Bác Vũ Oanh - nhà lãnh đạo tài năng

Đầu năm 2009, viết xong cuốn hồi ức “Qua những chặng đường dựng nước, giữ nước, đổi mới và xây dựng đất nước”, bác Vũ Oanh muốn Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết cho lời giới thiệu về bản thân mình.
Bác nhờ tôi đến gặp Đại tướng. Khi đi, tôi mang theo dự thảo lời giới thiệu. Bác Vũ Oanh là người rất khiêm tốn, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người rất cẩn thận khi viết, khi nói nên bản dự thảo viết khá khiêm nhường. Tuy vậy việc liệt kê hơn chục chức vụ của bác, kể việc làm từ Hà Nội chuẩn bị Tổng khởi nghĩa đến năm 2009 cũng làm tôi hơi lo, không biết Đại tướng có duyệt cho không. Nhiều lần soạn bài cho Đại tướng, viết về Đại tướng, tôi biết Đại tướng thận trọng từng chữ khi nhận xét về một con người.

Đến nơi làm việc, Đại tướng vui vẻ đón tiếp, chân tình hỏi han sức khoẻ bác Vũ Oanh rồi vào việc luôn. Bản dự thảo lời của Đại tướng viết gọn trong một trang. Đại tướng đọc một lượt rồi đặt xuống, trầm ngâm suy nghĩ, ánh mắt nhìn xa xăm qua cửa sổ văn phòng. Ông chậm rãi nói:

- Tôi nhớ mãi anh Vũ Oanh, người thanh niên trí thức, nho nhã dẫn đầu đoàn đại biểu Hà Nội dự Đại hội Quốc dân Tân Trào. Mới ngoài hai mươi tuổi, anh đã làm Chánh Văn phòng Tổng Quân uỷ trung ương ở chiến khu Việt Bắc, một con người thông minh, chăm làm, ham học.

Bác Vũ Oanh phát biểu tại một Hội nghị.
Bác Vũ Oanh phát biểu tại một Hội nghị.

Đại tướng kể cho tôi nghe hoạt động của Tổng Quân uỷ Trung ương ở chiến khu Việt Bắc hơn 60 năm trước, nhấn mạnh yêu cầu học hỏi, nghiên cứu, khen ngợi Chánh Văn phòng Quân uỷ năng nổ tổ chức các lớp học, các lớp tập huấn, tiếp thu nhanh và sâu các kiến thức được học.

Trong tâm trạng thanh thản, Đại tướng bắt đầu đặt bút sửa lời nói cho cuốn hồi ức của bác Vũ Oanh. Ngay câu đầu tiên, ông đã viết lại rõ ràng: “Đồng chí Vũ Oanh đã sớm giác ngộ tham gia cách mạng, qua 65 năm hoạt động đã trở thành một người Cộng sản mẫu mực, một cán bộ lãnh đạo cấp cao của Đảng có phẩm chất và tài năng”. Tiếp theo là kể lại các công việc bác Vũ Oanh đã làm, những lời nhận xét chân tình, sâu sắc. Đại tướng kí tên, đưa cho tôi bài viết.

Ra về, tôi mừng khi thấy Đại tướng Võ Nguyên Giáp với bác Vũ Oanh mỗi người một lĩnh vực công tác, ít gặp nhau nhưng trong tình cảm vẫn gắn bó sắt son, hiểu nhau cặn kẽ. Tôi tâm đắc nhất lời nhận xét của Đại tướng về bác Vũ Oanh: Một cán bộ lãnh đạo cấp cao tài năng.

Từ thuở tham gia hoạt động cách mạng trong giới học sinh, sinh viên, chất “thủ lĩnh” đã toát ra trong hành vi, lời nói của Vũ Oanh. Khoá học 1939-1943, là học sinh quê Hải Dương, thi đỗ Trường Bưởi, Hà Nội, bác đã đứng ra tập hợp các bạn học thân thiết thành lập đội Ngô Quyền để noi gương các bậc danh nhân tiền bối. Đội thành lập tháng 9/1940, là tổ chức yêu nước bí mật, cách mạng có xu hướng mác xít đầu tiên hoạt động trong Trường Bưởi. Lúc đó bác Vũ Oanh mới 16 tuổi. Hoạt động tích cực ở đội Ngô Quyền, bác và các đồng đội bắt liên lạc với Đảng, được kết nạp vào Đoàn thanh niên cứu quốc, thành viên của Mặt trận Việt Minh Hà Nội do Đảng thành lập và được giao làm Bí thư. Tháng 9/1942, tròn 18 tuổi, bác Vũ Oanh được kết nạp vào Đảng. Từ đây hoạt động của bác có định hướng rõ ràng, tài năng của bác được phát huy.

Tham gia Ban Chấp hành Việt Minh TP Hà Nội, bác Vũ Oanh được cử làm Chủ nhiệm Việt Minh thành phố. Trên cương vị công tác này, bác tích cực tuyên truyền, vận động, kết nạp nhiều công nhân, thanh niên vào Đảng, xây dựng tổ chức cách mạng số lượng ngày càng lớn ở Hà Nội để chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa, cướp chính quyền. Tháng 7/1945, bác được Xứ uỷ Bắc Kỳ chỉ định làm Trưởng đoàn Đại biểu Nhân dân cách mạng Hà Nội đi dự Hội nghị Tân Trào, sau đó tham gia lãnh đạo cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội.

Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, bác Vũ Oanh được Trung ương giao làm Bí thư Tỉnh uỷ Hà Đông, Bí thư Tỉnh uỷ Hà Nam. Năm 1947, bác được điều sang làm Chánh Văn phòng Tổng Quân uỷ, vào quân đội “trường học lớn của cuộc đời”, như bác nói, làm việc trực tiếp với Bác Hồ, đồng chí Trường Chinh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, các đồng chí Văn Tiến Dũng, Hoàng Văn Thái, Trần Tử Bình,… Công tác tại Văn phòng, bác tiếp thu được nhiều kiến thức quý báu về chính trị, quân sự, công tác Đảng, công tác tham mưu chiến lược, tổ chức chiến dịch, chiến thuật… Những kiến thức này giúp bác rất nhiều khi tham gia lãnh đạo, chỉ huy Đại đoàn Đồng Bằng, với tư cách Phó Chính uỷ, đánh thắng thực dân Pháp trong chiến dịch giải phóng Hoà Bình, ở vùng địch hậu Liên khu 3 (gồm các tỉnh Ninh Bình, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình), đánh thắng quân Pháp trong các cuộc càn quét của chúng vào căn cứ của ta.

Được giao làm Cục trưởng Cục Địch vận, thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ: “Đánh địch mà thắng là giỏi, không đánh địch mà thắng càng giỏi hơn, đó là công tác địch vận”, bác nắm chắc tình hình các chiến trường, viết tài liệu “Công tác binh vận là một nhiệm vụ chiến lược”, tập huấn cán bộ, tổ chức lực lượng tinh nhuệ đi các chiến trường, coi trọng công tác binh vận ở miền Nam sau ngày miền Bắc hoàn toàn giải phóng, Hiệp định Giơ-ne-vơ được kí kết.

Sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng (9/1960), bác Vũ Oanh được Trung ương điều về Ban Tổ chức Trung ương, làm Phó Trưởng ban, trực tiếp phụ trách khối công tác nghiên cứu và chỉ đạo thực hiện toàn bộ công tác xây dựng Đảng. Cùng tập thể chuyên viên của Ban trong 25 năm công tác, bác đã dành nhiều công sức giúp Trung ương giải quyết vấn đề củng cố tổ chức cơ sở Đảng, đặc biệt là chi bộ, đảng bộ ở nông thôn. Trong quan niệm của bác, làm tốt công tác cán bộ ở mọi cấp, mọi ngành thì nhiệm vụ quan trọng khác: Kinh tế, chính trị, quân sự, an ninh, văn hoá, ngoại giao đều được đẩy mạnh, hoàn thành tốt. Những điều học hỏi được trong một phần tư thế kỉ làm công tác tổ chức Đảng đã giúp bác tích luỹ được nhiều kinh nghiệm quý báu để những năm sau đó đảm đương chức vụ cao hơn có những sáng tạo có giá trị to lớn, phổ biến trong toàn Đảng, toàn dân.

Khi được cử sang Campuchia giúp bạn xây dựng hệ thống chính trị các cấp, với tư cách là Phó trưởng Ban B.68, bác Vũ Oanh đề xuất với Trung ương Đảng phương châm giúp bạn là “địa phương giúp địa phương, bộ giúp bộ, ngành giúp ngành”. Nguồn lực quốc gia lúc đó hạn hẹp, lạm phát đến ba con số, đời sống Nhân dân khó khăn trăm bề, Mỹ đang cấm vận ta. Còn Campuchia mới thoát khỏi chế độ diệt chủng, đất nước không hàng hoá, không tiền tệ, không trường học, không bệnh viện, giúp Nhân dân bạn trước hết là lương thực thực phẩm để cứu đói, giống cây trồng, vật nuôi để phục hồi sản xuất, những cái chỉ có đi tận cơ sở thì mới giải quyết được. Phương châm giúp bạn mà bác Vũ Oanh đề xuất nhờ sát thực tế nên mau chóng đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả cao trong 10 năm (1979-1989), ta giúp bạn hồi sinh và phát triển đất nước.

Hoàn thành nhiệm vụ giúp Campuchia, về nước, được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương khoá V, bác Vũ Oanh được cử làm Trưởng ban Nông nghiệp Trung ương trong hoàn cảnh sản xuất nông nghiệp trì trệ, năng suất thấp, nông dân đói kém. Lúc này ở tỉnh Vĩnh Phúc và nhiều địa phương miền Bắc có hiện tượng “khoán chui” và người đề xướng cùng hàng trăm đảng viên đã bị kỉ luật. Là người từng làm công tác xây dựng cơ sở Đảng, trước hiện tượng đó, bác Vũ Oanh đã đến nhiều cơ sở để tìm hiểu. Điều bác nhận thấy là ở những nơi thực hiện “khoán chui”, nông dân hăng hái sản xuất, năng suất, sản lượng tăng cao, đời sống Nhân dân khấm khá hơn. Tiếp tục đi sâu nghiên cứu ở TP Hải Phòng, các tỉnh Hà Sơn Bình, Hà Nam Ninh,… bác thấy rõ lòng dân muốn tháo gỡ sự ràng buộc sức lao động, muốn được làm chủ ngay trên mảnh ruộng của mình, muốn thực hiện khoán sản phẩm cụ thể.

Trở về cơ quan, bác viết báo cáo gửi Bộ Chính trị, Ban Bí thư nói rõ kết quả sản xuất ở nơi thực hiện khoán, cần thiết phải củng cố cơ sở Đảng ở nơi thực hiện khoán. Mặc dù có ý kiến không đồng tình với việc khoán sản phẩm ở hợp tác xã sản xuất nông nghiệp, nhưng trước thực tế khả quan của khoán, Ban Bí thư quyết định ban hành Chỉ thị 100 cho mở rộng khoán. Bác Vũ Oanh coi đây là bước ngoặt quan trọng trong quá trình đổi mới cơ chế quản lí nông nghiệp, mở ra cục diện mới cho nông nghiệp Việt Nam phát triển, cải thiện bước đầu đời sống của người nông dân.

