ sơ để cắt chế độ với các trường hợp đã xem xét, công nhận theo đúng các quy định. Văn bản số 1932 ngày 8/6/2009, Bộ LĐ-TB&XH cũng đã chỉ đạo rõ: “Những hồ sơ đã được lập đúng và đủ điều kiện theo hướng dẫn tại thời điểm các văn bản trên có hiệu lực, Giám đốc Sở LĐ-TBXH ra Quyết định cho hưởng lại chế độ trợ cấp người kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học”.
Ông Hà Minh Thắng, Phó Chủ tịch UBND xã Thụy Xuân cho rằng, có những bất cật khi yêu cầu phải có những giấy tờ bổ sung con chết có đóng dấu của Bệnh viện, vì những năm 1970, 1980 hệ thống y tế cấp xã còn nhiều khó khăn |
Với việc “hồi tố” các quyết định công nhận nạn nhân nhiễm chất độc hóa học là các cựu binh tham gia bảo vệ đất nước, những người đánh đổi sức khỏe, thanh xuân cho nền độc lập dân tộc, Sở LĐ-TB&XH Thái Bình đã vô tình sát thêm vào vết thương lòng những nạn nhân da cam. Bởi đi đâu họ cũng gặp phải ánh mắt dè bỉu của xóm giềng. Vì mọi người đều biết, theo Pháp lệnh Người có công, chỉ những kẻ man trá hoặc chỉ những kẻ phạm tội phản quốc mới bị cắt chế độ trợ cấp như vậy.
Nhiều thương binh bức xúc vì bị cắt chế độ chất độc da cam |
Liên quan đến vụ việc trên, mới đây Ban Tiếp dân Trung ương (Thanh tra Chính phủ) đã có công văn số 1231/BTDTW-TD1 gửi UBND tỉnh Thái Bình về việc chuyển đơn của các công dân huyện Tiền Hải, đề nghị UBND tỉnh Thái Bình chỉ đạo kiểm tra, xem xét, giải quyết và trả lời công dân theo quy định, thông báo kết quả đến Ban Tiếp dân Trung ương.
Nhiều cựu chiến binh gặp khó khăn khi bị cắt chế độ chất độc da cam |
Chiến tranh đã qua hơn 40 năm, song vết thương thời hậu chiến hình như vẫn còn hiện hữu. Chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, trong đó có chính sách đối với người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và nhân dân đối với những người đã cống hiến cho Tổ quốc.
Nên chăng, lãnh đạo các cấp tỉnh Thái Bình nên xem xét vận dụng linh hoạt, có chính sách hợp tình, hợp lý với những trường hợp nạn nhân nhiễm chất độc da cam.
Ngày mới Online sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc!