Bản đúc trên Cửu đỉnh ở cố đô Huế được vinh danh Di sản tư liệu thế giới
Văn hóa - Thể thao 17/05/2024 14:46
Ngày 8/5/2024, tại Kì họp thứ 10 của Ủy ban Chương trình Kí ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO diễn ra ở thành phố Ulan Bator (Mông Cổ), “Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế” của Việt Nam chính thức được ghi danh vào Danh mục Di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO.
Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế là dương bản duy nhất, hiện đặt trước sân Thế Tổ Miếu trong Hoàng cung Huế, gồm 162 hình ảnh và chữ Hán được vua Minh Mạng cho đúc tại Huế vào năm 1835 và hoàn thành năm 1837. Đây là nguồn tư liệu độc đáo, quý hiếm được giới nghiên cứu Việt Nam và nước ngoài rất quan tâm bởi mang giá trị nội dung về lịch sử, văn hóa-giáo dục, địa lí, phong thủy, y dược, nghệ thuật thư pháp.
Cửu đỉnh trong Hoàng thành Huế. |
Theo các nhà nghiên cứu, Cửu đỉnh Huế như một bộ bách khoa thư bằng hình ảnh. Các nghệ nhân thời vua Minh Mạng đã thể hiện một cách khái quát nhưng súc tích sự đa dạng với nhiều cảnh vật nổi tiếng của mỗi miền đất nước, tạo nên sự giàu đẹp của Tổ quốc, như: Tinh tú, núi sông, cửa biển, lãnh hải, cửa ải, cây cối, hoa cỏ, động vật, binh khí, xe thuyền… Tất cả các hình ảnh được đúc nổi trên Cửu đỉnh có thể xem như đặc trưng vùng miền trải dài từ Bắc chí Nam. Ngoài tính cung đình, hình ảnh trên Cửu đỉnh còn mang đậm tính dân gian, gắn liền với đời sống của đại đa số người Việt. Đây là những tác phẩm đạt đến độ hoàn mĩ của nghệ thuật đúc đồng truyền thống Huế và của Việt Nam trong lịch sử. Những hình ảnh chạm nổi trên Cửu đỉnh là một bộ “Đại Nam nhất thống chí” bằng đồng vô cùng độc đáo của dân tộc ta dưới thời vua Minh Mạng, không chỉ thể hiện sự tài hoa, khéo léo của những người thợ đúc đồng mà còn thể hiện lòng tự hào dân tộc vô bờ bến về một đất nước Việt Nam hùng cường và giàu có. Đặc biệt, vua Minh Mạng đã dùng hình thức đặt tên người phụ nữ lên dòng kênh để ghi dấu công lao, đề cao thân phận của người phụ nữ, điều rất hiếm thấy dưới chế độ phong kiến.
Cửu đỉnh vừa thể hiện bằng hình ảnh về đất nước Việt Nam trên các lĩnh vực văn hóa, xã hội, tư tưởng, kĩ thuật, tín ngưỡng, giao thông,… Những hình ảnh về biển đảo được khắc trên bộ Cửu đỉnh (Biển Đông ở Cao đỉnh, biển Nam ở Nhân đỉnh và biển Tây ở Chương đỉnh) sẽ là nguồn tư liệu quý về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, thực thi chủ quyền biển đảo của đất nước. Cửu đỉnh được coi là vật báu chốn thâm nghiêm trước Thế Miếu, nơi thờ các vua nhà Nguyễn. Các bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng bảo đảm tính nguyên vẹn, là “nhân chứng” lịch sử chứng kiến sự thăng trầm của triều đại, và điều quan trọng nhất là di sản tư liệu này được thể hiện dưới dạng hình ảnh và chữ Hán vẫn còn nguyên vẹn và ngay cả vị trí đặt chín chiếc đỉnh cũng chưa từng bị dịch chuyển. Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế còn lưu trữ các giá trị về mối quan hệ giao thoa và tiếp xúc văn hóa xã hội của đất nước Việt Nam với các quốc gia trong khu vực Đông Á. Di sản tư liệu đã được nhất trí ghi danh với sự đồng thuận đánh giá cao của Ủy ban Chương trình Kí ức thế giới và 23/23 quốc gia khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại Hội nghị này.
TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế khẳng định: “Có thể coi Cửu đỉnh là một bộ sưu tập triển lãm những tác phẩm mĩ thuật rất tinh tế của những nghệ nhân tài hoa, là biểu tượng cho sự giàu đẹp, thống nhất của đất nước Việt Nam. Các hình tượng trên cửu đỉnh là một bộ "địa chí" được ghi bằng ngôn ngữ tạo hình của nước ta ở thế kỉ XIX Tuy không nhiều nhưng điển hình và bao hàm rất đầy đủ".