Từ Chỉ thị 100, để tiếp tục hoàn thiện việc thực hiện khoán, bác Vũ Oanh cùng các cán bộ dưới quyền, chuyên viên trong Ban Nông nghiệp Trung ương nghiên cứu, xây dựng, tham mưu cho Ban Bí thư ra nhiều chỉ thị quan trọng, đồng thời là người chỉ đạo triển khai thực hiện các chỉ thị này. Chỉ thị 19 về hoàn thành điều chỉnh ruộng đất, đẩy mạnh cải tạo xã hội chủ nghĩa ở Nam Bộ. Chỉ thị 29 về đẩy mạnh giao đất giao rừng, xây dựng rừng và tổ chức kinh doanh theo phương thức nông lâm kết hợp. Chỉ thị 35 về khuyến khích phát triển kinh tế gia đình. Chỉ thị 50 về kiện toàn đơn vị quốc doanh trên mặt trận sản xuất nông nghiệp. Chỉ thị 56 về củng cố tăng cường quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa ở nông thôn miền núi. Chỉ thị 65 về củng cố xây dựng quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa, phát triển kinh tế thuỷ sản, nông-lâm-diêm nghiệp và ngành nghề ở miền biển. Chỉ thị 67 về cải tiến quản lí, hoàn thiện cơ chế khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm và người lao động trong các hợp tác xã, tập đoàn sản xuất. Hệ thống chỉ thị của Ban Bí thư có tác động mạnh mẽ đến nông thôn cả nước, đưa lại kết quả to lớn trong sản xuất nông nghiệp, góp phần thúc đẩy và hoàn thiện quản lí nông nghiệp, là tiền đề quan trọng đến năm 1988, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 10 khẳng định khoán sản phẩm trong nông nghiệp, hoàn thiện triển khai cải tiến quản lí trong nông nghiệp.

Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, bác Vũ Oanh được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, được bầu vào Ban Bí thư và được phân công làm Trưởng ban Kinh tế Trung ương. Trên cương vị công tác này, bác đề xuất với Trung ương Đảng phải đổi mới cơ chế quản lí kinh tế, cơ chế khuyến khích lợi ích vật chất cho người lao động để tạo động lực cho quần chúng tiến hành xây dựng và phát triển kinh tế. Phải chấp nhận quy luật phát triển của nền kinh tế hàng hoá và cơ chế thị trường, có sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lí của Nhà nước. Rồi bác cùng Ban Kinh tế Trung ương và một số cơ quan soạn thảo nội dung Nghị quyết Trung ương 2 (khoá VI) về giá, lương, tiền và đổi mới cơ chế quản lí kinh tế. Được bầu vào Bộ Chính trị khoá VII một thời gian, bác phát biểu công khai cần phải phát huy sức mạnh tổng hợp của các thành phần kinh tế: Kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân, kinh tế hộ gia đình. Cần phải thừa nhận kinh tế tư bản nhà nước, để tư bản nước ngoài đầu tư vào sẽ giúp chúng ta kinh nghiệm làm ăn, tiếp thu công nghệ mới, cơ sở vật chất, kĩ thuật hiện đại. Những đề xuất của bác Vũ Oanh lúc đó đã được áp dụng rộng rãi, trở thành quy luật phát triển, nhưng vào những năm cuối 80 thế kỉ nước, những đề xuất đó bị không ít người, có cả người giữ cương vị lãnh đạo cao phản đối. Vững tin ở mình, nhận rõ xu thế phát triển, bác kiên trì thuyết phục đồng chí của mình tán thành, ủng hộ và cho triển khai thực hiện.

