Ba trăm năm trước thơ còn thấy...
Văn hóa - Thể thao 17/04/2020 09:15
Trần Trọng Liêu sinh thời cách nay 324 năm không chỉ là một bậc tướng giỏi, học rộng được lưu danh bia đá tại Văn miếu - Quốc Tử Giám... mà còn hiển hiện một bậc tiến sĩ đa tài, tâm hồn lồng lộng, đậm chất nhân văn, tôn thờ Tổ tông, công đức các bậc tiền sinh. Đọc bài “Mừng Trần Quý Hầu đăng quang tiến sĩ” (Trần Quý Hầu và Trần Văn Võ là bút danh của cụ Trần Trọng Liêu) viết dưới dạng tự thuật sự kiện, nhưng đậm chất tùy bút, xen lẫn giọng hịch và bình luận nên sự kiện bật lên từ hơi văn phóng túng, nhưng chặt chịa, khúc triết. Xuyên suốt bài là sự tôn tộc, nặng lòng ơn đức Tổ tiên nội ngoại, gia đình, bạn bè thân hữu; lại được sinh thành trong nôi dòng tộc, gia giáo; trong đất nước có vua sáng, trọng người tài, tôn dân là gốc... thế nên sĩ tử mới đam mê tôi luyện để thành đạt. Lời văn sang sảng giãi bày phúc lớn từ dòng họ… Mạch văn cứ thế, cứ thế dẫn người đọc nhận ra nguyên cớ sự thành đạt, chính là công sức rèn giũa không mệt mỏi của Trần Quý Hầu. Đó còn là do các Quý Hầu cùng chung sức chăm lo, từ lễ nghi Tổ, Thần, đến việc gắng học hành và thực dụng mà nên... Cũng còn vì sự vinh quang của quân tử (vua) lập ra Triều chính, lấy tế thời hành đạo, cho đến ân đức nhà vua biết coi dân là gốc (dân vi bản)! ... bởi thế khi kết bài thuật, cụ tự vấn về trách nhiệm khi đã được vinh danh: “...Sao lại làm việc không vững chắc, gây ra tai họa được?...”. Cụ thấu hiểu vai trò to lớn của Nhân dân đối với xã hội, với non sông đất nước; thể hiện rõ quan điểm “dân là gốc”.
Văn đã hay mà là vậy, với thơ qua các bài: “Thơ ngẫm về trăm họ trong thiên hạ” và “Thơ ngắm miệt mai” với bút danh “Đông các học sĩ Ôn Hậu công” thấy rõ một Trần Trọng Liêu hơn 300 năm trước đã có tầm nhìn sâu rộng về xã hội. Cụ nhiệt tâm ca ngợi cái tích cực, cái tốt đẹp; thẳng thắn phê phán cái xấu xa của xã hội, của con người, của những người đỗ đạt có hàm chức mà hư hỏng. Cụ xúc cảm trước cảnh ngộ cùng cực, bất công mà người dân phải chịu đựng, mong họ nhanh chóng thoát khỏi cảnh lầm than... Với ý nguyện để di sản văn hóa - lịch sử của Tổ tiên được phổ cập với các thế hệ hậu sinh, nên cụ Trần Bá Lạn một nhà báo, nhà giáo, nhà nho kì cựu đã gắng sức dịch thuật nhiều tác phẩm thơ đời tổ Ất chi Trọng phái giúp chúng ta có cái nhìn đa chiều bối cảnh xã hội, tâm hồn, tư tưởng trong sáng của các cụ thời xưa xa ấy! Giới hạn thời lượng bài viết, tôi xin nói về bài:
Bia Tiến sĩ Trần Trọng Liêu đặt tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám |
Âm Hán-Việt (Thiên hạ bình bách tính ninh thi), tức “Thơ ngẫm về trăm họ trong thiên hạ” của cụ Trần Trọng Liêu viết nhân dịp Khoa Quý Sửu – đời Long Đức 2 (1733), khoa thi tiến sĩ để tìm nhân tài mà Cụ đã đỗ đạt. Dịp này cụ đã viết bài thơ mang tiêu đề trên, gồm 50 câu theo luật thơ ngũ ngôn. Cụ Lạn dịch thành thơ thất ngôn để dễ dịch dễ hiểu, nhưng không làm sai lạc (như người dịch giãi bày). Theo âm Hán, 4 câu mở đầu là: “Tích Võ đức xưng thánh/ Duy Cơ danh tịnh giai/ Thổ phu kinh kí Duyện/ Thủy tức nhạn hà Hoài...). Âm - Việt “Xưa kia “Đức Võ” xưng là Thánh/ Tên tự là “Cơ” cũng chẳng sai/ Bày ra việc phân vùng đất Duyện/ Dòng nước sinh ra nhạn sông Hoài...). Tác giả mượn tích vua mở nước đời nhà Hạ, cổ đại Trung Hoa thường gọi là Hạ Võ, mượn cách chỉ tên hiệu đẹp phụ nữ thời cổ là Cơ (như Âu Cơ - ND), Duyện là 1 trong 9 châu cổ xưa thuộc vùng tây nam Hà Bắc và tây bắc Sơn Đông cùng con sông chảy qua tỉnh Hà Nam, Trung Quốc để mở lối vào bài thơ như một viễn cảnh đẹp mà người trong công việc cai quản đất nước phải lo gìn giữ vun xới. Với trọng trách: “Kham việc trừ tà - gây rối loạn/ Xua đi ẩn tích - sạch bụi bay/ Người năng công việc cho trọn phận/ Thuận thời, trù liệu cả tương lai/ Cho dân thoát cảnh lầm than mãi!...”. Tấm lòng đau đáu coi dân là gốc, trọng dân, vì dân nên Trần Trọng Liêu gắt gao phê phán, phanh phui, phỉ báng những đám mưu cầu danh lợi cá nhân làm hại dân lành, làm suy thoái nước nhà. Cụ lại lấy tích nhà Chu cổ đại Trung Hoa lúc suy thoái, trời như trống rỗng, để mà suy ngẫm, để lo cứu giúp cho đời là trách nhiệm cao đẹp, để có tiền đồ tốt đẹp cho dân, cho mình: “Chu triều suy thoái - “trời” bỗng trống/ Xót nước tranh nhau - lũ nhặng say”... Và, cụ khuyên những người đảm nhận quyền chức phải có lòng dạ tốt, lời nói hay, việc làm đẹp: “Người hiền vốn biết phân phải trái/ Làm quan - hẹp bụng - thật chẳng hay/ Ngôn từ thích nghi và trong sáng/ Niềm tin rạng rỡ vẻ vang thay”. Thơ chan chứa tình người với con người, nhắc nhủ các quan chức hãy sống và làm việc vì dân vì nước.
Thơ Trần Trọng Liêu cũng chứa chan tình cảm, yêu thiên nhiên, yêu cái hay cái đẹp, cái tinh khôi, dịu thơm riêng biệt của miệt mai, qua bài: “Chiêm bảng mai thí” (Thơ ngắm miệt mai) theo luật ngũ ngôn. Khổ đầu thật cô đúc biết bao về đặc tính của mai: Theo âm Hán-Việt “Thiên hạ hà vưu vật/ Nhân gian đệ nhất mai/ Vô tư thiên trường dưỡng/ Hữu ý địa tài bồi”. Tạm dịch: “Thế gian bao vật quý/ Trên đời đệ nhất mai/ Vô tư trời sinh, dưỡng/ Cố ý đất ươm, trồng”. Ngôn từ tinh lọc hiển hiện vẻ thánh thiện của mai. Và, “Lạnh ủ gốc rễ tươi/ Sương bao cho quả đậu/ Tết tới rồi, sang “Tý”/ Xuân về rợp dáng mai”... Tác giả vui được chiêm ngưỡng hoa trong tuyết lạnh khi đón Xuân về. Đó là loài hoa không bao giờ khuất phục trước cường quyền, mảnh mai nhưng sánh với tùng bách “Đối diện với trúc tùng/ Tưởng trái tim sắt đá”, chịu được mọi nghịch cảnh, dù bão tuyết mưa rơi, có thể thích ứng với mọi thời tiết khắc nghiệt; tuổi thọ cao, phát triển mạnh; chăm sóc tốt sẽ nhiều hoa vào mùa Xuân... được tác giả vận vào thơ một cách nhuần nhuyễn. Ngắm miệt mai, Trần Trọng Liêu lại vận vào trọng trách của mình “Ngàn đời bồi mạch nước/ Sừng sững rạng ngời thay”.
Văn thơ trong trẻo, tâm sáng, suốt cuộc đời miệt mài học và làm tốt trọng trách được giao, Trần Trọng Liêu mãi để các thế hệ nhân dân Văn Hội noi theo. Có nhẽ là vậy, nên cụ Tố Hiên (đời thứ 13 ), chắt 4 đời của cụ có những câu thơ truyền đời: “Tâm vì đạo lớn, giàu nhân đức/ Đạo ở trong tâm, cực chẳng sờn/ Chỉ ước hiếu hiền, yên hạ thế/ Mỗi năm vui đón một tân Xuân”!
Hà Nội, tháng 4/2020