Làm Trưởng ban Kinh tế Trung ương, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế, Kế hoạch, Ngân sách của Quốc hội, bác Vũ Oanh đã có công lớn trong việc hoạch định các chiến lược: Phát triển công nghiệp, mở rộng xuất khẩu, du lịch, đi tắt đón đầu, thực hiện khoa học, kĩ thuật tiên tiến, công nghệ cao, kinh tế biển, kinh tế rừng ở trung du và miền núi, quân đội làm kinh tế. Đặc biệt trong công tác đối ngoại và triển khai bình thường hoá quan hệ với Trung Quốc, sau các chuyến đi thực tế ở các tỉnh biên giới phía Bắc, bác về báo cáo với các đồng chí lãnh đạo cấp cao, cung cấp những tư liệu, những dẫn chứng thực tế sinh động, giúp cho lãnh đạo Đảng, Nhà nước thấy rõ cần phải bình thường hoá với nước bạn. Đầu năm 1990, bác được Trung ương cử đi Trung Quốc, mở đầu việc nối lại quan hệ bình thường với Trung Quốc.

Tháng 11/1989, Bộ Chính trị giao nhiệm vụ cho bác Vũ Oanh làm Trưởng ban Dân vận. Nhận nhiệm vụ mới, điều đầu tiên bác nghĩ tới là cần đổi mới công tác dân vận cho phù hợp với tình hình mới, khi toàn Đảng, toàn dân ta bước vào công cuộc đổi mới, mọi hoạt động dưới sự lãnh đạo của Đảng. Muốn đổi mới công tác dân vận cần phải có nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Bác trao đổi với Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Thường trực Ban Bí thư Nguyễn Thanh Bình và các đồng chí trong Ban Bí thư đều nhận được ý kiến tán thành. Đặc biệt, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh cũng đang trăn trở nhiều về công tác dân vận và nhất trí phải có nghị quyết về lĩnh vực này. Hội nghị Ban Bí thư nhất trí chủ trương ra Nghị quyết. Thường trực Ban Bí thư quyết định thành lập Ban soạn thảo, thành phần là lãnh đạo Ban Dân vận Trung ương, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, do bác Vũ Oanh làm Trưởng ban. Bác cũng là người trực tiếp chỉ đạo Tổ biên tập dự thảo Nghị quyết. Quá trình biên soạn dự thảo Nghị quyết đã xác định được những quan điểm cụ thể, nội dung công tác dân vận, phương pháp thực hiện các nội dung công tác, cơ chế hoạt động trong công tác dân vận theo tinh thần đổi mới của Đảng. Trong đó quán triệt sâu sắc tư tưởng “lấy dân làm gốc”, thúc đẩy được phong trào thi đua yêu nước sôi nổi trong Nhân dân, tập hợp được lực lượng các tầng lớp nhân dân vào tổ chức, xác định trách nhiệm của Đảng, chính quyền trong công tác dân vận. Ngày 27/3/1990, bản Nghị quyết đã được thông qua tại Hội nghị lần thứ VIII Ban Chấp hành Trung ương khoá VI, với chủ đề “Đổi mới công tác quần chúng, tăng cường mối quan hệ giữa Đảng và Nhân dân” (được gọi là Nghị quyết 8B).

Được Bộ Chính trị, Ban Bí thư phân công tham gia là thành viên Uỷ ban sửa đổi Hiến pháp năm 1992, bác Vũ Oanh đã có đóng góp quan trọng trong việc xây dựng Quốc hội vững mạnh, làm đúng chức năng là cơ quan quyền lực cao nhất của nhà nước ta, xây dựng Chính phủ đủ sức đảm đương nhiệm vụ hành pháp, củng cố, nâng cao chất lượng bộ máy hành chính ở cả bốn cấp: Trung ương, tỉnh, huyện và xã, xây dựng nền tài chính vững mạnh.

Triển khai thực hiện Nghị quyết 8B, bác Vũ Oanh tham gia chỉ đạo đổi mới tổ chức và hoạt động của nhiều thành viên trong hệ thống chính trị của nước ta khi bước vào công cuộc đổi mới theo Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ VI. Đổi mới công tác của MTTQ Việt Nam để Mặt trận giữ được vai trò to lớn trong việc củng cố khối đại đoàn kết toàn dân xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đổi mới hoạt động, kiện toàn tổ chức các cấp của Hội Nông dân Việt Nam theo tinh thần dân chủ, đoàn kết, vững mạnh. Đổi mới tổ chức và hoạt động của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam theo quan điểm phát huy nhân tố con người, phát triển kinh tế, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho người lao động, chăm lo giải quyết những vấn đề xã hội, giải quyết hài hoà lợi ích cá nhân với lợi ích của toàn xã hội. Song song với việc củng cố nâng cao chất lượng hoạt động của công đoàn địa phương là khôi phục, thành lập các công đoàn ngành các ngành: Thuỷ sản, thương mại du lịch, mỏ địa chất, cơ khí luyện kim, điện tử, giao thông vận tải, ngân hàng, quân đội, viên chức.

Cũng trong giai đoạn bác Vũ Oanh làm Trưởng ban Dân vận Trung ương, với nhận thức đúng đắn về vị trí, vai trò của cựu chiến binh, của người cao tuổi, bác đã đề xuất, tham mưu cho Đảng, Nhà nước quyết định thành lập Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Hội Người cao tuổi Việt Nam.

Đại tá Lê Liên

Tin liên quan

Cùng chuyên mục

Đọc lại hồi kí  “Điện Biên Phủ - điểm hẹn lịch sử”

Đọc lại hồi kí “Điện Biên Phủ - điểm hẹn lịch sử”

Hồi kí “Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, do nhà văn Hữu Mai thể hiện là một hiện thực rộng lớn gồm nhiều sự kiện, nhiều nhân vật, nhiều địa điểm, nhiều thời điểm khác nhau. Nhân kỉ niệm tròn 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024, chúng tôi xin được góp chút suy nghĩ và sự thán phục tài cầm quân của vị Đại tướng huyền thoại…
Hoàng Văn Thụ - một ánh sao muôn đời sáng soi

Hoàng Văn Thụ - một ánh sao muôn đời sáng soi

80 năm trước, vào ngày 24/5/1944, biết không thể khuất phục được người tù cộng sản Hoàng Văn Thụ nên thực dân Pháp đã đưa ông ra trường bắn. Năm đó ông vừa tròn 35 tuổi.
Phát huy tinh thần của Ngày Quốc tế Lao động

Phát huy tinh thần của Ngày Quốc tế Lao động

Ngày Quốc tế Lao động (1/5) là ngày lễ quan trọng nhất của người lao động toàn thế giới. Đó là ngày tôn vinh, bảo vệ những người công nhân, đồng thời để giai cấp vô sản biểu dương sức mạnh của mình. Tinh thần của Ngày Quốc tế Lao động mãi mãi đồng hành với ước mơ của giai cấp công nhân và người lao động trên toàn thế giới về một xã hội không có áp bức, bóc lột.
Người tái hiện phiên hiệu và truyền thống của trung đoàn 22 anh hùng

Người tái hiện phiên hiệu và truyền thống của trung đoàn 22 anh hùng

Trung đoàn 1 thuộc Quân khu Hữu Ngạn, gồm 3 tiểu đoàn bộ binh 1, 2, 3 và các đơn vị trực thuộc được thành lập ngày 15/3/1965, tại xã Lâm Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình. Tháng 6/1965, Trung đoàn lên đường vào miền Nam chiến đấu.
Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng

Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng

Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Cuộc chống Mỹ, cứu nước của Nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ, hi sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn. Đó là một điều chắc chắn. Tôi có ý định đến ngày đó, tôi sẽ đi khắp hai miền Nam Bắc, để chúc mừng đồng bào, cán bộ và chiến sĩ anh hùng; thăm hỏi các cụ phụ lão, các cháu thanh niên và nhi đồng yêu quý của chúng ta”...

Tin khác

Tổng Bí thư Trần Phú - Hai miền quê yêu dấu

Tổng Bí thư Trần Phú - Hai miền quê yêu dấu
Cuộc đời đồng chí Trần Phú, Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng dù dừng lại ở tuổi 27 nhưng thân thế, sự nghiệp hoạt động cách mạng và chí khí, cốt cách của người cộng sản trẻ tuổi ấy với câu nói nổi tiếng “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu” luôn sống mãi với thời gian và là hình mẫu để lại cho Đảng, cho các thế hệ cán bộ và nhân dân học tập noi theo; mãi mãi là niềm tự hào của hai miền quê Hà Tĩnh và Phú Yên...

Văn hóa ứng xử, giáo dục trong gia đình

Văn hóa ứng xử, giáo dục trong gia đình
Văn hóa ứng xử trong gia đình luôn là vấn đề cần được quan tâm và coi trọng. Đặc biệt trong các gia đình Việt, đó là nét đẹp truyền thống của dân tộc ta, đó là sự hòa thuận, chung thủy, tình nghĩa, lòng yêu thương và hi sinh cho con cái; tôn trọng và hiếu lễ với cha mẹ và hòa thuận các anh, chị, em. Những nét đẹp ứng xử trong gia đình đã hình thành nên nhiều giá trị văn hoá mang tính truyền thống của người Việt.

Xe đạp thồ Việt Nam thắng máy bay thực dân Pháp

Xe đạp thồ Việt Nam thắng máy bay thực dân Pháp
Khi chấp nhận trận quyết chiến chiến lược với quân ta tại Điện Biên Phủ, thực dân Pháp đã xuất phát từ ưu thế vượt trội về quân sự; đồng thời, ỷ vào khả năng tiếp tế hậu cần hơn hẳn đối phương.

Cuốn sách mang đến tương lai tươi sáng cho nhân loại

Cuốn sách mang đến tương lai tươi sáng cho nhân loại
Vào ngày 24/2/1848, Các Mác và Phri-đrich Ăng-ghen cùng soạn thảo và xuất bản cuốn “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”, văn kiện đầu tiên có tính chất cương lĩnh của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế.

Sức mạnh của dòng máu Tiên Rồng

Sức mạnh của dòng máu Tiên Rồng
Theo huyền thoại con Rồng cháu Tiên, Lạc Long Quân thuộc dòng dõi Rồng lấy nàng Tiên Âu Cơ sinh ra một bọc có trăm trứng nở ra trăm người con.

Lênin với công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội

Lênin với công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội
Sau Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga năm 1917, trên cương vị Lãnh tụ Đảng Cộng sản Nga và Chủ tịch Hội đồng Dân ủy nước Nga Xô viết, Chủ tịch Hội đồng Dân ủy Liên Xô, V.I.Lênin đã bắt tay xây dựng chủ nghĩa xã hội hiện thực để đem lại cuộc sống tự do, ấm no, hạnh phúc cho Nhân dân.

Vấn đề già hóa dân số của một số nước trên thế giới - Khuyến cáo với Việt Nam

Vấn đề già hóa dân số của một số nước trên thế giới - Khuyến cáo với Việt Nam
Chúng ta đang sống trong thế giới biến động nhanh chóng, phức tạp và khó lường. Trong đó, già hóa dân số là vấn đề chưa từng có, kể từ khi xuất hiện loài người trên trái đất.

Công tác Quy hoạch cán bộ và cán bộ cấp chiến lược

Công tác Quy hoạch cán bộ và cán bộ cấp chiến lược
Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta đặc biệt quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ vừa “hồng” vừa “chuyên”, đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Ngày 30/11/2004, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 42-NQ/TW “Về công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lí thời kì đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”. Đến nay, thực hiện nghị quyết này đã được 20 năm...

Từ bài viết của Nguyễn Khuyến suy nghĩ về “giặc nội xâm” xưa và nay

Từ bài viết của Nguyễn Khuyến suy nghĩ về “giặc nội xâm” xưa và nay
Tư tưởng Hồ Chí Minh về đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là tài sản tinh thần to lớn và quý giá của Đảng và dân tộc Việt Nam. Hồ Chí Minh đã chỉ rõ hành vi, bản chất, nguyên nhân của tham nhũng, tiêu cực; những tác hại nguy hiểm của thứ “giặc nội xâm”, phá hoại sự nghiệp cách nạng của Đảng và Nhân dân Việt Nam.

Không thể xuyên tạc, phủ nhận tầm vóc, ý nghĩa và giá trị Ngày Chiến thắng 30/4/1975

Không thể xuyên tạc, phủ nhận tầm vóc, ý nghĩa và giá trị Ngày Chiến thắng 30/4/1975
Đại thắng mùa Xuân 30/4/1975 là một trong những mốc son chói lọi nhất của lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Cứ mỗi năm, đến ngày 30/4 cả dân tộc ta được sống lại trong không khí hân hoan, phấn khởi của ngày chiến thắng lịch sử cách đây 49 năm - tinh thần của “một ngày bằng 20 năm”.

Văn hóa nêu gương, một tiêu chuẩn hàng đầu trong công tác nhân sự

Văn hóa nêu gương, một tiêu chuẩn hàng đầu trong công tác nhân sự
Trong lịch sử dân tộc Việt Nam, nêu gương là chuẩn mực đạo đức, văn hóa, lẽ sống trong hành động, việc làm và được lưu truyền từ đời này sang đời khác. Nổi bật là ở đội ngũ trí thức, gồm: Quan lại, thầy đồ, các bậc cao niên, nho sĩ... Tiêu biểu như Chu Văn An, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã dám dâng sớ đề nghị vua chém những kẻ nịnh thần trong triều với mong muốn được yên dân, xã tắc vững bền. Khi đất nước bị xâm lăng, đô hộ, nhiều người đã nêu gương, đi đầu trong các phong trào yêu nước, dâng hiến trí tuệ, đức tài cho sự nghiệp chống giặc ngoại xâm, tiêu biểu như Nguyễn Đình Chiểu, Phan Châu Trinh...

Phát huy và trọng dụng trí thức cao tuổi trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước

Phát huy và trọng dụng trí thức cao tuổi trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước
Trong thời đại cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhất là xu hướng già hóa dân số nhanh, thì NCT thực sự là nguồn lực quan trọng, vốn quý của xã hội, góp phần đáng kể vào phát triển bền vững đất nước, hiện thực hóa khát vọng dân tộc theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Tấm lòng của đồng chí Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai đối với người có công

Tấm lòng của đồng chí Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai đối với người có công
Nhà tôi ở gần nhà công vụ của đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, nên biết được rất nhiều người trong khu dân cư đàm đạo về một nữ cán bộ lãnh đạo thật xứng đáng là công bộc của Dân, như lời Bác Hồ từng căn dặn, dạy bảo.

Những nguyên nhân của vấn nạn bạo lực học đường

Những nguyên nhân của vấn nạn bạo lực học đường
Từ vài thập kỉ trở lại đây, bạo lực học đường ở nước ta đang trở thành mối lo ngại của ngành giáo dục, cha mẹ học sinh và toàn xã hội. Nó tác động trực tiếp đến tinh thần, thái độ học tập của học sinh và việc giảng dạy của các thầy, cô giáo.

Dấu ấn thiên nhiên trong văn hóa ẩm thực Nam Bộ

Dấu ấn thiên nhiên trong văn hóa ẩm thực Nam Bộ
Văn hóa là thiên nhiên thứ hai do con người sáng tạo, qua quá trình tương tác với môi trường tự nhiên và xã hội, văn hóa ẩm thực nói riêng là một thực thể sống động, chịu sự tác động và biến đổi qua biến thiên của thời gian trong môi trường xã hội và tự nhiên ấy…
Xem thêm
Phiên bản di động